| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm gia tộc

Thứ Tư 17/03/2021 , 09:31 (GMT+7)

Cháu đinh ninh là không nhìn mặt cậu Út nữa. Nhưng cháu đã gây khó xử cho má, má nặng gia tộc, má đâu bỏ em mình, bỏ bàn thờ ngoại được, đúng không cô?

Kính thưa cô!

Bên ngoại cháu phần đông là nhà nông, thời chiến tranh gian nan, thiếu thốn, sau 30/4 thì họ đổi đời nhờ nhiều người ở bên thắng cuộc.

Mẹ cháu là chị Hai, chèo chống, gánh vác con thuyền gia tộc đi hết hai giai đoạn chiến tranh và hậu chiến vì ông ngoại của cháu là liệt sĩ.

Trong khi đó ba của cháu là viên chức chế độ Sài Gòn, hồi xưa ba giúp cậu Ba em vợ ra tù chạy tháo vô vùng trong, giúp dì Tư lên thành học hành, giúp ngoại với cậu Út kinh tế khi tản cư và sau 1975, má cháu giúp ngoại mua đất làm nhà. Hiện giờ cậu Út ở cơ ngơi đó sau khi ngoại qua đời.

Hục hặc bắt đầu bằng việc ba cháu viết Hồi ký. Ba là người có Tây học, vì ông nội cháu là viên chức thời Pháp, con nhà điền chủ. Thời Mỹ, ông cũng là viên chức giỏi.

Đi học tập qua qua, nhờ má và các cậu, dì là người của cách mạng nên ba được lưu dung, làm giáo dục, cũng qua qua rồi có lương hưu. Ba viết về thời thơ ấu với ông nội Tây học, về thời sinh viên và nội chạy chọt để không phải đi sĩ quan, về thời sau năm 1975, kể hết mà có chừng mực.

Cháu là đứa cáng đáng ba má khi hai ông bà đến tuổi nghỉ ngơi, cháu bỏ tiền ra in cuốn Hồi ký cho ba.

Vậy mà chỉ vài ba đoạn về ngoại, về đất hương hỏa, về thời ba xin xỏ để cậu Ba được chạy vô trong, về việc nuôi dì Tư, về chuyện giúp cậu Út làm ăn sau này… viết thật mà vẫn rất vừa phải, ân tình. Cậu Ba làm thinh, dì dượng Tư không nói gì, chỉ cậu Út là chỉ trích.

Cậu nói ba theo ngụy quyền, bênh vực ngụy quyền vì ba là người của ngụy quyền, nếu không có bên ngoại cách mạng, chắc gì ba tránh được lao cải? Ba cháu ngồi trợn trắng, má cháu khóc ròng.

Cháu thấy bất công với ba, thấy má bị truất hết công lao chèo chống, thấy tới giờ mà cậu Út vẫn nói mấy cái chữ ngụy quân ngụy quyền. Cô biết không, ức quá, cháu đã đấm cậu mình. Cháu kéo ba má ra xe về, đó là ngày mồng 2 Tết vừa qua, khi cả nhà về thắp nhang ngoại.

Cháu đinh ninh là không nhìn mặt cậu Út nữa. Nhưng cháu đã gây khó xử cho má, má nặng gia tộc, má đâu bỏ em mình, bỏ bàn thờ ngoại được, đúng không cô? Cháu có lỗi không, cháu có cần xin lỗi không cô?

---------------------

Cháu thân mến!

Trong mỗi gia tộc Việt ở phía Nam hầu như đều có cảnh người bên này người bên kia, gọi là xôi đậu. Cuộc chiến quá dài, hơn 20 năm, cho dù là xôi đậu đi nữa thì khó có thể tránh khỏi bên thắng hãnh hỗ, bên thua chạnh lòng, mặc cảm.

Gia tộc cháu, như cháu viết, má rất có công, chị cả gánh gồng, lo cho ba đứa em trong không khí loạn lạc và sau đó, hậu chiến nhọc nhằn.

Vấn đề của má, số phận của má là má yêu một người gia đình giàu, có học, nghĩa là cuộc chiến xoay vần khiến người yêu của má ở vào phía đối địch với nhà mình. Yêu mà, sao tính được, sao né được, sao lường được?

Rồi ông ngoại của cháu thành liệt sĩ, ngọn cờ máu ấy trong thời chiến là đau thương, khi kết thúc chiến tranh là vẻ vang và khi ba cháu ngồi cùng với bên ngoại, ấy là hình ảnh lấn cấn, khó xử. Nhưng công của má lớn quá, nó át hết mọi eo sèo, nghi kỵ. Vẫn còn lớn, ấy là có cả vong linh ông ngoại phù hộ nữa đó nhé, nếu má vẫn trẻ khỏe và bảo bọc.

Quy luật thời gian khiến má già, cháu phải gánh vác ba mẹ già. Ai già cũng yếm thế, bị truất quyền, với gia tộc mình chỉ còn biết khóc khi bị nói nọ nói kia, với con, mình nhường quyền cho nó.

Người Việt mình có căn tính bạc bẽo. Giúp mấy cũng không vừa. Cậu Út nằm trong số đó. Vả lại, viết hồi ký dù ở dạng vừa phải cũng có đụng chạm vì đây là người thật việc thật. Ai tự ái thì dễ nổi xung. Mà một gã thua cuộc biết viết nữa, chao ơi, khó “tha thứ” à nha. Sao gã không im cái miệng đi? Vậy đó.

Chữ nghĩa bao giờ cũng có sức mạnh, lay chuyển, hoặc gây hằn thù, hoặc xoa dịu vết thương. Cháu đã thiếu kềm chế. Đấm cậu là hỗn, không ngụy biện được. Lý ra nên kéo ba má bỏ về, là đủ. Đã đấm là đi quá xa rồi.

Cháu nên xin lỗi khi nguôi hẳn. Đừng để ba má cháu lên tiếng gì cả, cháu chỉ cần gọi điện thoại xin lỗi. Có thể sau đó cháu không về hoặc ít về đó nữa, cháu có thể không quên việc cậu mắng ba là ngụy quân ngụy quyền.

Cứ để má cư xử, má về thường hay thưa ra, tùy má, cháu chỉ xin lỗi là xong. Mọi chuyện không còn như trước. Biết vậy thì chấp nhận vậy, nhẹ nhàng. Lòng người là thứ khó dò nhất. Má không kể công thì thôi, cháu đừng kể. Kệ họ đi, nhé. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất