| Hotline: 0983.970.780

Nơi ô tô, xe máy nhiều hơn... trâu

Thứ Năm 04/12/2014 , 08:24 (GMT+7)

Thật bất ngờ khi đó là nơi ngút ngàn sông núi, mảnh đất nằm trên thượng nguồn dòng sông Hồng, rộng dài hơn 200 km đường biên giới vắt mình qua những đỉnh núi mờ sương, nơi khó khăn bậc nhất Việt Nam. Chính người dân đã bắt mảnh đất khó ấy "đẻ" ra tiền bạc./ Công ty nông nghiệp toàn hộ tỷ phú

Từ hai bàn tay trắng chỉ gắn bó với cây chuối và cây dứa, sau hơn hai chục năm cuộc sống của bà con nơi đây không chỉ no đủ mà còn sung túc bậc nhất vùng cao. 

Vùng đất hoang thành "vương quốc" dứa 

Đường vào thôn Na Lốc – Cốc Phương (Mường Khương) dọc theo chân những quả đồi dứa, chuối nối tiếp nhau chạy bạt ngàn có tới dăm bảy chục xe máy đủ loại rúc đầu vào các bụi rậm hoặc được bẻ những cành cây phủ lên che cho bớt nắng.

Nhiều xe còn để nguyên chìa khóa, mũ bảo hiểm treo toòng teng dưới ghi đông chẳng lo ngại mất cắp. Hỏi ra mới biết người thôn Na Lốc - Cốc Phương hằng ngày đi làm bằng xe máy, mùa bón phân hay phun thuốc thì họ đèo luôn cả bao phân và bình thuốc lên nương.

Mấy năm nay nhiều nhà sắm xe ô tô để chở phân bón, dứa giống, dứa quả, có nhà mua ô tô để mỗi chủ nhật chở vợ con đi chợ ăn thắng cố thay ngựa.


Người dân Na Lốc - Cốc Phương chăm sóc dứa

Trước ngôi nhà hai tầng của Vàng Seo Dìn để chiếc ô tô Daewoo lấm lem bùn đất cạnh bãi chuối, hỏi ra mới hay chiếc xe Dìn mua 340 triệu, trong khi đó ngôi nhà hai tầng Dìn xây chỉ hết 320 triệu.

Do mấy năm rồi nhà Dìn bán được nhiều tiền chuối, dứa quá nên mua ô tô để đi chơi. Chiếc xe chẳng khóa, chìa còn cắm trong ổ, từ hôm Chủ nhật đi chợ Mường Khương đến giờ Dìn vẫn để ngoài trời. Tôi hỏi Dìn: Để xe như vậy thì không sợ mất à? Dìn cười: Mình mua từ năm ngoái vẫn để như thế, ai vào đây mà lấy xe của mình?

Thôn Na Lốc - Cốc Phương nằm dọc dòng suối Na Lốc được làm biên giới tự nhiên giữa Việt Nam - Trung Quốc chảy từ cửa khẩu Mã Tuyển xuống. Cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 đã biến nơi đây thành vùng rừng hoang vắng.

Trong khi đó các xã vùng cao của Mường Khương như: Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu... nằm chót vót trên ngọn nguồn sông Chảy không chỉ thiếu đất sản xuất mà quanh năm phải đối mặt với tình trạng thiếu nước triền miên. Ruộng đã ít lại chỉ cấy được một vụ, nên người dân thiếu đói quanh năm.

Vì thế tình trạng di cư tự do liên tục diễn ra, cứ sau Tết hàng đoàn người lại bồng bế nhau di cư tứ tán khắp nơi.

Trước tình trạng di cư tự do ồ ạt của người dân vùng cao, trong khi đó vùng biên giới của Mương Khương lại thiếu vắng bóng người, đưa người dân tiến ra biên không chỉ giải quyết bài toán di cư tự do mà còn để giữ đất.

Những người đầu tiên khai mở vùng đất Na Lốc - Cốc Phương là mấy anh em người Mông họ Thào từ Dìn Chin xuống gồm Thào Minh, Thào Diu và Thào Dìn.


Xe chở dứa cho các thương lái

Ông Thào Minh kể: Sau Tết năm 1989 mình đang chuẩn bị đưa vợ con di cư tự do, chưa biết sang Lai Châu hay vào Tây Nguyên, bác Hoàng Chúng là Chủ tịch huyện Mường Khương hồi ấy bảo: Đất Na Lốc - Cốc Phương còn rất nhiều sao không tới đấy mà ở lại phải đi đâu xa cho khổ?

Ông Thào Minh chọn một nơi đất khá bằng phẳng gần nguồn nước dựng nhà ở. Mới đầu cũng chỉ phá rừng làm nương rẫy, nơi nào có nước thì làm ruộng. Sau vài vụ làm nương rẫy đất trở nên bạc màu, lúa ngô không mọc lên nổi, lại đói. Người ta mới kéo nhau sang bên kia biên giới trồng chuối, dứa thuê cho người Trung Quốc.

Ông Thào Minh nghĩ: Cũng là người Mông, sao họ lại giàu mà mình thì nghèo phải làm thuê cho họ? Thế là ông mua mấy vạn chồi dứa mang về đất bên mình trồng. Sau mấy vụ đi làm thuê, thấy bên họ làm thế nào thì ông cũng làm như vậy.

Vụ dứa đầu tiên ông bán được mấy chục triệu cho người Trung Quốc, so với làm nương trồng ngô, lúa thì gấp nhiều lần. Thế là ông lại mua tiếp mấy vạn chồi dứa trồng vào các đám nương lúa cũ.


Tập kết dứa ra đường bán cho khách hàng

Thấy trồng dứa thu nhập cao các em của ông Thào Minh cũng trồng dứa, rồi những người trong thôn làm theo, chỗ nào đất ven suối ẩm ướt thì trồng chuối. Đến Na Lốc - Cốc Phương bây giờ khó tìm thấy một mảnh lúa nương, tất cả đều phủ màu xanh chuối, dứa.


Xe con của gia đình Vàng Seo Dìn, thôn Na Lốc - Cốc Phương


Vợ con Vàng Seo Dìn đang tập sử dụng máy tính

Hỏi trưởng thôn Thào Diu: Ở Na Lốc - Cốc Phương có bao nhiêu ô tô, xe máy rồi? Ngẩn người trong giây lát, Thào Diu lắc đầu: Ô tô con để đi chợ như nhà thằng Vàng Dìn thì có gần chục cái, còn xe máy à? Không tính được đâu, nhà nào cũng có vài ba cái, nhiều lắm, nhiều hơn cả trâu đấy...

Dứa Na Lốc - Cốc Phương là giống dứa Queen, người ta không chỉ bán cho các nhà máy chế biến hoa quả Trung Quốc, các nhà máy chế biến hoa quả của Việt Nam cũng tới mua. Giá dứa có lúc lên tới 8.000 đ/kg, vụ dứa năm nay đang là 6.000-6.500 đ/kg, tính ra mỗi ha trồng dứa thu nhập từ 100-120 triệu đồng.

Còn giá chuối mô hiện đang bán với giá 3-7 tệ/kg, tính ra khoảng 10.000-25.000đ/kg tiền Việt Nam. Mỗi ha dứa trồng thâm canh cao cho thu nhập từ 400-440 triệu/ha, lãi ròng 200-250 triệu/ha.

Huyện Mường Khương hiện có hơn 1.000 ha dứa, khoảng 300 ha chuối, tập trung ở xã Bản Lầu, nhưng chủ yếu là các thôn Na Lốc - Cốc Phương. Năm 2014 dự tính thôn Na Lốc - Cốc Phương thu trên 80 tỷ đồng tiền bán chuối, dứa.

Những ông “vua chuối”, “vua dứa”

Huyện Bát Xát hiện có hơn 500 ha chuối, đứng đầu tỉnh Lào Cai về diện tích trồng chuối cấy mô xuất khẩu. Chuối trồng dọc các xã biên giới: A Mú Sung, Nậm Chạc, Trịnh Tường, Bản Qua, Cốc Mỳ... Người dân sống dọc bờ sông Hồng nhìn độ cao phía Trung Quốc họ trồng chuối tới đâu thì họ cũng trồng chuối tới đó.


Đồi chuối ở Lũng Pô

Nếu Thào Diu ở Na Lốc - Cốc Phương xếp lịch cho người dân trồng dứa để tới mùa các nhà thu hoạch không cùng một ngày, dứa chín rải đều trong một vụ nên không bị khách hàng ép giá thì huyện Bát Xát cũng có ông “vua chuối” Ma Seo Páo ở thôn Lũng Pô.

Vàng Seo Dìn, Thào Minh, Thào Dìn... được mệnh danh là “vua dứa”, “vua chuối” ở Na Lốc - Cốc Phương, còn Ma Seo Páo được mệnh danh là “vua chuối” ở Lũng Pô. Các ông “vua” này trồng hàng vạn gốc dứa, gốc chuối mỗi năm thu về từ 300-500 triệu đồng không còn quá khó khăn đối với họ.

Tìm hiểu vì sao dứa, chuối của họ lại bán được giá hơn các hộ khác là bởi họ trồng lệch vụ đối với cây dứa và tính toán để mầm chuối sao cho khi chuối thu hoạch vào thời gian giá bán được cao nhất. Những mầm chuối nào ra sớm, hoặc muộn họ đều chặt bỏ, để chuối thu hoạch trong khoảng đúng thời gian khách hàng đặt.


Bà Sùng Thị Dua, thôn Lũng Pô kiểm tra buồng chuối

Thôn Lũng Pô thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, được hình thành cách nay 8 năm. Đây là vùng biên giới, sau chiến tranh tháng 2/1979 trở thành vùng đất hoang vu không có người ở, từ năm 2005 tỉnh Lào Cai đưa các hộ ở các xã vùng cao của Mường Khương như: Dìn Chin, Tả Gia Khâu, Pha Long... xuống đây lập thôn mới.

“Vua chuối” Ma Seo Páo là người đầu tiên sang Trung Quốc mua mầm chuối, dứa về trồng, rồi vận động các anh em trong họ cùng góp đất được 55 ha để trồng chuối mô xuất khẩu. Hôm tôi đến, “vua chuối” không ở nhà, toàn thôn vắng teo, hỏi trưởng bản Lù Seo Lử, thì Lử cũng đi vắng.

Mẹ Lử là bà Sùng Thị Dua năm nay 54 tuổi bấm điện thoại cho Lử rồi đưa máy cho tôi nghe, Lử bảo: Mình đang đi Lai Châu mấy ngày nữa mới về...

Mẹ Lử dẫn chúng tôi lên đồi chuối nhà mình. Đồi chuối của anh em nhà Lử trồng khoảng 4 vạn gốc, kết với đồi chuối các hộ tạo thành vùng chuối mênh mông chạy suốt chiều dài biên giới. Bà Dua đưa hai ngón tay ra hiệu cho chúng tôi gia đình bà vừa thu được gần 200 triệu tiền chuối, còn sắn thì chưa bán, nhưng cũng được khoảng gần 100 triệu nữa...

Nhà Lử chưa xây nhưng lát gạch men, điều mà Lử ở Ngải Thầu dẫu nằm mơ cũng không có được. Tiến ra biên, đúng là người dân đang “biến ra tiên” đang thành hiện thực.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất