| Hotline: 0983.970.780

Nông dân “chết đứng” vì mua không được BHNN

Thứ Tư 12/06/2013 , 09:07 (GMT+7)

Ở một số địa phương hẻo lánh của tỉnh Cà Mau là nông dân không thể mua được BHNN vì “lỡ” nằm trong vùng đang xảy ra dịch bệnh.

Trước tình trạng dịch bệnh trên tôm diễn ra ngày càng phức tạp, nông dân thua lỗ thậm chí là phá sản… Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, trong đó có việc triển khai thí điểm bán bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).

Đây được xem là một tín hiệu vui cho người nuôi tôm, góp phần chia sẻ rủi ro nhằm thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản phát triển. Thế nhưng, một nghịch lý đang diễn ra ở một số địa phương hẻo lánh của tỉnh Cà Mau là nông dân không thể mua được BHNN vì “lỡ” nằm trong vùng đang xảy ra dịch bệnh.

Bức xúc

Gần nửa tháng nay, nhiều bà con nông dân ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đứng ngồi không yên khi không thể mua được BHNN từ Cty Bảo Minh Cà Mau (đơn vị thực hiện thí điểm bán BHNN – PV) với lý do hết sức “lạ đời” là vùng này đang diễn ra dịch bệnh. Ngoài ra, đơn vị thực hiện thí điểm bán BHNN còn viện nhiều lý do khác có phần “ép” nông dân.

Tổng Cty CP Bảo Minh (gọi tắt Bảo Minh) đã đưa ra một bản sửa đổi hợp đồng riêng. Theo đó, ngoài việc yêu cầu người dân phải mua bảo hiểm với mức thu mới kể từ ngày 8/5 theo quy định của Bộ Tài chính, Bảo Minh còn buộc tất cả những hợp đồng của người nuôi tôm đã mua bảo hiểm trước ngày 8/5 phải đóng thêm mức bảo hiểm theo quy định mới.

Tiếp xúc với NNVN, ông Lê Việt Sử, ngụ ấp Rau Dừa C, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, bức xúc: “Nông dân chúng tôi có tiếp nhận được thông tin mới của Bộ Tài chính về việc phí mua BHNN có tăng lên, nhưng chỉ áp dụng từ ngày 8/5 trở về sau. Còn việc những hợp đồng đã ký trước ngày 8/5 thì phí bảo hiểm phải được tính theo hợp đồng cũ (theo Quyết định số 3035/QĐ-BTC ngày 16/12/2011). Chứ không thể áp dụng quy định mới, rồi bắt chúng tôi đóng thêm phí và bồi thường theo qui định mới”.


Nông dân bức xúc khi đối thoại với đơn vị bán thí điểm BHNN ở Cà Mau vừa qua

Theo quyết định mới của Bộ Tài chính thì tỷ lệ thu phí bảo hiểm là 9,72% (tăng 2,3% so với mức phí cũ). Ngoài ra, tỷ lệ bồi thường thiệt hại cũng thay đổi, thay vì theo quy định cũ đối với tôm thẻ chân trắng mức phí bồi thường cao nhất là 64% (đối với tôm nuôi từ 55-59 ngày tuổi) thì nay giảm chỉ còn 38% (đối với tôm nuôi từ 47-49 ngày tuổi). Nghĩa là đã giảm gần 50% so với mức bồi thường ban đầu.

Nhận xét về bất hợp lý này, ông Phan Văn Sơn, ngụ ấp Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, nói: “Trước đó để đề phòng trường hợp rủi ro trong khi nuôi tôm, tôi vay tiền để mua BHNN tại Cty Bảo Minh Cà Mau. Thế nhưng, đã đóng phí bảo hiểm gần 3 tháng nay cũng không lấy được hợp đồng. Vừa rồi, nghe phía Bảo Minh thông tin không bán bảo hiểm mà trả lại tiền”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng trường hợp của ông Sơn, mà còn có 25 hộ dân khác cũng đang điêu đứng vì bị Bảo Minh Cà Mau dự tính sẽ trả tiền lại, dù họ đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua BHNN trước đó.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với chúng tôi về những bức xúc của nông dân, ông Hồ Hải Đăng, Phó GĐ phụ trách Ban Bảo hiểm Nông nghiệp (thuộc Tổng Cty CP Bảo Minh) lý giải: “Chúng tôi căn cứ đúng theo quy định của Bộ Tài chính để đưa ra mức phí thu thêm từ hợp đồng phí mua BHNN cho người dân. Do trong quá trình thực hiện hợp đồng có những điều chỉnh thay đổi nên nếu không đạt thỏa thuận thì mình hủy hợp đồng”.

Còn trường hợp Cty Bảo Minh Cà Mau đã nhận tiền (có phiếu thu- PV) của 26 hộ dân với tổng số tiền gần hơn 100 triệu đồng nhưng sau đó đã từ chối ký hợp đồng và không bán bảo hiểm nữa? Ông Đăng nói: “Đúng là có chuyện này, nhưng do vùng người dân mua bảo hiểm đang diễn ra dịch bệnh trên tôm nên công ty sẽ tạm thời không bán bảo hiểm nữa và sẽ hoàn lại tiền cho người dân”.

Đem cái khó của nông dân ra trao đổi với ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước (Cà Mau), ông Giảng cho biết, bản thân ông cũng không kém phần bức xúc. Ông Giảng đề nghị Cty Bảo Minh Cà Mau nên xem xét lại, vì chủ trương chung là khuyến khích người dân mua bảo hiểm để phát triển nuôi tôm.

“Cả huyện có 385 hợp đồng của nông dân được ký (trên 134 ha, với tổng số 340 hộ). Trong đó, hiện tại có 60ha diện tích nuôi tôm của người dân bị thiệt hại, nhưng hiện nông dân chỉ bồi hoàn có 38ha”. Ông Giảng thông tin.

Được biết, trước đó UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn gửi Cty Bảo Minh Cà Mau về việc giải quyết trách nhiệm bồi thường khi có tổn thất xảy ra, công ty phải căn cứ vào các quy định hiện hành cũng như hợp đồng đã ký kết với người dân.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.