| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm quê hương

Thứ Hai 15/04/2013 , 10:16 (GMT+7)

Tôi sinh ra đã biết và được nghe ông nội kể về các cụ kị ngày xưa, nhưng còn nhỏ nên tôi chẳng nhớ gì nhiều.

Tôi sinh ra đã biết và được nghe ông nội kể về các cụ kị ngày xưa, nhưng còn nhỏ nên tôi chẳng nhớ gì nhiều. Tuổi thơ tôi gắn liền với nơi tôi sinh ra, chứng kiến những biến động dữ dội của thời kỳ đầu vào HTX sản xuất nông nghiệp nơi này, thì đích thị đấy là quê hương “xịn” của tôi rồi.

Quê tôi (thôn Trần Đăng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bây giờ vẫn còn nhiều công trình cổ đẹp, trong đó còn 3 cổng: Cổng đình, cổng chùa và cổng của một gia đình. Những cổng này làm từ những năm 20-30 của thế kỷ trước, chúng tôi coi đây là những báu vật của làng, là thần thái hồn cốt cổ kính của quê hương do cha ông để lại.

Vậy mà ông đứng đầu cơ quan tôn giáo huyện Ứng Hòa không biết nghe ai đã cùng ông trưởng thôn phá mất phần trên cổng chùa và xây bịt lại không cho đi vào chùa lối này, và nhiều việc làm vi phạm khác. Chúng tôi đã góp ý, kể cả bằng văn bản, bởi vì quần thể đình - miếu - chùa ở đây đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia thì không thể tùy tiện xâm phạm được. Nếu không có dư luận lên tiếng thì đã bị phá hết.

Cổng này tuy bé, nhưng kiến trúc đẹp, mang đậm nét tâm linh nhà Phật, trên có 4 chữ nho: “Đàm Vân Thắng Cảnh” nằm cân đối trong 2 hình tròn và hình ô van to ở giữa, phía dưới là cách điệu những dải mây mềm mại nâng đỡ 3 hình trên.

Chúng tôi, những người xa quê, có đề nghị Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn tổ chức một hội nghị đối thoại với nhà chùa và các cấp chính quyền thôn để muốn nghe lý do cơn cớ những việc làm này. Gần một năm sau mới có hội nghị đó, và  ông Trưởng ban Phật giáo huyện Ứng Hòa đã không đến.

Kết luận hội nghị, ông trưởng thôn và nhà chùa phải phục chế lại phần cổng bị phá, mở lại lối đi, múc trả lại ao chùa trước Tết Nguyên đán năm Quý Tỵ. Vậy mà Tết đến, mở hội làng, cổng chùa vẫn bị bịt kín, các cụ bà lên chùa áng chừng chỉ 1/3, có cụ nói: “Lễ đăng thọ, làng mở hội, có nhiều trò vui, có hát quan họ trên ao làng, có văn nghệ diễn chèo ban đêm, nhưng cảnh chùa của các già thì buồn quá”…


Cổng chùa bị xâm phạm

Chúng tôi vẫn có quan hệ tốt với quê hương, có nhiều công sức, hiện vật, tiền của, trí tuệ… đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển của quê hương, bỗng dưng vì việc này thành ra như "đối đầu" với địa phương. Không muốn đẩy sự việc thành căng thẳng, chúng tôi chỉ muốn giải quyết trong phạm vi thôn và xã thật êm thấm.

Chúng tôi luôn có ý thức tôn trọng nhà chùa, nếu ai đó có những luận cứ có sức thuyết phục rằng: phá cổng chùa, lấp ao, lấp lối đi đó và những việc làm kia là đúng đắn, là khoa học thì hãy thuyết trình trước cán bộ và nhân dân địa phương, cố nhiên phải có cả chúng tôi, và phải có giấy phép của Bộ VH-DL-TT vì Luật Di sản đã ghi rất rõ vùng 1, vùng 2 và các chủ thể tạo nên di tích cần được bảo vệ là gì rồi.

Chúng tôi không muốn ý kiến lên các cấp quản lý cao hơn, nhưng cũng không muốn mất đi các di sản của tổ tiên để lại, và cũng không muốn như tình trạng của chùa Trăm Gian (Hà Nội) mà báo chí gần đây đã nêu.

Quê tôi là “Làng văn hóa”, cảnh đẹp lắm, tôi vẫn thường tự hào với bạn bè về quê mình, thường dẫn các bạn về quê chơi, có cả những người bạn nước ngoài, những sinh viên Mỹ, len lỏi vào những ngóc ngách sâu nhất trong đình - miếu - chùa, giới thiệu những hiện vật, những con giống, những pho tượng… có niên đại cổ xưa nhất, ai cũng thích thú, khen ngợi, trầm trồ cảm nhận về những nét đẹp tâm linh, tín ngưỡng của người dân quê tôi.

Nhưng mọi người đều buồn về tình trạng mất vệ sinh và môi trường ô nhiễm. Từ đường làng, ngõ xóm, ao hồ… đâu đâu cũng phân chó, rác, giấy, túi ni long... khiến nước ao đen đặc. Những người làm vệ sinh quét dọn suốt ngày không xuể.

Tôi cũng đã soạn thảo và đưa về một dự án vệ sinh môi trường chắc cũng chưa thể hoàn chỉnh, khớp 100% với điều kiện của địa phương được, nhưng cũng không thấy sự phản hồi, và cũng chẳng thấy ai  thực hiện. Rồi tôi cũng không dám đưa bạn bè về quê nữa, và phải khéo léo khước từ những thiện chí tốt đẹp muốn quá giang nơi này.

Ma túy cũng đã thâm nhập đến quê tôi, có lẽ vì thế mà đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp, cả cướp xe máy nữa. Thanh niên rượu chè, cờ bạc nhiều quá, người chết trẻ nhiều quá. Tết vừa rồi, một cán bộ công an huyện cho tôi biết số người nghiện ma túy ở quê tôi đã trên dưới một chục, một số phải đi trại cải tạo, đi trại cai nghiện… Bài viết này cũng không thể ôm đồm để nói hết được những trăn trở muôn mặt trong cuộc sống của người dân quê tôi.

Quê tôi còn 22 liệt sĩ còn nằm đâu đó trong chiến trường xưa mà tôi vẫn lần mò đi tìm các anh. Hẳn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, đều muốn đất nước mình, quê hương mình tiến bộ và phát triển. Tôi cũng đã có nhiều bài viết ca ngợi, tôn vinh những những khía cạnh, những nét đẹp văn hóa của quê tôi. Còn ở đây là những nỗi niềm của người con xa quê muốn đóng góp sao cho quê mình giữ gìn được những giá trị nhân văn mà tổ tiên, ông cha đã tạo dựng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất