| Hotline: 0983.970.780

Nơi uống rượu như uống nước, hút thuốc như ăn cơm

Thứ Ba 02/12/2014 , 13:52 (GMT+7)

Người Xê Đăng ở đỉnh núi Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) uống rượu bằng bát. Rượu đối với họ là nước... giải khát. Cách thức hút thuốc của họ cũng quá kỳ lạ. Họ hút thuốc như ăn trầu, ăn cơm.

UỐNG RƯỢU BẰNG BÁT CHO ĐÃ

Vượt núi đến các thôn của người Xê Đăng sống lưng chừng đỉnh  Ngọc Linh, chúng tôi chứng kiến những câu chuyện khá lạ. Từ trung tâm xã lên thôn 2 mất gần 3 giờ đồng hồ cuốc bộ, mồ hôi nhễ nhại, chân đã chùng, chúng tôi ghé vào quán tạp hóa của vợ chồng anh Chiến, chị Lương ngay đầu thôn.

Vợ chồng anh Chiến quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam nhưng lên Trà Linh lập nghiệp gần 10 năm nay. Hiện 2 đứa con của anh chị gửi cho ông bà ở dưới quê chăm sóc. Anh Chiến thường xuyên về xuôi lấy hàng hóa và thu mua lợn, gà lên bán. Còn chị Lương ở nhà bán hàng, chăn nuôi lợn.

Con cái ở xa, vài tháng mới gặp được một lần. Có những lúc anh chị muốn bỏ vùng đất Ngọc Linh để về xuôi có điều kiện chăm sóc các con. Thế nhưng chưa về được, bởi người dân mua chịu rất nhiều, nếu về xuôi coi như mất sạch.

Hỏi về số tiền người dân ghi nợ, chị Lương chẳng giấu giếm. Hiện bà con đang nợ 25 triệu đồng, số tiền này chủ yếu là nợ tiền bia, rượu.

Muốn lấy được tiền của bà con thì phải chờ bán sâm (sâm Ngọc Linh), tuy nhiên sâm khác với nhiều cây trồng khác, trồng rất nhiều năm mới thu hoạch được. Do vậy, bà con chưa có trả nợ mà đòi thì cũng không biết lấy đâu ra.

Tôi vừa ngồi xuống 5 phút thì có 3 thanh niên ghé vào quán bảo: Cho rượu đi! Chủ quán đưa một ca khoảng 1 lít ra, rượu vừa đặt xuống thì họ rót ra cốc. Chẳng mời nhau, mỗi người tu một hơi đã cạn.

Tôi bắt chuyện thì được biết, họ vừa đi phát nương về đang khát nước. Sao không rót vào chén uống cho dễ? Tôi hỏi. Cả ba đều cười. Một người bảo: “Mình uống bằng cốc cho vừa miếng, uống bằng chén lâu lắm, lúc nào mới hết rượu”.


Uống rượu bằng bát

Nhìn đồng hồ mới chừng 30 phút nhưng 3 ca rượu chị Lương đưa ra thì 3 người uống đã xong. Đứng dậy về, một người nói với chủ quán: Ghi nợ nhé! Vừa lúc họ đi thì có mấy người ghé vào quán và gọi rượu ra uống.

Trời sắp tối, chúng tôi xin tá tục tại quán anh Chiến. Bữa cơm tối xong thì sang nhà phó thôn Hồ Văn Bằng làm thủ tục tạm trú, tạm vắng. Trong nhà phó thôn tập trung đông người đang nói chuyện rôm rả, rượu được bày ra nhiều lắm.

Thấy chúng tôi, anh Bằng nói: “Nhà báo ạ! Nhập cuộc với bọn mình luôn”. Đảo mắt nhìn xung quanh có đến hơn 15 người, đầy đủ mọi thành phần. Trai có, gái có. Chúng tôi là khách nên được dọn ra một bàn riêng để ngồi, gồm có phó thôn, già làng.

Trình bày giấy tờ với phó thôn xong, anh Bằng khoe: “Mấy khi có nhà báo lên đây chơi, cứ uống xem rượu trên này có ngon hơn dưới xuôi không”.

Vừa lên giường thì có tiếng đập cửa: bán rượu, bán rượu… Giọng đàn ông nói tiếng được, tiếng mất nhưng anh Chiến cũng phải dậy để phục vụ. "Mình không bán thì bà con bảo chê họ, không kể giờ giấc, bà con thích mua cái gì là đến đập cửa. Ở đây lâu cũng thành quen nên việc bị tỉnh giấc ngủ là chuyện thường xuyên”, anh Chiến tâm sự.

Nói xong, anh Bằng rót vào bát và mời chúng tôi cạn bát. Nhìn thấy bát rượu trong veo, bảo uống hết tôi rất sợ. Thấy tôi ngần ngại, thầy Hiệu (người đi cùng tôi dạy ở Trường tiểu học Trà Linh) ghé vào tai nói nhỏ: “Phải uống thôi, đừng từ chối, hay đổ đi. Ở đây bà con đã mời là phải hết, không thì phật lòng, khó nói chuyện lắm!”.

Tưởng rằng, một bát thế là xong, ai ngờ rượu tiếp tục được rót ra. Các chị em cũng sang mời tôi uống. Từng bát, từng bát các chị uống một hơi hết sạch.

Về đêm một số người bắt đầu nằm ngay ở sàn nhà, tuy nhiên ai ngủ thì ngủ, ai uống vẫn cứ tiếp tục. Rượu hết thì tiếp tế thêm, do đó cuộc rượu vẫn không dừng lại.

Khi thấy không trụ được nữa, chúng tôi rút lui về nhà anh Chiến ngủ.

THƯỞNG THỨC CÁ C’RÂU

Ở Trà Linh, cây thuốc lá trồng rất nhiều. Xen lẫn với lúa rẫy, sắn… là những đám cây thuốc lá xanh ngút ngàn. Người Xê Đăng từ già trẻ, gái trai ai cũng hút thuốc, nhưng cách thức hút thuốc của họ thì quá kỳ lạ. Họ hút thuốc như ăn trầu, ăn cơm.

Cách hút thuốc này, người Xê Đăng gọi là Cá C’râu. Cá C’râu được chế biến từ lá của cây thuốc. Sau khi phơi khô, khác với người dưới xuôi thái nhỏ để hút thì người Xê Đăng phơi khô treo lên giàn bếp, khi nào dùng thì giã thành bột.


Cây thuốc lá được chế biến thành Cá C’râu

Sau đó cho vào một cái hộp và cứ mỗi lần thèm thuốc, họ lại đổ ra bàn tay với liều lượng vừa phải và cho vào miệng nhai, nuốt. Nếu còn sót lại thì dùng lưỡi liếm sạch Cá C’râu.

Ghé vào nhà cụ Hồ Thị Địa, nóc Ka Pin, thôn 2, xã Trà Linh khi cụ đang giã gạo. Thấy chúng tôi, mời vào nhà uống nước, cụ rất hào phóng, lấy trong túi áo ra một cái hộp và mời chúng tôi hút thuốc. Tuy nhiên, trước khi lên đây, tôi đã mua thuốc lá để mời mọi người.  Tôi đưa một gói thuốc ra mời cụ Địa nhưng cụ lắc đầu từ chối.

Cụ đổ thuốc ra bàn tay và nói: “Người Xê Đăng không hút thuốc đó, hút như rứa hại sức khỏe, khói vào trong bụng khó thở lắm. Người Xê Đăng nhai Cá C’râu bảo vệ được răng, miệng tốt lắm”.

Nói xong, cụ Địa đổ ra lòng bàn tay một thứ bột có màu vàng nhạt. Cụ bắt đầu thao tác rồi cho vào miệng nuốt một cách ngon lành.


Lá thuốc được giã nhỏ thành bột

Hỏi về tuổi, cụ Địa không biết. Hỏi về Cá C’râu cụ nhớ rất rõ. Từ khi còn bé, cụ biết chế biến và ăn Cá C’râu. Người Xê Đăng truyền từ đời này qua đời khác về Cá C’râu. Những lần gặp nhau họ đưa Cá C’râu ra mời giống như người miền xuôi mời thuốc lá, mời trầu; trong đám cưới, đám tang không thể thiếu Cá C’râu.

Hiện 9 người con và gần 30 người cháu của cụ Địa đều ăn Cá C’râu chứ không hút thuốc lá, thuốc lào như người miền xuôi.

Để có Cá C’râu, ai cũng trồng trên nương, xung quanh vườn nhà. Sau khi thu hoạch họ treo trên giàn bếp và dùng dần. Còn nhà nào hết lá thuốc thì ra quán mua. Bởi biết được món Cá C’râu nên các chủ quán ở đây về dưới xuôi đặt hàng và đưa lên bán với giá 25.000 đồng/bó (khoảng 50 lá gói lại).


Bà Hồ Thị Dế mua lá thuốc về chế biến Cá C’râu

Trên đường đi, chúng tôi gặp mẹ con bà Hồ Thị Dế ở nóc Ka Pin đang ngồi nghỉ bên đường. Tôi dừng lại hỏi chuyện thì bà đưa Cá C’râu mời. Quá tò mò, tôi đưa tay ra và bà Dế đổ vào một ít bột.

Cảm nhận đầu tiên là vị đắng, mùi hôi khó chịu. Để khỏi mất lòng, tôi đành nuốt vào. Thuốc đến đâu thì bụng cồn cào đến đó rất khó chịu. Ấy thế mà, từ trẻ con đến người già ở Trà Linh ăn thuốc như ăn cơm, quả là một điều khác lạ.

Đi cùng bà Dế có 2 người con trai, tôi đưa gói thuốc lá ra mời, nhưng Hồ Văn Giang (20 tuổi) từ chối. Giang bảo: “Mình hút thuốc này không quen, hít khói vào sẽ bị ho. Ở đây, chỉ quen ăn Cá C’râu, mỗi ngày mình ăn hết khoảng 3 lá thì không còn thèm thuốc nữa”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.