| Hotline: 0983.970.780

Nơi phụ nữ "bước qua lời nguyền"

Chủ Nhật 31/08/2014 , 15:15 (GMT+7)

Ngày xưa, người ta biết đến Lộ Diêu vì đây là bến đón chuyến tàu không số đầu tiên chở trên 30 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường khu V vào cuối năm 1964. Bây giờ người ta biết đến Lộ Diêu vì làng chài này có nhiều phụ nữ đi biển.

Trong lần trà dư tửu hậu, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn (Bình Định), tiết lộ: Ở quê tui có làng Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ) rất nổi tiếng.

Bước qua lời nguyền

Theo quan niệm của cư dân miền biển từ xa xưa, phụ nữ không bao giờ được bước chân lên thuyền đi biển bởi một sự kiêng kỵ truyền đời. Hỏi vì sao phải kiêng kỵ phụ nữ bước lên thuyền, nhiều lão ngư cười trừ, lắc đầu bảo: “Ông bà xưa dạy gì mình nghe vậy chứ đâu biết vì sao”.

Thế nhưng bây giờ, phụ nữ ở thôn Lộ Diêu đã “bước qua lời nguyền”, họ trực tiếp cùng chồng vượt sóng ra khơi hằng đêm để đánh bắt hải sản kiếm kế sinh nhai, tạo nên sự khác biệt đối với những làng chài khác.

Tôi đến Lộ Diêu vào một ngày giữa tháng 8. Mới sáng sớm mà biển đã tràn nắng, nước biển xanh ngắt, bãi biển Lộ Diêu đẹp như trong tranh. Xác định chuyến đến Lộ Diêu lần này không phải để ngắm cảnh đẹp, nên tôi lần dò tìm hiểu hoạt động đi biển của phụ nữ thôn này.

Mới 8 giờ sáng mà bãi biển Lộ Diêu đã tập trung rất đông những phụ nữ chuyên làm nghề chạy nẫu (mua bán tôm cá) ngồi chờ thuyền từ biển vào để thu mua sản phẩm. Hỏi thăm những người chạy nẫu, tôi biết thôn Lộ Diêu hiện có hơn 50 chiếc thuyền chuyên đánh bắt gần bờ. Mỗi thuyền chỉ đi được 2 người, thường thì cả vợ chồng cùng đi, do đó chỉ ở Lộ Diêu mới có phụ nữ đi biển.

“Thường thì họ ra biển vào lúc nhá nhem tối, tờ mờ sáng là thuyền về, tụi tui đón trong bờ để thu mua sản phẩm rồi chạy chợ tiêu thụ”, chị Năm Hải, một phụ nữ chuyên chạy nẫu tại bến Lộ Diêu, cho biết.

Đôi mắt tôi cũng chong ra biển, háo hức chờ những chiếc thuyền vào bờ chẳng kém những người chạy nẫu, với mong muốn được tận mắt nhìn thấy những người phụ nữ gắn đời với biển. Thấy có bóng một chiếc thuyền vào bờ, chị Năm Hải mau miệng: “Thuyền của bà Muôn là cái chắc. Ở Lộ Diêu này nói chuyện đi biển, bà Muôn là số một”.

Thuyền vừa cập bờ, tôi thấy một phụ nữ nhảy thoắt từ trên thuyền xuống rất nhanh nhẹn và gọn gàng, cầm lấy chiếc dây đầu mũi kéo thuyền vào bờ. Đúng là bà Muôn thật, một “huyền thoại” về chuyện phụ nữ đi biển ở Lộ Diêu.

Cả đêm ngoài sóng gió biển khơi nhưng bà Muôn không hề biểu lộ sự mệt mỏi. Càng ngạc nhiên hơn khi biết bà Muôn đã 53 tuổi.

Tôi buột miệng hỏi: “Cả đêm thức trắng mà chị không thấy mệt à?”. “Mệt gì đâu, quen rồi. Tui đi biển đã 10 năm. Con cái lớn hết, chúng đi bạn cho những tàu đánh bắt khơi xa, vợ chồng tui ở nhà đi gần bờ kiếm tiền tiêu vặt, ở không làm gì đâu”, bà Muôn trả lời. Nói xong, bà Muôn phụ chồng khiêng chiếc thuyền lên khỏi mặt biển.

11-45-33_phu-nu-di-bien-3
Dù cơ cực nụ cười vẫn tươi trên môi bà Muôn

Những phụ nữ chạy nẫu vây quanh bà Muôn, trả mua mớ hải sản mà vợ chồng bà đánh bắt được đêm qua. Dân biển rất thoáng, chuyện mua bán không kỳ kèo, loáng chốc bà Muôn đã bán xong mớ cá, ghẹ… kiếm được hơn 300 ngàn.

Ngồi quạt phe phẩy chiếc nón lá, bà Muôn kể: “Tui sinh ra, lớn lên ở bùng quê biển, nhưng có bao giờ được ông cha cho bước lên chiếc ghe đâu, kỵ sao đó không biết. Bây giờ thì kỵ gì nữa, lo làm kiếm ăn.

Mấy chuyến đầu, ông chồng chở tui ra biển, ói mửa suốt đêm. Ra đến chỗ đánh bắt tui nằm như dán người xuống sàn tàu, mọi chuyện ông chồng làm hết. Tui không ngán, đêm sau đi nữa, đi nữa. Đi riết rồi quen”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết ở thôn Lộ Diêu có hơn 50 chiếc ghe chuyên đánh bắt thủy sản gần bờ thì quá nửa trong số đó có các bà vợ đi theo, giống như bà Muôn.

Sá gì nắng gió biển khơi

Sau mỗi chuyến biển, thuyền lên bờ, người chồng có quyền phủi tay, tìm bạn nghề làm vài ly lai rai, xong về nhà ngủ nghỉ. Còn người vợ sau khi bán sản phẩm lập tức lo kiểm tra lưới, nếu lưới rách phải ngồi cặm cụi vá. Sau đó phải đi chợ lo cho những bữa cơm.

“Đặc thù của nghề đi lộng (đánh bắt gần bờ) là không thể một người một thuyền làm được, phải có hai người. Nguồn lợi thủy sản ven bờ đã cạn kiệt, mỗi đêm đánh bắt được chẳng bao nhiêu nên chủ thuyền không dám thuê công, thường là vợ theo chồng cùng làm. Do đó, ở Lộ Diêu mới có chuyện phụ nữ đi biển”, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn.

Lão ngư Sáu Phải (73 tuổi) tâm sự: “Đời bây giờ thay đổi rồi nên phụ nữ mới được đi biển, chứ thời xa xưa, phụ nữ chỉ bước lên thuyền thôi đã không được phép”.

Những phụ nữ ở Lộ Diêu này, nắng gió đã trở nên quá thân thuộc với họ. Nhìn chị Lê Thị Lệ, mới chỉ 29 tuổi mà trông như đã cận kề 40 với gương mặt đen sạm vì nắng, gió sau những chuyến ra khơi cùng cha.

Chị Lệ bộc bạch: “Chồng tui đi bạn cho tàu câu cá ngừ đại dương, mỗi chuyến đi cả tháng mới về. Mà đâu phải chuyến nào cũng được, có chuyến về không có thu nhập vì câu không ra cá. Tui ở nhà phải theo phụ cha kiếm tiền nuôi con. Ra biển, cha kéo lưới ở đầu ghe, tui ở cuối ghe vớt chì, công việc nặng nhọc lắm”.

Như để minh chứng, chị Lệ rụt rè đưa 2 bàn tai chai sạn ra “khoe”: Anh thấy chưa, nổi cục nổi hòn hết trơn.

Nghe chị Lệ kể chuyện, bà Phan Thị Thủy, 57 tuổi, bỗng cười sảng khoái rồi tiếp chuyện với giọng “ăn đằng sóng, nói đằng gió” đúng chất dân biển giả: “Chuyện vất vả của phụ nữ Lộ Diêu khỏi phải kể, nhiều lắm. Tui đi biển đã hơn 10 năm nay, có những chuyến tui và ông xã chạy một lèo đến gần 2 giờ đồng hồ mới ra đến Hòn, một hòn đảo nằm cách Lộ Diêu chừng 60 hải lý để đánh bắt, có chuyến phải ở lại ngoài Hòn vài ngày sau mới vào bờ”.

11-45-33_phu-nu-di-bien-4
Sau chuyến biển phụ nữ Lộ Diêu cùng chồng kéo thuyền vào bờ

Ngưng một lát, bà Thủy nói vui: “Trước đây tui có biết đi biển là gì đâu, sau khi lấy chồng rồi tui mới ra biển. May mà có được tấm chồng rồi mới chiềng mặt ra nắng gió chứ nếu trước đây mà đã như vầy, mặt mày đen sạm thì ai thèm ưng”.

Về làng biển Lộ Diêu, tôi được thấy, được nghe nhiều chuyện thật cảm động của những người phụ nữ gắn đời với biển. Nhưng có lẽ không chuyện nào ở lại lâu trong tôi bằng câu chuyện của những người con đất Lộ Diêu đang theo học tại các trường đại học.

Bà Trương Thị Niên, người từng bám biển kiếm tiền nuôi con trai học Khoa Ngữ văn - Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, không giấu được vẻ tự hào: “Con tui đã ra trường được năm nay rồi, giờ cũng đang xin làm báo như chú tại Sài Gòn. Kể như công sức tui đổ ra trên biển kiếm tiền nuôi nó ăn học không uổng”.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm