| Hotline: 0983.970.780

Nông dân được hỗ trợ từ A đến Z

Chủ Nhật 12/02/2012 , 08:50 (GMT+7)

CĐML giải quyết được hai vấn đề mà nông dân quan tâm từ trước đến nay trong SXNN là sản phẩm đầu vào đảm bảo chất lượng và có giá cả ổn định.

CĐML giải quyết được hai vấn đề mà nông dân quan tâm từ trước đến nay trong SXNN là sản phẩm đầu vào đảm bảo chất lượng và có giá cả ổn định. DN cũng đảm bảo quyền lợi cho người SX. Đó là khẳng định của ông Huỳnh Thế Năng, PCT UBND tỉnh An Giang khi đánh giá về mô hình này.

“Bà đỡ” của nông dân

Thực tế từ trước đến nay, những người một nắng hai sương làm ra hạt lúa ở ĐBSCL luôn canh cánh nỗi lo thành quả lao động của mình cứ mãi bấp bênh do thị trường thường xuyên biến động. Bên cạnh đó, các sản phẩm phục vụ SX cứ tăng dần vào mỗi đầu mùa vụ hay lúc dịch bệnh bùng phát.

Năm nào giá lúa cao cũng chỉ bù đắp cho chi phí SX nên cuối cùng lợi nhuận mang về chẳng đáng là bao. Sự ra đời của mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đem lại nguồn sinh khí mới cho nhiều vùng quê mà nó đi qua. Bước đầu đã giúp cho hàng ngàn hộ dân không còn lo lắng và từng bước giải quyết nợ nần và vươn lên khấm khá.

Nhiều nông dân trong vùng nguyên liệu của mô hình cho rằng việc làm minh bạch và hiệu quả thiết thực chính là nguồn cổ vũ để đông đảo nông dân tham gia hợp tác SX. Nhờ vậy mà cũng không còn cảnh nông dân và DN “bẻ kèo” mỗi khi giá cả nông sản tăng, giảm thất thường.

Mô hình CĐML do Cty CP BVTV An Giang triển khai gần 2 năm qua cho thấy được cách làm ăn khá bài bản. Ở đây, nông dân được hỗ trợ từ A đến Z từ lúa giống, phân bón, thuốc BVTV với giá cả hấp dẫn mà không phải chịu lãi như trước nữa. Lúa bị sâu bệnh sẽ được đội ngũ cán bộ kỹ thuật đến hàng trăm người cùng nông dân ra ruộng đồng thăm bệnh và tìm ra giải pháp điều trị thích hợp theo phương thức “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân”.

Nhờ đó mà hạn chế nỗi khổ “tiền mất, tật mang” như cái thời làm ăn còn nhỏ lẻ. Lúa thu hoạch xong sẽ được Cty cho ghe tàu đến tận ruộng thu về kho sấy khô mà không tính chi phí. Lúa đạt yêu cầu về ẩm độ được Cty cân mua với giá cũng nhích hơn thị trường đôi chút để đảm bảo nông dân có lời. Nếu chưa muốn bán ngay thì Cty cho trữ lại kho không tính phí. Chất lượng hạt gạo từ đó nâng lên, đáp ứng tốt cho nhu cầu chế biến XK của các DN khi tiêu thụ ở những thị trường khó tính.

Cũng chính nhờ chất lượng hạt gạo đồng đều và hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu nên các DN có thể XK với giá cao từ 20- 30 USD/tấn. Giá lúa nguyên liệu cũng được Cty CP BVTV An Giang mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 300- 400 đồng/kg.

Theo các chuyên gia nhận định, ưu điểm của mô hình này là gắn kết được DN với nông dân; nâng cao chất lượng hạt gạo XK và hơn thế là không làm xáo trộn đất đai khi làm ăn lớn. Mặc dù còn sớm để khẳng định sự thành công hoàn toàn của mô hình, nhưng những gì đã đạt được trong thời gian qua cũng có thể nói bước đầu DN trở thành “bà đỡ” của nông dân trong thời bão giá này.

Hồ hởi từ nhà ra đồng

Mặc dù mô hình CĐML mới triển khai thực hiện chưa đầy 2 năm, nhưng những nông dân thụ hưởng từ mô hình này đang thật sự phấn khởi. Nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên bên cạnh đồng ruộng xanh rờn nhờ nông dân có được của ăn, của để. Sau khi cùng cán bộ kỹ thuật của Cty CPBVTV An Giang thăm đồng về, ông Lê Mạnh Hà khoe với chúng tôi: “Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp, gia đình tui ăn Tết lớn. Làm lúa bây giờ khỏe lắm! Chịu khó mỗi ngày ra ruộng một chút theo dõi sâu bệnh rồi báo cho Cty cử người xuống chỉ cách phòng trị. Mọi thứ khác đều có Cty lo hết”.

Dẫn chúng tôi ra xem ruộng lúa rộng thênh thang với diện tích hơn 2,1 ha ở phía sau nhà, ông Hà cho biết, toàn bộ diện tích này đang hứa hẹn thêm một mùa vụ bội thu. Từ ngày có Cty BVTV An Giang hỗ trợ về phân bón, thuốc trừ sâu và hướng dẫn kỹ thuật, nông dân giảm được chi phí đáng kể mà năng suất lúa cũng không ngừng tăng. Chỉ riêng hộ ông Hà, hiện năng suất lúa của gia đình ông đã đạt khá cao, từ 11- 12 tấn/ha, cao hơn trước đây từ 1- 2 tấn/ha.

Nhớ lại những năm về trước, ông Hà ngao ngán cho biết, nếu không có mô hình này thì không biết bao giờ nông dân mới hết khổ, nhất là phân bón và thuốc trừ sâu. Đầu vụ phải chạy đến các đại lý mua thiếu, chịu lãi từ 2- 3%. Đáng buồn hơn là khi ruộng bị sâu rầy thì đại lý cứ thỏa sức mà chặt chém nông dân. “Phải bấm bụng mà mua với giá trên trời, chứ chẳng lẽ để lúa chết cháy ngoài đồng sao. Nhiều lúc tui còn phải đi qua tận Đồng Tháp nài nỉ thì người ta mới chịu bán một ít. Lúa giống bây giờ cũng khỏi phải lo vì Cty cung cấp với giá 15.000 đồng/kg, thấp hơn thị trường khoảng 3.000 đồng thì còn gì bằng”- ông Hà nói.

Cũng theo ông Hà, nhờ có cán bộ của Cty thường xuyên xuống đồng cùng nông dân nên đa số bà con nông dân đều nắm vững và áp dụng triệt để các chương trình kiểm soát dịch bệnh tổng hợp như “3 giảm 3 tăng” hay “1 phải 5 giảm”… của ngành nông nghiệp nên cũng tiết kiệm rất nhiều chi phí đáng kể. Trong đó, phân bón giảm đến 1/3, từ 1,5 bao/công (75 kg) xuống còn chưa tới 1 bao. Lúa bị sâu bệnh cũng không cần phải phun xịt cho nhiều, vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường và cũng không sợ bị DN chê vì lúa có dư lượng thuốc BVTV.

Ông Hà lật sổ ra ngồi tính: “Chi phí mỗi công cỡ 2 triệu đồng. Cuối vụ bán lúa xong, tính ra lời khoảng 2- 3 triệu đồng/công. Mấy anh ở Cty nói lợi nhuận của tui được 100% chứ còn gì!”- ông Hà khoe.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.