| Hotline: 0983.970.780

Nông dân an nhàn nhờ tưới tiết kiệm thời công nghệ 4.0

Chủ Nhật 24/11/2019 , 16:45 (GMT+7)

Từ lâu, nhiều trang trại ở Lâm Đồng đã áp dụng quy trình tưới tiết kiệm vào sản xuất rau, hoa nhằm giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất cây trồng. 

Hiện nay, họ tiếp tục hướng đến mô hình kết nối tưới tiết kiệm với hệ thống IOT để kiểm soát triệt để lượng nước và đạt hiệu suất sản xuất cao nhất.

Khu vườn rộng trên 2ha của gia đình anh Nguyễn Định nằm ở phường 8, TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Tại đây, gia đình trồng các loại như cà chua, dưa hấu Pepino, rau ăn lá… và cũng kinh doanh mô hình du lịch canh nông.

Trong khu nhà kính công nghệ cao trồng cà chua, người nông dân 35 tuổi vừa đưa khách đi tham quan vừa dùng điện thoại vận hành hệ thống tưới cho cây trồng. Anh chia sẻ, từ ngày làm trang trại, gia đình đã chọn giải pháp tưới nhỏ giọt để đảm bảo năng suất cho cây. Mới đây, được bạn giới thiệu về quy trình tưới nước, bón phân, điều khiển hệ thống chăm bón bằng công nghệ hiện đại, gia đình anh quyết định bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư hệ thống.

Nông dân TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ứng dụng công nghệ 4.0 vào điều khiển hệ thống tưới nước tiết kiệm để tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Lê Khánh.

“Hệ thống tưới tại vườn được kết nối với bộ xử lý số hóa trên phần mềm điện thoại. Do vậy, dù ở đâu mình cũng có thể điều khiển hệ thống tưới nước cho cây”, anh Nguyễn Định chia sẻ và cho biết thêm, việc tưới nước tiết kiệm rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Nếu tưới bằng việc cầm vòi phun trực tiếp vào cây trồng, người làm khó kiểm soát lượng nước đổ ra đất và thường gây xói mòn, rửa trôi nhiều chất dinh dưỡng trong đất.

Tại khu vườn gia đình anh Định, những ống nước nhỏ bằng ngón tay được đấu nối trực tiếp từ mạch chủ và chạy song song trên bề mặt từng luống đất. Đối với cà chua, anh tiếp tục đấu nối một loại ống nhỏ hơn đầu đũa và có kim găm để vào từng gốc. Lượng nước từ hệ thống chính sau khi được vận hành bằng công nghệ sẽ thẩm thấu đến bộ rễ giúp cây hấp thụ tối đa. Trong khi đó, những gốc dưa Pepino lại hấp thụ nguồn nước từ hệ thống nhỏ giọt ngay trên luống đất.

“Không phí phạm giọt nước nào và cây trồng có đủ lượng nước, khoáng chất để phát triển”, anh Nguyễn Định thổ lộ.

Những ống nhỏ được ghim vào gốc cây để cung cấp nước cho cây trồng. Ảnh: Lê Khánh.

Tại xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), ông Lê Văn Ba cũng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho 2ha ớt và 4ha cà chua. Ông cho biết, việc tưới tiêu cho cây là khâu quan trọng vì nó tác động trực tiếp đến năng suất, sản lượng. Ở mô hình tưới phun thông thường, nếu không kiểm soát tốt, lượng nước dư thừa không chỉ lãng phí mà còn có thể gây úng rễ.

Việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm được ông thực hiện trên hình thức nhỏ giọt và phun sương. “Chi phí đầu tư ban đầu có thể hơi lớn nhưng cần phải làm ngay”, ông Ba cho hay. Hiện nay, để việc chăm bón cây trồng hiệu quả, gia đình ông Ba cũng đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị để có thể điều khiển bằng công nghệ kết nối Internet vạn vật IOT.

Theo nông dân, hệ thống tưới nhỏ giọt thông thường giúp tiết kiệm lượng lớn nguồn nước, công sức lao động. Khi kết nối hệ thống với công nghệ 4.0 thì một lần nữa, họ có thể kiểm soát tối đa lượng nước. Từ các tính toán dựa trên độ ẩm hiện có, độ pH của đất, nhiệt độ trong vườn… mà công nghệ đưa ra, việc điều tiết nước đến gốc cây cũng được áp dụng trên một công thức khoa học để đi đến hiệu quả cao nhất.

Nhờ kết nối hệ thống tưới tiết kiệm với phần mềm hiện đại, nông dân có thể chọn quy trình tưới một cách phù hợp, hiệu quả. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Thanh Hải, nông dân canh tác 2ha hoa cúc tại làng hoa Thái Phiên (TP Đà Lạt) chia sẻ, công nghệ tưới tiết kiệm ở làng hoa đã bước vào một cuộc “cách mạng” mới. Những hộ có quy mô đầu tư lớn đều hướng đến kết nối hệ thống với phần mềm quản lý thông minh.

“Cách làm này mới mẻ. Lượng nước tưới, thời gian tưới đều có thể kiểm soát một cách chặt chẽ nên năng suất cây trồng cao hơn so với cách làm truyền thống”, ông Hải thổ lộ. 

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năm 1994, Công ty Dalat Hasfarm (doanh nghiệp Hà Lan) đầu tư tại Đà Lạt và áp dụng công nghệ thông minh vào sản xuất. Đây cũng là mốc đánh dấu ngành nông nghiệp hiện đại đến với xứ sở sương mù và người dân cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 54.400ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có gần 195ha ứng dụng công nghệ cảm biến tự động đo nhiệt độ, độ ẩm, quản lý dinh dưỡng, tưới tiêu trong sản xuất.

Cũng theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi thiết yếu trong tương lai. Mục tiêu của tỉnh này là đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 65.000ha ứng dụng công nghệ cao, trong đó khoảng 700ha ứng dụng IOT (Internet kết nối vạn vật) và hơn 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản triển khai phần mềm quản lý chuỗi cung ứng thông qua mã QR.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm