| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đang phải gánh nhiều hệ lụy

Thứ Sáu 29/07/2011 , 11:20 (GMT+7)

Trao đổi với PV NNVN xung quanh vấn đề áp lực nguồn vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng ngưng trệ trong hoạt động tái sản xuất vì "đói vốn".

Lấy đơn cử về ngành chăn nuôi,  ông Lượng cho biết:

Trong bối cảnh các ngân hàng thắt chặt tín dụng, đặc biệt là lãi suất cho vay quá cao như hiện nay đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới SXNN và người nông dân là đối tượng chịu hệ lụy lớn nhất. Lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh liên miên. Bên cạnh đó, lãi suất vừa cao lại còn khó vay khiến chăn nuôi càng thê thảm hơn. Trong chăn nuôi, thức ăn chiếm tới 70% giá trị sản phẩm, nhưng người ND chỉ mua được cám qua các đại lý cấp 2, cấp 3, chịu giá cao hơn từ 10 - 15%, bên cạnh đó vacxin phòng trừ dịch bệnh cũng liên tục tăng trên 10%. Với đầu vào cao như vậy, ND không thể chịu nổi. Việc bà con thua lỗ bỏ chuồng âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng hệ lụy lớn nhất hiện nay nằm ở chỗ, chăn nuôi vẫn là nghề chính của ND, khi người ND không thể tái SX họ sẽ không có việc làm. Từ đó, người ND buộc phải li hương ra thành phố làm thuê kiếm sống dẫn tới mất cân bằng dân số giữa thành thị và nông thôn, gây áp lực lên các đô thị vốn đã quá chật chội. Mặt khác, một số hộ chăn nuôi thua lỗ không gượng dậy được sẽ lại rơi vào diện nghèo, từ đó ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế chung của đất nước.

Sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện không còn phù hợp. Nhưng bản thân người ND dù rất muốn mở rộng quy mô SX nhưng trình độ không đủ và không thể vay được vốn ngân hàng. Với vái trò là người “dẫn đường chỉ lối”,  Hội Nông dân đã xây dựng, tham mưu cơ chế chính sách gì hỗ trợ người nông dân lúc khó khăn?

Các cấp của Hội Nông dân từ TƯ đến địa phương đang vận động hội viên ND hãy bình tĩnh, yên tâm SX. Mặt khác, chúng tôi vừa làm việc với các ngân hàng để họ tạo điều kiện cho ND vay vốn. Tiếp theo, chúng tôi đang dùng Quỹ hỗ trợ ND của Hội để giúp đỡ bà con tái SX. Bên cạnh đó, Hội cũng vận động những hộ SX, kinh doanh giỏi, DN, HTX…có điều kiện kinh tế tương trợ các hộ dân nghèo có vốn làm ăn lúc khó khăn. Chúng tôi cũng có những đề án chương trình nhỏ, hay các mô hình hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân qua vật phẩm như trâu, bò, lợn gà… để bà con có việc làm trước mắt. Về lâu dài, chúng tôi đang triển khai một số dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và trình độ SX cho người ND. Ưu tiên hỗ trợ vốn cho các hội viên liên kết thành lập HTX, tổ HTX để việc SX, chăn nuôi có hiệu quả hơn.

Theo ông, bản thân người nông dân lúc này nên làm gì và phía Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người nông dân vượt qua khó khăn như thế nào?

Phải thừa nhận, đã qua rồi thời khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ, do đó những hộ nông dân có điều kiện nên mở rộng quy mô hoặc phải liên kết lại với nhau. Vì nếu không liên kết thì không thể cạnh tranh được chứ chưa nói gì đến khống chế, quản lí dịch bệnh. Vừa rồi tôi đi tham quan mô hình tổ hợp tác, tổ chăn nuôi gà, nuôi ngựa bạch ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên và nhận thấy họ hoạt động rất hiệu quả nhờ liên kết. Về phía Nhà nước, TƯ Hội Nông dân Việt Nam có một số đề xuất như sau: Thứ nhất, Chính phủ cần giao cho các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu nhằm điều chỉnh mặt bằng giá cả cho hợp lí. Thứ hai, xây dựng các chế tài quy định, xử phạt mạnh nhập lậu gia súc gia cầm qua biên giới vì nhập lậu sẽ phá vỡ nền SX, chăn nuôi trong nước. Thứ ba, quản lí chặt chẽ các DN SX, chế biến TĂCN; tăng cường nguồn nguyên liệu, tạo điều kiện cơ chế cho họ thu mua ngô, săn, lúa… với giá cả phải chăng để TĂCN đến tay người nông dân giá cả mềm hơn. Thứ tư, các ngân hàng cần cải tiến về thủ tục và tạo điều kiện cho các DN và hộ ND có điều kiện tái sản xuất với mức lãi suất chấp nhận được. Vì thực chất đầu tư lĩnh vực nào bây giờ chả rủi ro trong khi chúng ta không thể bỏ hẳn ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tăng cường quản lí giám sát tình hình chăn nuôi, đặc biệt là giết mổ gia súc gia cầm. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ngay từ biên giới, ngay trực tiếp tại các cơ sở SX. Vì nếu không kiểm soát được các khâu này sẽ không thể kiếm soát được dịch bệnh. Mà không kiểm soát được dịch bệnh, người chăn nuôi không bao giờ có thể ngóc đầu lên.

Xin cảm ơn ông! 

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Đào Xuân Cần: Phải thành lập Ngân hàng Hợp tác xã

Trong bối cảnh HTX gặp muôn vàn khó khăn trong SX, kinh doanh do lãi suất ngân hàng quá cao, ông Đào Xuân Cần - Chủ tịch Liên minh HTX VN nhấn mạnh, phải có Ngân hàng dành riêng cho khu vực HTX. Ông Cần cho biết, Liên minh HTX VN hiện có 370.000 tổ hợp tác, 19.000 HTX, 57 liên hiệp HTX. Trong đó 50% là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên có thể nói đây là một liên minh lớn. Tuy nhiên, cứ nghe thấy tên HTX các ngân hàng đã không muốn cho vay vì lo sợ rủi ro. Trong khi đó, các HTX ngoài việc SX, kinh doanh còn phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội và cơ chế chính sách khác cho Nhà nước. Ngay như Nghị định 41 của Chính phủ, chỉ đến được tới các ngân hàng chứ đến được các HTX rất nhỏ. “Trước đây, lãi suất thấp Liên minh HTX còn dám vay để cung ứng đầu tư hỗ trợ SX cho các xã viên. Nhưng với lãi suất như hiện nay HTX đành chịu chứ không thể làm gì được hơn”- Ông Cần chia sẻ. Do đó, ông Cần cho rằng, nhất thiết phải thành lập Ngân hàng HTX. Theo ông Cần, không ai hiểu các xã viên bằng Liên minh HTX nên những đồng vốn của ngân hàng HTX chắc chắn sẽ được dùng cách hợp lý đúng nơi, đúng chỗ. Hơn nữa, khi có ngân hàng, các HTX sẽ có nguồn tín dụng ổn định để yên tâm SX. Việc thành lập ngân hàng theo ông Cần, phía Liên minh HTX đã chuẩn bị đầy đủ về hồ sơ, giấy tờ, con người lẫn nguồn vốn, chỉ cần Chính phủ đồng ý phê duyệt là xong.

Song trước mắt, điều ông Cần quan ngại nhất hiện nay là khu vực nông thôn sẽ gặp khó khăn kép nếu chính sách tín dụng không được điều chỉnh kịp thời. Trước tiên, sẽ có những hộ xã viên sẽ không chịu được sẽ ngừng SX. Bên cạnh đó, các DN, HTX cũng phải giảm quy mô SX dẫn tới các lao động mất việc làm và chạy về nông thôn. Những DN muốn duy trì SX có lãi buộc phải “lách luật” như, trốn thuế, trốn nghĩa vụ môi trường, tăng ca người công nhân nhiều hơn, thậm chí là lừa đảo lẫn nhau. Từ đó, dẫn tới chênh lệch giàu nghèo ngày càng xa, mâu thuẫn giữa DN và người lao động ngày càng gay gắt sẽ tiềm ẩn nhiều bất ổn cho xã hội.

Trước bất cập trên, ông Cần đề nghị Chính phủ cần phải rà soát và có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, đối với khu vực nông nghiệp vẫn phải có chính sách ưa đãi tín dụng mang tính “quá độ”. “Đối với DN, bản thân hàng hóa anh SX ra không bán để trong kho vốn vẫn bị om. Vậy, lúc cấp bách này các DN và HTX cần liên kết lại với nhau cùng chia sẻ khó khăn để guồng máy SX được vận hành trở lại cùng nhau vượt qua được khó khăn, khi đã vượt qua được giai đoạn này rồi tự khắc mọi chuyện sẽ dần trở lại ổn định.” Ông Cần nói.

Văn Huệ (ghi)

 

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.