| Hotline: 0983.970.780

Nơi vươn mầm sáng tạo

Thứ Hai 28/10/2013 , 11:05 (GMT+7)

Chính tại cái nôi lúa gạo Vĩnh Long đã sản sinh ra những sáng tạo vô biên của nhà nông.

Nằm giữa hai nhánh sông chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, Vĩnh Long có nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng, đó là nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, phì nhiêu vào bậc nhất so với các tỉnh trong vùng. 

Theo định hướng của Chính phủ, Vĩnh Long từ nhiều năm nay đã chú trọng vào cây lúa và đóng góp đáng kể vào lượng gạo XK của cả nước. Và chính tại cái nôi lúa gạo này đã sản sinh ra những sáng tạo vô biên của nhà nông.

Từ một kỹ thuật viên cơ khí…

Đến ấp An Phú A, xã Long An, huyện Long Hồ hỏi nhà ông Phạm Văn Long (Ba Long) ai cũng biết. Bước chân vào nhà thấy đầy các bằng khen, chứng chỉ có tên cả hai vợ chồng ông được đóng khung treo trang trọng ở bức tường trước mặt, lướt mắt qua thấy những dòng chữ đậm “Nhà vườn SX giỏi tiêu biểu”, “Cơ sở SX giống đạt tiêu chuẩn chất lượng”, “Nông dân SX lúa sáng tạo toàn quốc”...

Ông Ba kể, mình gốc gác là một anh kỹ thuật viên cơ khí. Tốt nghiệp trường trung học kỹ thuật Vĩnh Long từ năm 1980 với công việc đầu tay là đi các tỉnh lắp đặt máy xay lúa, rồi đến mày mò tự lắp ráp máy chà lúa, tiếp đó là học cách lắp đặt lò sấy lúa, những tưởng ông sẽ luôn gắn bó với máy móc cơ khí của nhà nông khi công việc “đúng ngành, đúng nghề” diễn ra suôn sẻ.

Nhưng, vào đầu những năm 1990, khóa học về BVTV do Chi cục BVTV tỉnh tổ chức đã mang đến cho ông ý định “mua ruộng về để sau này không làm máy vẫn có nghề để sống” nên từ vỏn vẹn 3 công ruộng lúc ban đầu ông đã mua thêm mười mấy công nữa, cho đến nay tổng diện tích đã là 2 ha, một con số tương đối khá so với cảnh dân đông, ruộng ít ở xung quanh.


Cha đẻ của các giống lúa LH tự hào bên thành quả của mình

Dưới ánh nắng dịu của một buổi trưa tháng 10, chỉ vài bước chân ra sau gian nhà sáng sủa, gọn gàng của vợ chồng ông Ba là thấy nguyên một đám ruộng 2 ha vuông vức với những bông lúa nặng trĩu hạt, trông không khác gì một thảm vàng lượn sóng mỗi khi có cơn gió thổi qua.

Nhìn kỹ thì mới thấy thảm lúa này không đều chằn chặn mà được chia thành nhiều ô vuông, mỗi ô có một màu hơi khác nhau, lúa ở các ô khác nhau cũng cây cao, thấp, lá xanh đậm, nhạt, hạt tròn, dài… khác nhau.

Trên mỗi ô vuông đó lại vươn lên một cái biển với chữ viết tắt LH8, LH9… xen giữa những tấm biển khác như “Ruộng SX giống”, “Điểm trình diễn Amistar Top”… Dường như chúng tôi đã lạc vào một trung tâm nghiên cứu lúa giống chứ không phải là thửa ruộng đơn thuần của một người nông dân.

Đến đột phá sáng tạo giống lúa mới

Dừng chân giữa sóng lúa mênh mông, ông Ba kể, đầu những năm 1990, dự án CBDC đưa ra chương trình đào tạo nông dân lai tạo lúa giống, nhân lúa giống trên khắp các vùng ĐBSCL. Ngày đó, có hàng ngàn học viên đăng ký tham gia, nhưng cho đến nay, cả ĐBSCL chỉ còn 13 người theo đuổi nghề này, trong đó có 2 người là ông Ba và bà Mai Bích Chương, vợ ông.

Lý giải cho điều này, ông Ba bảo, nghề lai tạo giống lúa rất vất vả, gian nan và mệt đầu vì phải nắm vững kỹ thuật, theo dõi sát sao từng giai đoạn và làm khảo nghiệm trên đồng ruộng nhiều lần, tới 2 - 3 năm mới có được 1 giống mới thuần chủng.

Mất rất nhiều công sức, đòi hỏi sự kiên nhẫn cao mà lại không thu được lời nhiều từ phần ruộng làm giống, đó chính là lý do nhiều nông dân sau một thời gian theo đuổi đã bỏ cuộc giữa chừng, quay về SX lúa giống hay lúa thương phẩm để đảm bảo thu nhập.

Ông thành thật tâm sự, chỉ có những người thực sự say mê sáng tạo mới có thể theo đuổi nghề này. Cho đến nay, vợ chồng ông đã lai tạo thành công 10 dòng thuần cho năng suất cao, gạo dẻo với tên đăng ký từ LH1 đến LH10 - viết tắt của Long Hồ như một niềm tự hào về vùng đất đã sản sinh ra các giống lúa này.

Các giống trên đang được khảo nghiệm tại địa phương để khẳng định về phẩm chất và năng suất. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long, Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh và Trường ĐH Cần Thơ, riêng giống LH8 đã được gửi đi khảo nghiệm cấp quốc gia, trong khi đó Ba Long vẫn đang tiếp tục lai tạo 6 dòng nữa với hy vọng sẽ sớm có kết quả tốt đẹp.

Mỗi giống lúa được “ra lò”, niềm vui rạng rỡ lại được nhân lên, đơn giản chỉ vì nó chứa đựng điều tâm đắc nhất của ông Ba Long: Có giống lúa năng suất tốt, chất lượng cao trao cho bà con nông dân, giúp họ gặt hái được nhiều hơn trên ruộng của mình.

Kết hợp tiến bộ kỹ thuật

“Bà xã tôi cũng biết lái máy cày”, đó là lời chia sẻ với nụ cười chất phác xen lẫn chút tự hào qua ánh mắt ông Ba. Không sai, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện, Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đặc biệt là Chi cục BVTV đã đầu tư cho nhân giống, cho mượn vốn mua máy móc, thiết bị, ông bà đã trang bị nguyên một lò sấy 4 tấn/mẻ cùng 2 máy gặt đập liên hợp và 2 máy làm đất mà cả hai người đều sử dụng thành thạo.

Với một người nông dân trí thức như ông Ba thì việc sáng tạo trên đồng ruộng, vận dụng cơ giới hóa vào SX không thể nào thiếu sự kết hợp của các loại thuốc BVTV vốn được coi là cứu tinh của nhà nông bấy lâu nay.

Syngenta là hãng thuốc nổi tiếng ông đã biết đến từ hơn chục năm qua. Ông kể, sản phẩm đầu tiên áp dụng là Sofit trừ cỏ, lúa cỏ cho kết quả rất tốt nên những sản phẩm sau đó như Cruiser Plus, Amistar Top, Virtako, Chess... không có loại nào là ông không xịt thử.

Trong việc SX lúa giống thì đúng thuốc, đúng kỹ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vậy nên ông đã không bỏ sót bất cứ buổi tập huấn kỹ thuật nào, đặc biệt là tâm huyết với giải pháp tích hợp theo 4 giai đoạn sinh trưởng của lúa của Cty Syngenta Việt Nam chăm cho lúa khỏe mạ, sung chồi, đều đòng, đầy hạt.

Nhờ chọn giống tốt, am hiểu cách thức chăm sóc kỹ càng nên năng suất bình quân luôn ở mức 8 - 9 tấn. Kỷ lục là vụ ĐX 2009, năng suất nhảy vọt lên đến 10 tấn/ha trong khi bà con xung quanh chỉ đạt chừng 7 ha. Vụ ĐX 2013, năng suất cũng chót vót ở con số 9 tấn/ha nên lúa giống ào ào “xuất xưởng” ra cả trong và ngoài tỉnh.

Trong khi trò chuyện thì bà Chương đã hì hụi nấu xong bữa trưa, mùi thơm của cơm tỏa ngào ngạt khắp nhà. Mời chúng tôi nếm thử những hạt cơm trắng, dẻo nấu từ một trong những giống LH, ông Ba chia sẻ: “Nhờ kết hợp với các loại thuốc tốt và giải pháp ưu việt mà những giống lúa chúng tôi lai tạo đã cho năng suất tốt, chất lượng cao. Vui lắm khi giúp bà con phần nào cải thiện được đời sống”.

Chia tay chúng tôi, ông Ba cứ nhấn mạnh rằng câu chuyện của mình bình thường thôi, chẳng có gì đáng nói, khiến cho chúng tôi càng thấy cảm phục làm sao sự chân chất và khiêm nhường của một người nông dân coi sáng tạo là một niềm đam mê với ước mong giản dị “làm vì bà con, vì nông nghiệp Việt Nam”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất