| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Anh dùng máy chụp cắt lớp kiểm tra cừu giống

Thứ Sáu 08/06/2018 , 10:30 (GMT+7)

Chọn cừu đực khỏe mạnh nhất là biện pháp thường dùng của nông dân Anh, qua các phương pháp như kiểm tra chân, trọng lượng, vẻ ngoài. Song giờ đây, họ tìm cách ứng dụng máy chụp cắt lớp (máy CT) với hy vọng chọn con giống tối ưu.

Các nhà nghiên cứu thuộc Ủy ban Phát triển Nông nghiệp và Trồng trọt Anh (ADHB), cùng Học viện Nông thôn Scotland, đang kiểm tra phương pháp dùng máy CT để xác định những gia súc cho thịt tốt nhất tại Anh, theo Telegraph.

17-34-46_1
Kiểm tra cừu giống bằng máy quét CT

Biện pháp này được cho là không gây hại tới những con cừu đực giống, và cho phép đo hàm lượng chất béo, cơ bắp, để các cá thể giống với gien tốt nhất sẽ được đưa vào chăn nuôi.

“Máy quét CT có đủ độ chính xác để đo mọi thứ từ độ dài cột sống, vùng cơ mắt, đến mức độ chất béo trong bắp thịt. Tất cả điều này được tính toán để làm sao cho ra loại thịt ngon nhất”, Kirsty McLean, người quản lý đơn vị máy quét CT của Học viện Nông thôn Scotland, cho biết.

Theo McLean, các số liệu này sẽ được tập hợp thành “Bộ giá trị chăn nuôi ước tính”, cung cấp cho nông dân thước đo với những con giống tốt nhất, mục đích cuối cùng là những miếng thịt tươi ngon trên bàn ăn.

Công nghệ hiện đại ngày càng được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp, ngoài máy quét CT, trước kia, người ta đã sử dụng công nghệ phân tích hình ảnh video để phát hiện và định lượng thành phần thịt trong từng miếng thịt thành phẩm. Điểm mới của công nghệ máy quét CT là việc này được thực hiện ngay với động vật sống.

ADHB cũng từng phát triển những con robot biết hái rau quả. “Cộng đồng các nhà khoa học nông nghiệp đang làm việc không mệt mỏi để cung cấp sự ổn định nông sản với chất lượng tốt nhất”, Kim Mathews, người đứng đầu ban chăn nuôi và chất lượng sản phẩm, tại ADHB, cho biết.

Mathews khẳng định công việc của ông và các cộng sự là tập trung cung cấp các đánh giá về gien để ngành chăn nuôi, chế biến, có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cao.

“Công nghệ ứng dụng máy quét CT có thể sẽ khiến một công nghệ mới lạ ra đời, các tiến bộ trong tương lai sẽ mang lại tiềm năng lớn cho chăn nuôi. Chúng tôi có vai trò giúp cộng đồng hiểu rằng các sáng kiến trong nông nghiệp sẽ được ứng dụng thế nào để mang tới sản phẩm tốt hơn”, Mathews nói.

ADHB được thành lập năm 2008 để hỗ trợ ngành trồng trọt và chăn nuôi, công nghệ sản xuất, chế biến sữa, khoai tây tại Anh, cũng như các loại ngũ cốc, hạt chứa tinh dầu ở Anh.

Thách thức

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp là bước đi được nhiều quốc gia nhắm tới. Tuy nhiên, còn một thách thức đang khiến các nhà khoa học đau đầu, đó là xử lý bệnh dịch.

Trong khi nông dân Anh chưa biết kết quả cụ thể của việc ứng dụng công nghệ máy quét CT trên diện rộng, thì người New Zealand đối diện hiện thực khắc nghiệt: bò nhiễm khuẩn, buộc phải tiêu hủy hàng loạt.

Hồi cuối tháng 5, tờ Telegraph cho biết New Zealand có kế hoạch giết khoảng 150.000 con bò để tuyệt diệt một loại vi khuẩn gây bệnh trên bò. Trước đó, New Zealand gần như “miễn nhiễm” với các loại bệnh dịch do vị trí địa lý tương đối tách biệt.

Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, phát biểu rằng bà chia sẻ với nỗi đau của nông dân. Tuy nhiên, nữ thủ tướng cảnh báo nếu không hành động, New Zealand sẽ phải đối mặt thảm họa các đàn gia súc trên cả nước đều nhiễm bệnh. Nước này hiện có 10 triệu con bò, gấp đôi dân số.

17-34-46_2
Một đàn bò ở New Zealand

“Nếu lùi bước và để cho bệnh dịch tràn lan, nỗi lo sợ sẽ phủ bóng lên toàn bộ nông dân cả nước”, bà Ardern nói.

Hồi tháng 7 năm ngoái, New Zealand từng gặp trường hợp tương tự, khi phát hiện vi khuẩn Mycoplasma, gây viêm vú, viêm phổi, viêm khớp và các bệnh khác với động vật. Tuy vi khuẩn này chưa đến mức gây thiệt hại tới 6 triệu gia súc, gia cầm tại Anh năm 2001, song New Zealand vẫn chọn biện pháp tiêu hủy. Nếu thành công, New Zealand sẽ thành quốc gia duy nhất, ngoài Na Uy, là nơi sạch bóng vi khuẩn Mycoplasma.

Giới chức New Zealand cho biết họ phát hiện dịch bệnh ở 38 trang trại, song số bị ảnh hưởng thực sự có thể lên tới 200. Các nhân viên công quyền được phép vào các trang trại và tiêu hủy bò, bất chấp việc nông dân phản đối.

Liên đoàn Nông dân New Zealand, tuyên bố rằng một số nông dân phản đối tiêu hủy, song chính quyền nên hành động trước khi quá muộn. “Đây là khoảng thời gian khó khăn, có những nỗi đau lớn mà nông dân đang phải nếm trải. Chúng tôi ủng hộ họ như những người hàng xóm, thành viên cộng đồng, bạn bè. Song chúng ta cũng cần ủng hộ các động thái của chính phủ trong việc xử lý dịch bệnh”, tổ chức này tuyên bố.

Cho tới nay, khoảng 26.000 còn bò ở New Zealand đã bị tiêu hủy, ước tính tổng số bò sẽ bị tiêu hủy là 128.000 con. Tuy nhiên, giới chuyên gia New Zealand cho rằng con số này không ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp, vốn mỗi năm giết mổ khoảng 4,2 triệu con gia súc.

Giới chức New Zealand vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao vi khuẩn Mycoplasma xâm nhập vào nước này, bất chấp các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất