| Hotline: 0983.970.780

Nơi những con chó chết non

Thứ Năm 15/10/2015 , 09:15 (GMT+7)

Nơi những con chó nổi cục khắp người rồi chết non mổ ra lá phổi teo lại chỉ bằng vài ngón tay. Nơi những người dân khi làm nghề phải đeo mặt nạ phòng độc nhưng vẫn bị lao, bị phổi. 

Ngoài ra, đó còn là nơi có những thanh niên, trung niên trong hình hài các cụ già…

Phổi teo và u nổi

Trận ốm tưởng chừng như chơi chơi thế mà cuối cùng cũng đủ sức quật đổ con chó nhà anh Dương Văn Công (khu 2 thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc, Vĩnh Phúc). Đây là lần thứ tư liên tiếp anh phải đi chôn chó. Những con chó bình thường đi đứng dặt dẹo như một cái bóng, đến lúc chết mổ ra đều cùng một triệu chứng phổi teo nhỏ chỉ bằng mấy ngón tay.

Anh Công kể: “Bọn em đi ăn quán có xem cảnh người ta mổ chó. Những con chó không phải ở làng nghề phổi bao giờ cũng rất nở và to còn chó ở làng nghề phổi teo tóp, khô chó (gầy), dẹo chó (xấu chó)”.

Ngoài chó ra, anh Công còn bắt một con lợn đen nặng tới 47 kg ở Lai Châu về tính vỗ béo nhưng sau 2 tháng nuôi nó chỉ tăng thêm được 3 kg. Lúc mổ ra hai lá phổi của con vật teo nhỏ còn hơn phổi chó. Con Mực nhà ông Phạm Trung Du gần đó cũng ốm dặt dẹo, lúc ăn, lúc bỏ.

Hễ nghe động cái vào là nó co rúm thân trông đau đớn như khâu phải ruột. Nó đã sống đi chết lại tới mấy lần. Nào ho, nào đau mắt, nào ghẻ lở toàn thân nhưng vẫn tồn tại. Ông Du đã mua thêm 2 con chó nhỏ để lo chuyện thay thế cho con Mực chẳng may một ngày nhưng cả hai đều chết yểu.

Những con chó ủ rủ, buồn phiền. Chúng ho. Những tiếng ho khúc khoắc như người, cả ngày lẫn tối. Khách lạ đến làng vào ban đêm không thể ngủ nổi khi nghe những tiếng ho nhưng ngó quanh, ngó quẩn không thấy người. Tiếng ho vô hình, vô dạng, rợn cả tóc gáy, nổi cả da gà. Những con chó thỉnh thoảng lại mẩn đỏ, nổi mày đay, nốt u khắp người mọc lên như hạt ngô, hạt đậu. Bệnh phát từ trong nội tạng phát ra.

Anh Phạm Văn Hậu vừa phải bán vội một con chó của mình đi trong tình trạng như vậy. Thế nên khu 2 mấy trăm hộ giờ đây vắng hẳn tiếng chó sủa. Không chỉ những con vật ở trên cạn mà cá dưới ao làng cũng không thoát khỏi cảnh chết non kể cả những con cá đen nổi tiếng khỏe như quả, trê, rô. Con vật có mồm ăn nhưng không có mồm nói nên chẳng thể hiểu được cơn cớ nào đã gây ra những đớn đau trong cơ thể. Tôi đành phải hỏi những con người.

Thị trấn Yên Lạc có hơn 3.400 hộ với trên 14.000 nhân khẩu trong đó quá nửa là làm nghề mộc. Độc hại nhất phải kể đến công đoạn sơn PU và chà nhám. Trước đây những ống xả bụi sơn, bụi chà từ trong nhà chĩa thẳng ra đường làng giờ cải tiến bằng cách chọc thẳng lên trời.


Đeo mặt nạ phòng độc

Thế nhưng “chạy trời không khỏi nắng”. Xả xuống ảnh hưởng đến đất, đến nước còn phụt lên tỏa ra xung quanh, bay theo hướng gió, toàn dân đều phải ngửi. Vào thời điểm cả làng cả tổng phun sơn, xả bụi chà thì mặt trời cũng tối sầm đi vì như bị một màn sương mù khổng lồ bao phủ. Đi một vòng làng khách lạ về đến nhà thấy sức khỏe cũng khang khác, thấy hai lỗ mũi đều bám kín bụi mùn chà gỗ xoan, gỗ pơmu (thứ rất độc, gây ngứa người).

Già, ốm trước tuổi

Vòng quay của sinh lão bệnh tử bị đảo lộn bởi ô nhiễm môi trường. Anh Phạm Văn Nam, Trưởng khu 2, vừa nói chuyện với tôi vừa không ngớt ho. Những cơn co rút phổi khiến lưng còng gập xuống. Những cơn ho méo mó cả cơ mặt.

Bố của anh Nam cũng bị bệnh phổi nặng, tiền làm ra không đủ chữa bệnh nên vẫn phải bươn bả hàng ngày. Trong hơn 200 nóc nhà của khu, số bị bệnh phổi, lao, ho chiếm khoảng 15-20%, số dính ung thư cũng không còn là chuyện hiếm. Sáng ra dậy họng cứ khô rát, e hèm liên tục mà vẫn cảm thấy cái gì ngưa ngứa, vương vướng mắc bên trong cứ muốn bật ra ngoài. Ho.

Những cơn ho không hề có đờm. Ho khan đi kèm khó thở và choáng váng. Tất cả các cánh cửa đều bịt kín khe. Các ô thoáng cũng bít cho bằng hết. Nhà ai cũng lắp kính, kéo rèm. Thế vẫn chưa đủ để chống bụi nhiều nhà còn che bạt lúc nào bên trong cũng âm âm tối như những cái chuồng gà.


Thanh niên còm cõi

Anh Dương Văn Công có xưởng gỗ kiêm cả phun sơn mỗi tháng bình quân tiêu thụ 6-7 phuy xăng PU, mỗi phuy nặng hơn 1 tạ. Quanh cụm dân cư mười mấy nóc nhà mà đã hàng chục xưởng sơn, quanh thị trấn và vùng phụ cận là hàng trăm, hàng ngàn xưởng. Đủ thứ chất độc được phun lên trời rồi lại rơi xuống đất gồm xăng PU, hóa chất lót, hóa chất làm bóng, hóa chất làm cứng, hóa chất tạo bả.

Độc hại nhất phải kể đến hóa chất tẩy gỗ. Nó mạnh đến nỗi nhỏ xuống gỗ tạo ra sức nóng đủ để đẩy tất tật nhựa bên trong ra ngoài (gây xấu màu) để thành trắng phau phau. Dính vào tay chân lột cả da. Dính xuống sàn gạch sủi bọt như axit.

Mỗi buổi tối đối với Công là những cơn ho, tức ngực, cổ họng bỏng rát, ngủ mê man đập chân, đập tay bình bịch ở trên giường. Sáng ra mệt hơn cả cày vài sào ruộng đồng sâu. Con cái đi học về hôm nào dính buổi quét lót là y rằng ho. Trẻ con rời cổng trường về không có tuổi thơ.

Chúng bị nhốt trong buồng đóng kín các loại cửa đơn, cửa kép vì bố mẹ sợ mùi sơn gây ảnh hưởng. Những trò chơi bi, chơi đáo, đánh bóng, đá cầu hầu như. Trẻ con thì trốn nhưng người lớn vẫn phải phơi mặt ra ngoài nên ai cũng đeo mặt nạ phòng độc lúc phun sơn hệt như cảnh người ngoài hành tinh. Người còn đeo khẩu trang được còn những con vật thì không nên thường chết rất sớm.

Con người ở làng cũng chẳng khỏe khoắn gì hơn. Bệnh chủ yếu là bệnh 74 - tức gọi tắt của Bệnh viện 74 Trung ương chuyên về lao phổi. Một bệnh nữa dân làng thường mắc là thận. Trong xưởng của anh Công dự bị toàn thanh niên trẻ khỏe bởi 40-45 tuổi ở làng nghề đã ọp ẹp lắm rồi vì ngửi mãi hóa chất nên sút cân nhanh, sức khỏe nhanh xuống đáy.

Thu nhập của anh Công ăn theo sản phẩm. Mỗi chiếc giường đóng ra được 150.000đ, mỗi chiếc giường đem phun được 30.000đ. Cật lực cả nhóm mỗi ngày phun được 20 cái lĩnh 600.000đ chia cho 2 lao động chính (200.000đ/ngày), 2 lao động phụ (100.000đ/ngày).

Hầu hết người ở làng nghề hình thức bên ngoài đều như cộng thêm vài chục tuổi so với tuổi thực của họ. Cặp vợ chồng ông Phạm Trung Du, bà Phạm Thị Hiền mới ngoài 60 tuổi nhưng ra đường ai nấy đều chào bằng… cụ. Lắm người còn mau mắn hỏi: “Năm nay cụ đã được 90 tuổi chửa?”.


Bà 60 tuổi mà như 90 tuổi

Như cậu thanh niên Phạm Văn Hùng, con ông bà sinh năm 1987 thôi nhưng cũng trông như người ngoại tứ tuần. Sức lực trai trẻ của Hùng bị bòn rút thể hiện trong hố mắt sâu hoắm, ánh mắt thất thần, vòm ngực còm cõi và tay chân tựa ống giang, ống sậy. Thỉnh thoảng trong làng lại có một đám ma chết non. Người mắc bệnh nếu có thuốc đủ thang thì sống thêm 3-5 năm còn không buông xuôi về nhà nằm chờ chết.

Cách đây đã lâu người ta từng hứa hẹn về một khu công nghiệp làng nghề mộc tập trung với đất rộng, hạ tầng tốt, có hệ thống máy hút bụi, xử lý nước nên dân làng tin lắm. Chẳng cần động viên nhiều họ sẵn sàng nhường lại ruộng với giá rẻ 73 triệu/sào nhưng sau đó chỉ được cấp 12 m2 đất thổ cư, phần còn lại phải mua với giá gấp hàng chục lần.

Tính ra mỗi lô đất 200m2 tốn đến 1,5 tỉ đồng khiến cho nhiều người thôn Đoài mới nghe đến mà bổ chửng. Họ bảo tôi rằng cuối cùng cũng có vài cái xưởng xẻ được mọc lên ở đó để cho nhà báo, nhà đài đến quay phim, chụp ảnh còn lại có chỗ đã biến thành đất thổ cư. Những xưởng sơn, xưởng mộc vẫn tồn tại nhức nhối ở trong làng.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất