| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm “nhóm hạt dưa”

Thứ Sáu 13/01/2012 , 11:05 (GMT+7)

Nếu thầy cô được thưởng Tết thì tiền cũng chỉ đủ mua một ký hạt dưa, nên có người gọi đùa đó là “nhóm hạt dưa”.

Đã gần Tết cổ truyền mà thầy cô giáo ở trường THCS Ba Nang đang cùng học trò miệt mài con chữ

Tết cổ truyền đã đến thật gần. Thông tin thưởng Tết từ các cơ quan, doanh nghiệp loan đi tới tấp, nhưng với những thầy giáo ở đồng bằng và miền núi Quảng Trị chuyện thưởng Tết với họ là chuyện xa vời. Nếu thầy cô được thưởng Tết thì tiền cũng chỉ đủ mua một ký hạt dưa, nên có người gọi đùa đó là “nhóm hạt dưa”.

Nói đến thưởng tết mà ứa nước mắt

Tôi gọi ông Trần Đới, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hải Lăng, hỏi thăm tình hình thưởng Tết cho giáo viên của huyện đồng bằng này. Ông Đới trả lời giọng buồn buồn: “Giáo viên không có chi cả em ơi, tội lắm. Phòng GD&ĐT và trường lấy tiền đâu ra mà thưởng Tết cho các thầy cô giáo".

Chạy xe dọc đường mà tôi cứ chạnh lòng thay cho các giáo viên. Tết đến giá cả đắt đỏ, mà không có thưởng thì biết bao giáo viên chẳng có một khoản thu nhập nào thêm để bù vào chuyện chi tiêu phát sinh đủ thứ như giỗ chạp, tất niên, quần áo cho lũ trẻ...

Tôi ghé vào trường THCS xã Hải Thượng. Các thầy cô vẫn miệt mài với con chữ, chưa ai có động thái gì chuẩn bị Tết. Với họ, Tết nhắc đến thêm buồn! Cô giáo Đào Thị Hồng Liên, Hiệu trưởng cũng nghèn ngẹn khi tôi đề cập đến chuyện thưởng Tết cho giáo viên: “Làm lãnh đạo nhiều khi nhìn anh em khó khăn mà rơi nước mắt. Nhà trường không có một đồng để thưởng Tết cho các thầy cô giáo. Sáng nay tôi vừa bàn với cô Chủ tịch Công đoàn xem còn đồng quỹ nào chia cho anh em, nhưng quỹ cũng sạch trơn. Mà quỹ cũng từ đồng lương của anh em trích lại".

Trường THCS xã Hải Thượng có 31 giáo viên, nếu thưởng Tết cho mỗi người một kg hạt dưa gần 100 ngàn đồng thì khoản tiền cần có là 3 triệu đồng. Song với nhà trường thì lấy đâu ra. Những năm trước mỗi lần Tết đến nhà trường cũng lo cho mỗi anh em được 50 ngàn đồng, còn năm nay không có gì để động viên anh em. Cô Hồng Liên nói nếu người nào có vợ chồng khác ngành nghề thì mỗi lần Tết đến còn được “nửa kia” chia sẻ, chứ hai vợ chồng giáo viên thì tội thật. “Tôi đang cố gắng từ nay đến Tết tìm mọi cách để cho anh em được một ký hạt dưa hay ký mứt gì đó gọi là quà cho vui”, cô Liên chia sẻ.

Không có tiền thưởng Tết, đời sống kinh tế khó khăn trong thời buổi giá cả leo thang nhưng các thầy cô ở đây lại đang góp tiền lương của mình chuẩn bị 20 suất quà (mỗi suất trị giá 200 ngàn) tổ chức Tết, tặng quà cho các học sinh nghèo của trường. Thế mới biết tấm lòng thơm thảo, chia sẻ của giáo viên trường THCS Hải Thượng thật là đáng quý.

Chẳng riêng trường THCS Hải Thượng của huyện Hải Lăng không có tiền thưởng Tết cho giáo viên, mà đây là tình hình chung của rất nhiều trường tiểu học, THCS ở các huyện đồng bằng, miền núi tỉnh Quảng Trị. Một cô giáo kể rằng hôm qua khi nghe mấy thằng em trai bàn tán chuyện thưởng Tết, em phải giả vờ đi chỗ khác. Mình cũng học đại học như nó mà Tết về không có tiền để cho bố mẹ một ít gọi là động viên ông bà có công khó nuôi con ăn học, ngượng chết đi được.

Dân cho gì hay đó

Tại xã Húc Nghì, huyện miền núi Đakrông, thầy giáo - Anh hùng Lao động Hà Công Văn, Hiệu trưởng trường THCS Húc Nghì cho biết mỗi khi Tết về, ngoài các giáo viên, thầy Văn còn phải lo cái Tết cho hơn 30 học sinh nội trú con em các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. "Mỗi năm Tết đến và năm nay cũng vậy, Công đoàn nhà trường cho giáo viên người gói kẹo, gói bánh, tờ lịch để gọi là quà Tết, ngoài ra không có gì khác. Tôi đang lo không có gì cho các em đón Tết, tình hình này chắc phải cho các em về với gia đình". 

Sự bất cập ngày càng thể hiện rõ trong các ngành, nghề nên ngày càng khó khuyến khích học sinh theo nghề giáo viên

Hơn ba mươi năm sống với bà con dân bản, đón hơn 30 cái Tết giữa đại ngàn Trường Sơn, thầy Văn thấm thía hơn ai hết cái Tết của giáo viên cắm bản. Nhiều cái Tết thầy Văn và giáo viên, học sinh đón Tết bằng những sản phẩm của bà con dân bản mang tặng như măng rừng, thịt mang họ săn được hay con cá vừa câu dưới suối lên, chỉ có thế thôi. Thầy trò ngồi lại với nhau trong khu nhà tập thể giữa rừng đón Tết và kể cho nhau nghe truyền thuyết giữ bản, giữ làng của người Vân Kiều, Pa Cô để giáo dục các em có thêm khát vọng làm cho cuộc sống ngày càng ý nghĩa hơn.

Không có tiền thưởng Tết để mua sắm, nhiều năm nay các giáo viên của thầy Văn thường xin lĩnh lương của hai tháng (của tháng 1 và ứng thêm tháng 2) về lo Tết cho gia đình. Với giáo viên, việc linh động cho họ ứng trước một tháng lương trong thời điểm Tết thì cũng được họ xem như là khoản tiền... thưởng Tết. Họ tự động viên nhau mà thôi, có ai thưởng Tết cho giáo viên đâu.

 Tạm ứng trước nên Tết xong thì lương của tháng hai cũng hết. Trong lúc đó theo lịch còn cả một tháng hai dài dằng dặc, đầy khó khăn vẫn chưa đi qua. Thầy Văn ngậm ngùi: “Nhiều giáo viên cộng đồng lương suốt đời của mình chưa bằng số tiền thưởng một cái Tết của một người ở những ngành nghề khác, đúng là bất công thật”.

Tìm đến trường THCS Ba Nang giữa rẻo cao Trường Sơn, thầy Hoàng Văn Luận, Hiệu trưởng cũng không giấu được nỗi băn khoăn khi nói đến chuyện thưởng Tết cho giáo viên của mình. “Nhà trường làm gì ra tiền anh ơi. Nhưng không thể bó tay được, cố gắng cho 26 thầy cô giáo mỗi người được một ký hạt dưa, động viên nhau thôi anh”. Thầy Luận nói mình già rồi thế nào cũng được, nhưng Tết đến các cháu muốn có áo mới nên phải sắm sửa một tí, rồi mua một ít quà Tết cho nội, ngoại. Thế là khi Tết xong nhiều thầy cô không còn lương để sinh sống.

Còn thầy Ai Nghiệp, người Vân Kiều, giọng buồn buồn: “Tiền lương tháng sau đã ứng để tiêu Tết. Ra Giêng, nhiều lúc trong túi không còn được mấy chục ngàn dự phòng mua thuốc sốt cho con ốm đau bất ngờ, vợ chồng nhìn nhau ứa nước mắt".

Tôi ghé vào một trường ở huyện miền núi Đakrông, chứng kiến một chuyện... thưởng Tết cười ra nước mắt. Để tạo không khí vui vẻ cho giáo viên của mình, một thầy giáo đã lấy tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng mới lĩnh lương rồi photo ra nhiều tờ tặng cho các giáo viên, gọi là lì xì. Nhận được tiền photo, ai cũng ôm bụng mà cười, cười cho thật sảng khoái vì cách tự thưởng hóm hỉnh để vơi đi nỗi buồn không có tiền thưởng Tết.

Nhiều thầy cô giáo tâm sự thực lòng trước đây khi mới bắt đầu vào nghề sư phạm họ cũng quan tâm về thưởng Tết, tuy nhiên sau vài năm đi làm, quá quen với việc "thưởng Tết" của giáo viên nên đã giúp các thầy cô có được một đức tính tốt là bàng quan với việc đòi hỏi, biết chịu đựng và chấp nhận, không mơ ước những gì không nằm trong tầm tay của mình.

Nhưng, giáo viên không phải là những người không làm ra sản phẩm cho xã hội. Sản phẩm của giáo viên làm ra là sự kết tinh của trí tuệ và tâm hồn, góp phần quan trọng hình thành hai trụ cột của xã hội là tri thức và lòng trắc ẩn. Nếu ai đó mang sản phẩm của nghề giáo ra so sánh với sản phẩm các ngành nghề khác thì đúng là một sự day dứt vô cùng.

Sự nghiệp trồng người là cao quý, nhưng đa phần các thầy cô giáo phải đứng ra ngoài quy luật chi phối của thưởng Tết. Giáo viên cũng cần phải có tiền để chi tiêu, phải có thịt mà kho nấu, cúng ông bà. Tại sao không ai chịu thấy cái cảnh bức xúc mỗi độ xuân về, Tết đến của những giáo viên không có thưởng Tết?

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm