| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 29/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

07:35 - 29/10/2015

'Nóng' chuyện xe công

Một trong những vấn đề gây “nóng” trong nghị trường của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII này, là chuyện xe công và sử dụng xe công.

Hiện tại, cả nước có 40.000 xe công, chưa kể xe của các doanh nghiệp nhà nước và của lực lượng vũ trang. Hàng năm, ngân sách phải bỏ ra 13.000 tỷ để nuôi số xe công này, bình quân mỗi xe công hàng năm ngốn tới 320 triệu đồng, bao gồm tiền xăng dầu, tiền sửa chữa, bảo dưỡng… và lương lái xe.

Khi nge số tiền phải tiêu tốn cho mỗi chiếc xe công hàng năm đó, giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội đã bị “choáng”.

Ông cho biết, công ty mình đang cung cấp dịch vụ xe cho 100 công ty khác, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. Bình quân một công ty hưởng dịch vụ trả cho công ty ông 20 triệu đồng mỗi tháng, để công ty ông điều một số xe từ 4 đến 7 chỗ đưa đón người của họ đến chỗ làm, đi công tác hay đi giao dịch. Số tiền 20 triệu đó đã bao gồm cả lương lái xe, tiền sửa chữa, bảo dưỡng và lợi nhuận của công ty.

Xe công ở ta hiện đang trở thành một thứ để phân biệt “đẳng cấp” trong giới quan chức. Trong khi ở nhiều nước giầu có khác, các bộ trưởng của họ vẫn tự lái xe riêng của mình đến chỗ làm, thì ở ta, không bao giờ có chuyện đó. Và có sự phân biệt rất rõ.

Bí thư, chủ tịch tỉnh được đi xe cỡ tiền nào. Phó bí thư, phó chủ tịch tỉnh và giám đốc các sở được đi xe cỡ tiền nào. Bí thư, chủ tịch huyện được đi xe cỡ tiền nào. Phó chủ tịch, phó bí thư và trưởng các phòng, ban huyện được đi xe cỡ tiền nào. Việc sử dụng xe công, thì chỉ có thể dùng một từ, đó là “vô tội vạ”. Có những sự kiện cả bí thư, chủ tịch cùng đến dự, có thể đi chung một xe để đỡ tốn kém cho ngân sách.

Nhưng không, mỗi vị vẫn nghễu nghện một xe. Cấp huyện cũng thế, có những sự kiện có đến ba, bốn chiếc xe công xuất hiện, mỗi xe chỉ có duy nhất một người kèm theo một lái xe. Không vị nào nghĩ đến chuyện chỉ cần đi chung một chiếc xe là đủ.

Vào mùa du lịch hoặc những dịp có lễ hội lớn ở các danh thắng như Phủ Giầy, Chùa Hương, đền Bà Chúa Kho, bãi biển Đồ Sơn, Sầm Sơn, Tuần Châu, Bãi Cháy… không ít lần báo chí đã phản ánh, thấy xe công biển xanh la liệt. Không ít vị còn cho cả vợ con dùng xe công đi làm những việc rất riêng, như về quê giỗ chạp, hiếu hỉ, đi siêu thị sắm đồ… Những trường hợp đó, tiền xăng dầu đương nhiên là ngân sách gánh.

Để tăng được 100 ngàn đồng cho một hệ số lương tối thiểu của công chức (từ 1.050.000 đồng lên 1.150.000 đồng) và tăng 8% cho những người đang hưởng lương hưu có hệ số thấp hơn 2,34, ngân sách chỉ phải chi hơn 11.000 tỷ đồng.

Nhưng đã 3 năm nay, hệ số lương tối thiểu vẫn đứng nguyên ở con số 1.150.000 đồng. Và năm 2016 tới, Bộ Tài chính cho biết, vẫn chưa biết sẽ đào đâu ra tiền để tăng mức hệ số lương tối thiểu. Trong khi hàng năm, chỉ xe công đã ngốn hơn số tiền tăng đó.

Đã có ý kiến đề xuất rằng hãy gom hết xe công lại, thành lập những đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ xe cho các cơ quan công quyền, có hợp đồng hẳn hoi, như thế sẽ tiết kiệm cho ngân sách rất nhiều. Nếu mỗi năm, một xe công chỉ cần tiết kiệm được 100 triệu thôi, thì nhân với 40.000 xe hiện có, số tiền tiết kiệm được sẽ là một con số khổng lồ.

Đó là một đề xuất hay.