| Hotline: 0983.970.780

"Nóng" các tuyến hàng lậu cuối năm

Thứ Hai 09/12/2019 , 10:36 (GMT+7)

Chỉ tại một điểm giáp biên ở Cao Bằng, khi hàng về nhiều, chủ đội có thể huy động ngay hàng trăm "phu" đưa hàng qua biên.

Cao Bằng có đường biên giới dài hơn 333km giáp danh với Trung Quốc, vì vậy việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu xảy ra ở hầu khắp các huyện giáp biên. Thời gian càng về những ngày cuối năm, tình trạng này có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp.

Tại một mốc biên giới gần với cửa khẩu Trà Lĩnh, phóng viên (PV) đã được chứng kiến hàng trăm người bốc những kiện hàng đi theo đường mòn trên núi. Người dùng xe máy tăng bo, người đi bộ lũ lượt đưa hàng từ chỗ cắt ở xe container đến điểm tập kết gần khu vực ranh giới Việt Nam - Trung Quốc.

Một phu vác hàng nói chuyện với PV, giới thiệu tên là Bàn Chà Sơn đến từ xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), đi bốc hàng cùng với một số người cùng quê. Anh Sơn chia sẻ về thu nhập rằng tùy theo quãng đường, loại hàng nên giá sẽ khác nhau, từ vài chục nghìn đến hơn 100 nghìn đồng/lượt. Bây giờ hàng ít, người bốc vác lại nhiều nên mỗi xe chỉ được 200 - 300 nghìn đồng.

Hàng trăm phu vác hàng tại một đường mòn ở huyện Trà Lĩnh.

Trong vai một người đi tìm thuê phu bốc vác tại khu vực xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, chúng tôi được một người phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi giới thiệu cho một chủ đội bốc hàng tên Cường. Người đàn ông này cho biết có thể huy động hàng trăm phu một lúc để đưa hàng qua biên bằng đủ cách như vác bộ, xe máy hoặc dùng con la để thồ hàng (người địa phương gọi là con lồ).

Theo chân một số người đi bốc hàng lên biên, PV đến mốc 795 thuộc địa bàn xã Ngọc Côn, chứng kiến người bốc vác nhộn nhịp đang đưa từng kiện hàng lên khe núi giáp ranh biên giới. Người đi bộ thì chỉ bốc được 1 - 2 kiện hàng, người dùng con la thì có thể chở được 4 - 5 kiện. Lần lượt những chiếc xe chở hàng tăng bo khoảng 7 - 10 tấn đã cắt từ các xe container nối đuôi nhau vào điểm tập kết.

Ngay đầu vào, 3 người thanh niên trong bộ quần áo cũ đóng giả người bốc vác làm nhiệm vụ cảnh giới. Dù đã đứng cách khu vực xe ô tô khoảng 30m để ghi hình, nhưng PV vẫn dễ dàng bị những nhóm người này phát hiện. Do là đêm tối, nên chúng tôi đã phải nhanh chóng rời khỏi hiện trường để tránh nguy hiểm.

Một địa điểm tập kết xe hàng lậu qua biên giới.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Hải - Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Thời gian qua, lực lượng 389 của tỉnh, huyện đã tăng cường các biện pháp phòng chống buôn lậu. UBND huyện cũng đã chỉ đạo công tác phối hợp giữa các lực lượng Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan... Tuy nhiên do lực lượng mỏng, đường biên giới trải dài nên rất khó khăn cho công tác chống buôn lậu.

Qua tìm hiểu thực tế, có nhiều điểm hàng lậu được vận chuyển ngang nhiên ở những vị trí thuận tiện, không xa trụ sở của các lực lượng chức năng. Nhưng cũng có nhiều địa điểm xa, hẻo lánh và bốc hàng khó khăn, phải leo núi hoặc đi qua sông có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Điển hình như vụ bốc hàng lậu làm lật bè chết 3 người ở huyện Phục Hòa; 2 người chết khi đưa thuốc lá lậu qua lối mòn ở xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh.

Không chỉ tại huyện Trà Lĩnh và Trùng Khánh, tình trạng hàng lậu qua biên giới cũng xảy ra tại các huyện có cửa khẩu hoặc đường biên giới với Trung Quốc như Phục Hòa, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc. Thu hút đông đảo lao động bốc vác không chỉ là người địa phương, mà nhiều lao động từ các huyện khác như Nguyên Bình, Hòa An và thậm chí từ các tỉnh khác như Bắc Kạn, Hà Giang.

Xe đậu chờ hàng về gần một đường mòn ở huyện Trà Lĩnh.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng thường xuyên chỉ đạo kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu qua biên giới, tình hình cũng đã giảm so với trước, nhất là việc xuất lợn trái phép đã được hạn chế. Nhưng dịp cuối năm, được dự báo là tình hình buôn lậu sẽ ra tăng và diễn biến phức tạp.

Xem thêm
Cần chiến lược hợp tác mới lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

Sáng 18/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức hội thảo Tầm nhìn hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong nông nghiệp đến năm 2030.

Hàng nghìn ha ở Đông Nam bộ có nguy cơ thiếu nước

Các tỉnh Đông Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa khô 2023-2024, với hàng nghìn ha ngoài công trình thủy lợi có nguy cơ hạn hán, thiếu nước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.