| Hotline: 0983.970.780

Nỗi thất vọng của người dân cả năm trông ngóng, nhưng con lũ không về

Thứ Ba 04/10/2016 , 13:15 (GMT+7)

Hàng năm, ĐBSCL có 3, 4 tháng mùa nước nổi. Con lũ trong mùa nước nổi chở nặng phù sa, mang theo nhiều tôm, cá. Thế nhưng, 2 năm nay không có lũ, đời sống người dân bị đảo lộn.

Những người sống nhờ con lũ đành thất nghiệp... do tôm, cá không về. Nông dân sản xuất gặp khó khăn, chi phí tăng. Người dân trông ngóng lũ, hy vọng lũ sẽ về nhưng rồi lại thất vọng.

Đầu tháng 10, con lũ trong mùa nước nổi ở ĐBSCL được dự báo đạt đỉnh. Thế nhưng, đồng ruộng vẫn cạn khô. Ngay cả vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) vốn được coi là rốn lũ, mà mặt ruộng lúc này cứ như sân, khô quạch. Quy luật ngàn đời nay đã khác. Không còn con nước vơi đầy, những lão nông tri điền cứ cảm giác như thiếu thiếu, mất mát một cái gì đó rất thân thiết.

 

Vui, buồn cùng con nước

Huyện Hòn Đất (Kiên Giang), địa phương có diện tích đất lớn nhất trong vùng TGLX và cũng thường bị thiệt hại nặng nề nhất khi có lũ lớn. Để thích nghi, huyện đã đầu tư xây dựng hàng chục cụm, tuyến dân cư, giúp người dân “sống chung với lũ” an toàn.

Tuyến dân cư 165 từ thị trấn Hòn Đất chạy dài giáp phía Thoại Sơn (An Giang), dài gần 17 km, vốn được xem là hình mẫu thích ứng với lũ. Toàn tuyến được bao bọc bởi hai con đê chạy song song nhau, kết hợp làm lộ giao thông nông thôn. Từng ô trong tuyến được bố trí các trạm bơm điện công suất lớn để tiêu thoát nước.

Mỗi hộ dân số trong đê sẽ được cấp diện tích đất (khoảng 1.400 m2) đủ để làm nhà, với vườn rau, ao cá... Lũ không về, tuyến dân cư trở nên “lạc điệu”. Bởi sự chênh nhau quá lớn giữa mặt đê và mực nước sông. Đi giữa đồng bằng mà có cảm giác như đường đèo, cạnh bên là vực.

Dẫn chúng tôi đi quanh đê, anh Danh Thành Luân, ở xã Nam Thái Sơn (huyện Hòn Đất), liên tục chỉ tay về dấu vết của các con lũ còn in lại trên gốc cây, cột đá. Và cứ mỗi năm dấu vết lại thấy thấp dần.

18-01-13_3-nh-lun-chi-du-vet-muc-nuoc-lu-con-in-li-v-moi-nmcu-thp-dn
Anh Danh Thành Luân, chỉ dấu vết của các con lũ còn in lại trên gốc cây, cột đá và cứ mỗi năm lại thấy thấp dần

 

Anh Luân tâm sự: “Hàng bao đời nay, con lũ trong mùa nước nổi đã trở thành một phần tất yếu của người dân nơi đây. Họ vui, buồn cùng con lũ vơi đầy. Năm nào lũ đẹp thì mừng. Còn lũ quá cao hay quá thấp đều mang lại nỗi buồn”.

Anh Luân giải thích, lũ đẹp là nước nổi vừa phải, đủ tràn đồng (cao khoảng 1 m) để mang về tôm, cua, cá và cuốn đi những tàn dư của mùa vụ trước. Lũ đẹp không gây phá hủy hạ tầng. Còn lũ lớn hay nhỏ nông dân đều thiệt hại.

Gắn bó cả đời người với vùng đất Nam Thái Sơn, ông Phạm Văn Thân, 73 tuổi, đã nếm đủ vui buồn cùng con lũ qua các năm. Bố mẹ ông từ tỉnh Thái Bình, đi làm công nhân đồn điền cao su cho thực dân Pháp ở Tây Nguyên (năm 1940-1941) rồi trôi dạt về đây lập nghiệp. Ông sinh ra và lớn lên trong vùng rốn lũ này. Mỗi hạt lúa, củ khoai ở đây đều mang đậm hương vị phù sa từ con nước lũ đổ về, nuôi lớn biết bao thế hệ.

Hôm tôi gặp, ông Thân đang cùng người con trai đi thả lưới trên ruộng. Ông tâm sự: “Gia đình tôi sống trong tuyến dân cư, qua bên ruộng thả lưới cho đỡ buồn chứ chẳng mong gì bắt được cá tôm gì nhiều khi không có lũ”. Vì nước trên ruộng chưa ngập hết gốc rạ. Mà do nước mưa mấy ngày qua đọng lại chứ không phải lũ đổ về. Nước trong leo lẻo chứ không đỏ nặng phù sa nên họa chăng mới có con cá rô mới lớn dính lưới.

18-01-13_4-ong-thn-di-th-luoi-nhung-khong-mong-co-tom-c-khi-lukhong-ve-1
18-01-13_4-ong-thn-di-th-luoi-nhung-khong-mong-co-tom-c-khi-lukhong-ve-2
Ông Thân cùng người con trai đi thả lưới trên ruộng cho đỡ buồn chứ chẳng mong gì bắt được cá, tôm khi không có lũ

 

Theo ông Thân, trước đây nhà nào ở đây cũng sắm sẵn chiếc xuồng vừa làm phương tiện đi lại trong mùa lũ, vừa để giăng câu thả lưới. Suốt ba, bốn tháng mùa nước nổi, chẳng nhà nông nào phải tốn tiền mua thức ăn.

Thậm chí cá còn dư ra ủ vài khặp mắn ăn dần hoặc bán kiếm thêm thu nhập. Gọi là làm kinh tế phụ nhưng cũng có người kiếm được cả chục triệu đồng trong mấy tháng mùa nước nổi. Hai năm nay lũ không về, kiếm cá ăn cũng khó. Xuồng để phơi nắng, phơi mưa rết thành củi mục.

 

Xoay xở với “mùa lũ cạn”

Những lão nông ai cũng hiểu lợi ích mà con lũ mùa nước nổi mang lại. Phù sa cho đất và sản vật thiên nhiên cho người. Hơn thế nữa, mùa nước nổi còn là đặc trưng, tạo thành nét văn hóa ăn sâu vào đời sống người dân Tây Nam Bộ. Vì vậy, mất lũ là mất nhiều thứ chứ không đơn thuần về mặt kinh tế. Trải qua những mùa lũ cạn, người dân phải loay hoay tìm cách thích nghi.

Trước đây, vào mùa lũ phần lớn người dân đi lại bằng xuồng, vỏ máy chạy băng băng trên ruộng. “Khi còn nhỏ, lũ trẻ tụi tui rất thích tắm ruộng, chơi đùa vào mùa lũ. Lớn lên, đi qua nhà bạn gái chơi vào mùa lũ cũng bằng xuồng.

Thậm chí đám cưới đón dâu cũng chạy vỏ băng qua đồng. Đắp đất tôn cao nền nhà cũng chờ đến mùa lũ để chở từ ruộng về. Nhưng giờ thì chịu. Nông dân chúng tôi như “mắc cạn” giữa mùa lũ vậy”, anh Nguyễn Thanh Hiền, một cư dân vùng rốn lũ TGLX tâm sự.

Mất lũ, người dân phải thay đổi cách sinh hoạt, tập quán sản xuất. Ruộng lúa thu hoạch xong phải đốt đồng, cày ải chứ không thể ngồi chờ nước ngập rơm rạ tự phân hủy.

18-01-13_2-mo-to-tieu-thot-nuoc-tuyen-dn-cu-165-chng-my-khidung-toi-khi-lu-khong-ve-2
Những chiếc mô tơ công suất lớn để tiêu thoát nước cho tuyến dân cư 165 chẳng mấy khi còn dùng đến khi lũ không về

 

Lão nông Trần Văn Bảo, ở xã Nam Thái Sơn, đứng nhìn máy cày ruộng mà vẻ mặt buồn so, giọng trầm ngâm: “Ruộng khô thế này phải cày, trục 2, 3 lần mới sạ lúa được, tốn kém gấp mấy lần so với có lũ. Rồi chi phí vật tư tăng. Đã vậy, năng suất lúa lại giảm mạnh. Thử hỏi mất lũ làm sao nông dân không buồn?”.

Ông Đoàn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn cho biết, những năm lũ cao ở đây ruộng có thể ngập sâu tới hơn 2 m. Còn năm nào lũ đẹp cũng tầm khoảng 1 m nước. Vì vậy, việc bố trí dân vào ở các cụm, tuyến dân cư để sống chung với lũ là thích hợp. Chỉ tính riêng tuyến 165 đã có hơn 4.000 nhân khẩu sinh sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh lũ cạn như 2 năm nay thì người dân lại không mặn mà nữa.

4 tác động khi mất lũ

Ông Cao Minh Trung (ảnh), Phó Trưởng phòng NN-PTNT Hòn Đất cho rằng, đã đến lúc cả chính quyền và người dân phải tính đến chuyện sống với điều kiện không có lũ.

18-01-13_1-ong-co-minh-trung-pho-truong-phogn-nn-hon-dt

Trước mắt là phải quy hoạch, chuyển đổi lại mô hình sản xuất, lựa chọn cây con thích nghi tốt với tình hình khô, hạn, xâm nhập mặn sẽ gia tăng.

Mất lũ ít nhất sẽ có 4 tác động đến đời sống người dân ĐBSCL.

Thứ nhất là những người sống bằng nghề khai thác thủy sản sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, mất trắng nguồn lợi thiên nhiên ban tặng.

Thứ 2 là những người trồng lúa sẽ phải thay đổi tập quán canh tác, gieo sạ sớm hơn, chọn giống ngắn ngày, làm tập thể, liên kết tạo cánh đồng lớn... để tiết kiện nước.

Thứ 3 là điều kiện thau chua rửa phèn sẽ khó khăn hơn, đất đai mau bị bạc màu do không còn phù sa bồi đắp. Cuối cùng là xâm nhập mặn sẽ gia tăng, lấn sâu vào các vùng ngọt hóa. Đó là những thách thức buộc chúng ta phải thay đổi để thích nghi với “mùa lũ cạn” được dự báo là sẽ còn tiếp diễn.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phú Yên tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước để cảnh báo người dân tổ chức sản xuất, không để thiếu nước sinh hoạt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm