| Hotline: 0983.970.780

Nông dân đối mặt nghịch cảnh: [Bài III] Đau đầu vì thiếu lao động

Thứ Năm 07/05/2020 , 05:30 (GMT+7)

Nhiều nông dân Anh đang lao đao vì tình trạng vụ mùa bị gián đoạn do lực lượng lao động nhập cư không thể quay trở lại làm việc giữa đại dịch.

Daniel Martin, 32 tuổi, chuyển sang làm nông nghiệp sau khi bị cho thôi việc kỹ sư xây dựng. Ảnh: CNN.

Daniel Martin, 32 tuổi, chuyển sang làm nông nghiệp sau khi bị cho thôi việc kỹ sư xây dựng. Ảnh: CNN.

“Chúng tôi ước tính chỉ khoảng 1/3 số lao động nhập cư muốn quay trở lại”, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice cho biết trong một cuộc họp báo gần đây. Chính phủ sẽ thỏa thuận với các trang trại để “khuyến khích hàng triệu công dân mất việc làm được xem xét nhận công việc thứ hai nhằm hỗ trợ cho vụ mùa vào tháng 6 tới”.

Hôm 27/4, 6 phụ nữ có mặt tại một trang trại ở Kent, phía đông nước Anh vào sáng sớm. Họ buộc áo khoác ngang thắt lưng rồi cặm cụi cắt rau diếp, tỉa lá và gói chúng vào giỏ. Họ đều không phải những nông dân chính hiệu.

Giám đốc trang trại Nick Ottewell đứng quan sát. Nông nghiệp bình thường đã gặp đủ phiền phức, năm nay đại dịch càng chất chồng thêm khó khăn khi gây ra tình trạng thiếu hụt lao động trên các cánh đồng và khiến ông mất đi những khách hàng lớn như McDonald, Ottewell cho hay. Trước đây, McDonald vẫn thường nhập rau diếp Apollo tại đây để điểm vào món gà cuộn.

“Kiểm soát mọi thứ gần như là không thể”, Ottewell nói và thêm rằng ông thậm chí còn nghi ngờ trang trại sẽ phải giải tán trong năm nay.

Ottewell tính toán trang trại họ thiếu khoảng 45 nhân công trong khi thời gian cực kỳ gấp gáp. Trong vòng hai tuần, họ phải thu hoạch hết xà lách, loại nông sản chủ đạo của trang trại.

Dù không quảng cáo rộng rãi, trang trại vẫn nhận được 50 đơn ứng tuyển của người dân địa phương nhờ truyền miệng và những mẩu tin ngắn trên các trang báo ở hạt Kent. Ottewell cuối cùng chọn được 8 người.

Daniel Martin, 32 tuổi, trước đây là kỹ sư dân dụng, một công việc đóng vai trò quan trọng trong ngành xây dựng Anh. Dịch bệnh ập đến, Martin bị cho nghỉ việc không lương.

“Vì các công trường xây dựng đều phải đóng cửa, nhiều khách hàng của tôi cũng phải tạm hoãn công việc lại”, anh giải thích. “Điều này khiến chúng tôi trở nên khánh kiệt”.

Một người bạn của Martin làm trang trại và giữa cơn khủng hoảng, anh nhận ra rằng lái xe nâng chuyển hàng còn tốt hơn là ngồi không cả mùa hè.

“Tôi chỉ muốn được lao động, được làm việc gì đó, một công việc giúp tôi giữ vóc dáng, được ra khỏi nhà, nếu không, tôi sẽ phải giam mình trong căn hộ. Tôi thích ra ngoài hơn”, anh chia sẻ.

“Tôi không thể chịu được việc phải ở trong nhà, không kiếm được tiền”, Sally Penfold, 45 tuổi, nói. “Tôi muốn ra ngoài và làm việc gì đó. Tôi nghĩ cung cấp thực phẩm cho đất nước là một việc làm rất đáng tự hào”.

Penfold mất công việc phục vụ bạn tại một nhà hàng ở Hastings sau khi chính phủ Anh ban bố lệnh phong tỏa hồi cuối tháng ba nhằm ngăn Covid-19 lây lan. “Tôi từng có việc tại một nhà hàng Italy. Tôi đã làm ở đó khoảng 6 tuần. Rồi nhà hàng bất ngờ đóng cửa”, bà kể.

Bà biết thông tin về công việc tại trang trại thông qua đài phát thanh địa phương. Penfold quyết định rằng cuốc đất còn tốt hơn “mắc kẹt ở nhà suốt nhiều tuần liền”.

Thomas Tanswell, 32 tuổi, có thể phần nào hiểu được suy nghĩ của Penfold. Anh từng là một đầu bếp nhưng đã mất việc vì Covid-19.

“Tôi nhận thấy rằng ít nhất, tôi cần hoạt động trở lại, dù là bất cứ việc gì”, anh giải thích. “Tôi cần tái hòa nhập với thế giới, có thể đi hái chanh để làm nước chanh chẳng hạn”.

Tình yêu đối với các hoạt động ngoài trời và nỗi lo sợ trở thành người “vô công rồi nghề” biến nghề nông trở thành một lựa chọn hiển nhiên đối với Tanswell, anh cho hay.

“Công việc này hoàn toàn phù hợp với tôi, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay. Thành thực mà nói, đây cũng có thể là công việc mà tôi muốn gắn bó lâu dài. Đây quả là một nơi tươi đẹp với bầu không khí tuyệt vời”, Tanswell nói.

Thomas Tanswell từng là đầu bếp nhưng đã bị sa thải do nhà hàng đóng cửa vì dịch bệnh. Ảnh: CNN.

Thomas Tanswell từng là đầu bếp nhưng đã bị sa thải do nhà hàng đóng cửa vì dịch bệnh. Ảnh: CNN.

Sự nhiệt tình của những lao động mới bước chân vào ngành nông nghiệp là có thật, nhưng Ottewell, giám đốc trang trại ở Kent, vẫn cảm thấy do dự. Một trong những nỗi lo lớn nhất của ông là những lao động mới sẽ chỉ làm việc trong ngắn hạn, có thể vì họ không chịu được công việc nặng nhọc, cảm thấy công việc nhàm chán hay quay trở lại với công việc cũ. Điều đó sẽ là thảm họa với Ottewell, bỏ lại ông lẻ loi với cánh đồng của mình giữa mùa vụ.

Liên minh Nhà cung cấp Lao động có Đạo đức, chuyên cung cấp người lao động cho các trang trại, cho biết khoảng 55.000 người đã bày tỏ sự quan tâm đối với công việc đồng áng, nhưng số người chấp nhận việc chỉ chưa đầy 150, tính đến 24/4.

Ottewell có tất cả 45 vị trí còn thiếu lao động phải lấp đầy trước kỳ thu hoạch, tuy nhiên, ông không hy vọng quá nhiều.

“Tôi đã làm trong ngành này cả cuộc đời mình, làm quản lý được 25 năm. Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng mọi chuyện sẽ không dễ dàng”, Ottewell nói. “Đây là công việc mang tính thời vụ và người Anh nhìn chung không muốn làm công việc thời vụ, dù với bất kỳ lý do nào”.

“Những công ty như công ty của chúng tôi đã dựa vào các lao động nhập cư để duy trì hoạt động suốt hàng thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng ta đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Chúng tôi hoan nghênh tất cả mọi người, nhưng hãy đến và cam kết ở lại với chúng tôi ít nhất là cả mùa hè”, Ottewell nhấn mạnh.

(Theo CNN)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất