| Hotline: 0983.970.780

“Nóng” chuyện lao động trái phép

Thứ Tư 22/08/2012 , 09:52 (GMT+7)

Nghị trường phiên họp thứ 10, UBTV Quốc hội nóng ran bởi chất vấn của các đại biểu (ĐB) xung quanh câu chuyện đào tạo nghề cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi.

* Đào tạo nghề cho nông thôn, miền núi chưa hiệu quả

Nghị trường phiên họp thứ 10, UBTV Quốc hội hôm qua (21/8) nóng ran bởi chất vấn của các đại biểu (ĐB) xung quanh câu chuyện đào tạo nghề cho nông dân khu vực nông thôn, miền núi, việc quản lý lao động (LĐ) nước ngoài ở VN đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Quá nhiều Bộ tham gia quản lý đào tạo nghề

Về nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền xung quanh những bất cập về đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc ít người, đào tạo và tạo việc làm cho nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông dân trong diện bị thu hồi đất, ĐB Nguyễn Thị Khá, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu câu hỏi: Phải chăng việc đào tạo nghề cho người dân tại các khu vực này hiện đang bị xem nhẹ và kém hiệu quả.

Cùng câu hỏi trên, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (tỉnh Cần Thơ) và ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng nêu ra những giải pháp cho tình trạng chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào thiểu số còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu lao động.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Chuyền cho rằng, các cơ quan liên quan như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân, Phụ nữ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn, miền núi. Bằng chứng là tính đến cuối năm 2011, cả nước có 135 trường cao đẳng nghề. Mục tiêu đặt ra cho công tác đào tạo nghề là nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ 20%) và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người (trong đó trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm tỷ lệ là 23%).


Nông dân chưa được đào tạo nghề một cách bài bản

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐ-TB và XH cũng thừa nhận, mạng lưới các trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa phát triển đủ theo quy hoạch, đến nay còn 163 huyện chưa có trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện; các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn bất cập; đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề còn thiếu về số lượng; yếu về chất lượng.

“Truy” thêm về vấn đề quá nhiều Bộ, ngành tham gia công tác đào tạo nghề, ĐB Khá cho rằng, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề đang gây lãng phí rất lớn và liệu rằng có nên sáp nhập trung học chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT vào Tổng cục Dạy nghề của Bộ LĐ-TB và XH hay không?

Với vấn đề trên, Bộ trưởng Chuyền đồng tình với việc sáp nhập hai tổ chức dạy nghề thành một, nhưng Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý chính sẽ do Chính phủ quy định.

Giải thích về hiệu quả kém trong đào tạo nghề cho đồng bào miền núi đối với chất vấn của đa số ĐB các tỉnh miền núi, Bộ trưởng Chuyền cho rằng, bà con đồng bào dân tộc gặp khó khăn trong việc học tiếng, do phong tục tập quán nên vẫn còn thiếu ý thức kỷ luật. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc cũng ngại đi xa (theo tập quán), không muốn xa nếu phải đi đến nơi khác học nghề. Chẳng hạn, mặc dù trường dạy nghề cho thanh niên dân tộc đã được xây dựng ở Tây Nguyên, nhưng thanh niên dân tộc ghi danh vào học nghề vẫn còn thấp.

“LĐ không phép mới để xảy ra vụ Phòng khám Maria”

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt vấn đề: Có hơn 77.000 LĐ nước ngoài đang làm việc tại VN nhưng rất nhiều địa phương không quản lý được số lượng này. Đặc biệt, hiện có nhiều chủ DN người nước ngoài bỏ trốn đã gây tổn hại quyền lợi của người LĐ. Như vậy, có cơ chế, giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người LĐ trong những trường hợp này?

Theo bà Chuyền, hiện chưa có quy định nào về việc xử lý các chủ DN nước ngoài bỏ trốn nhằm bảo đảm quyền lợi cho người LĐ. Sắp tới, Bộ sẽ nghiên cứu về vấn đề này. Với vấn đề quản lý người nước ngoài làm việc tại VN, Bộ trưởng Chuyền không trả lời mà “nhường phần” cho Bộ Công an.

Về phía Bộ Công an, Thứ trưởng Tô Lâm đã cung cấp số liệu thống kê có 39,9% LĐ nước ngoài tại VN chưa được cấp phép. Theo ông Lâm, phần lớn đối tượng LĐ không phép này vào làm việc tại nước ta theo con đường du lịch. Thế nên việc quản lý, xử lý vi phạm với những số LĐ này rất khó khăn, đặc biệt là đối với một số nước châu Phi không có sứ quán, đại diện ngoại giao tại VN.

Về công tác quản lý lao động nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trước hiện trạng báo chí, dư luận nêu lên, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Công an đã có những chỉ đạo chấn chỉnh. “Bộ Công an đã quản lý được cư trú, việc làm của người nước ngoài ngay tại cơ sở. Về công tác quản lý người nước ngoài trong đấu tranh chống tội phạm, Bộ Công an làm được”, ông Lâm khẳng định.

Tuy nhiên, ĐB Lợi không đồng tình: “Bộ Công an nói cơ sở địa phương đều nắm được lao động nước ngoài nhưng tại sao khi tình trạng bác sĩ Trung Quốc “chui” xảy ra thì nói không biết. Phòng khám Maria (Hà Nội) gây chết người, bác sỹ Trung Quốc bỏ chạy đâu không biết? Quản lý vậy là quản lý kiểu gì?!”.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH, tính đến tháng 7/2012, số LĐ nước ngoài làm việc tại VN là 77.087 người. Trong đó, 49.983 LĐ được cấp giấy phép LĐ (chiếm 67,15%) và 24.455 người chưa được cấp phép (chiếm 32,85%). LĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam đến từ hơn 60 quốc gia, trong đó mang quốc tịch châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...) chiếm khoảng 58%, quốc tịch châu Âu (Anh, Pháp...) chiếm khoảng 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%. LĐ là nam chiếm 89,9%, có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86%.

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền bức xúc hiện nay rất đông LĐ phổ thông Trung Quốc làm việc tại VN (đặc biệt là tại các dự án bô-xít Tây Nguyên) trong khi đó người LĐ VN lại thiếu việc làm.

Về vấn đề này, bà Chuyền cho rằng, do quy định nếu không tuyển được LĐ địa phương người sử dụng LĐ có quyền tuyển LĐ phổ thông của mình. Trong khi đó, “các dự án Trung Quốc trúng thầu, thời gian họ thông báo tuyển dụng ở địa phương rất ngắn và chúng ta chưa chuẩn bị được lực lượng thì họ đã tuyển LĐ phổ thông”, bà Chuyền nói.

Theo bà Chuyền, trong Bộ luật Lao động có hiệu lực vào tháng 5/2013 sẽ có phần chuyên về LĐ nước ngoài. Trong đó, các vấn đề khúc mắc về quản lý, xử lý LĐ nước ngoài hiện nay sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh thêm cho phù hợp.

Về sự cố tại Phòng khám Maria, Thứ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc vi phạm này cũng do công an phát hiện và kiến nghị ngành y tế kiểm tra. Hiện sự việc đang được điều tra để xử lý hình sự.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm