| Hotline: 0983.970.780

Nông dân giỏi xứ Công Tử

Thứ Sáu 15/01/2010 , 10:24 (GMT+7)

Đến ấp Minh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu nói đến ông Nguyễn Phúc Ánh (Chín Ánh) có lẽ ai cũng biết đến ông.

Cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra môi trường và trao đổi kỹ thuật với ông Chín Ánh

Đến ấp Minh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu nói đến ông Nguyễn Phúc Ánh (Chín Ánh) có lẽ ai cũng biết đến ông. Ngoài sự thành công trong lĩnh nuôi trồng thủy sản, ông còn nổi tiếng là một người vui vẻ, có lòng tốt hay giúp đỡ mọi người xung quanh.

Ông bắt đầu làm quen với con tôm công nghiệp từ năm 1999. Từ một tài công chạy đò, ông bắt đầu “lên bờ” để phát triển kinh tế, với số tiền ít ỏi từ việc bán con đò dọc và số tiền dành dụm qua những năm chạy đò ông chập chững bước vào nghề nuôi tôm. Ông kể, năm 1999 khi mới chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, với diện tích đất sản xuất chỉ có 1 ha, ông chia ra được 3 ao để nuôi tôm. May mắn thay khi ông chưa hề có một chút kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi tôm ông lại trúng đậm vụ tôm ấy với số tiền lãi gần năm trăm triệu đồng.

Mặc dù với số tiền trúng tôm đậm như vậy nhưng ông không hề thỏa mãn, bằng lòng với những gì mình đang có, ông biết mình đang thiếu cái gì và cần học thêm những gì để duy trì sự thành công trong nghề. Ông bắt đầu tìm hiểu sâu về kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp (CN-BCN) từ các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư. Ông luôn là người đi đầu trong việc tham gia những buổi tập huấn kỹ thuật. Từ năm 1999 đến năm 2007 ông Chín Ánh đã phát triển diện tích nuôi tôm của mình từ 1ha lên 6ha, năm 2006 ông còn xây được một căn nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng.

Năm 2008, giá tôm sú tụt, có thời điểm tôm sú 30 con/kg chỉ có 76 ngàn đồng nhưng giá thức ăn, thuốc thủy sản lại tăng mạnh (khoảng 20%). Nhiều “đại gia” nuôi tôm vào thời điểm ấy đã bắt đầu chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng với ông Chín Ánh con tôm sú vẫn là lựa chọn số một. Với 16 ao nuôi tôm trên diện tích 6 ha, ông đã bị lỗ khoảng 70 triệu khi 3 ao tôm bị bệnh phân trắng.

Không nản chí ông tiếp tục trao đổi kỹ thuật với cán bộ kỹ thuật, tìm hướng để quản lý môi trường ao nuôi thật tốt với mục đích đưa đàn tôm nuôi của mình vào cỡ lớn để bán được với giá cao. Quả thật thành công luôn đến với ông, sau khi thu 13 ao còn lại sau gần 06 tháng nuôi, ông thu được khoảng 25 tấn tôm, với cỡ tôm trung bình 22 con/kg, lớn nhất khoảng 18con/kg. Ông bán tôm 22 con/kg với giá 115 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, trừ số tiền lỗ cho 3 ao nuôi trước ông còn lãi gần 500 triệu đồng.

"Thành công của ông Chín Ánh đến ngày hôm nay không phải hoàn toàn do may mắn mà do chính nghị lực, ý chí làm giàu và ý thức học hỏi không ngừng của bản thân. Còn có những tấm gương nông dân sản xuất giỏi điển hình khác có thể hơn ông rất nhiều nhưng đối với người dân nuôi tôm của ấp Minh Điền, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thì ông Chín Ánh là một tấm gương"- ông Lưu Văn Tỷ, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

Đầu năm 2009, theo đà phát triển, ông tiếp tục nâng số ao nuôi của mình từ 16 lên 20 ao. Ông không thả hết các ao trong một đợt mà ông chia làm 2 đợt vì theo ông như vậy sẽ dễ trong khâu quản lý và thuận lợi cho việc chọn được đàn tôm giống tốt. Đợt đầu ( vào tháng 2 ) ông thả 12 ao/4 ha, đợt hai ( vào tháng 5 ) ông thả tiếp 8 ao còn lại. Năm nay nhờ tôm CN có giá hơn năm 2008 nên đến thời điểm này, sau khi hạch toán chi phí cả vụ nuôi, ông cho hay, lời hơn năm trước trên 1 tỷ đồng.

Dù phát triển mô hình nuôi tôm bằng quy trình sinh học nhưng trước năm 2008 ông vẫn còn thói quen diệt khuẩn bằng hoá chất định kỳ hàng tháng, sau đó mới sử dụng vi sinh vì chưa an tâm đến hiệu quả của vi sinh, nhưng từ năm 2008, sau khi tiếp xúc với cán bộ kỹ thuật của trung tâm khuyến nông - khuyến ngư, được sự phân tích hiệu quả từ việc hạn chế sử dụng hóa chất diệt khuẩn trong ao tôm, đến nay ông đã hạn chế rất nhiều trong việc sử dụng hóa chất và ông cho biết đã giảm được rất nhiều chi phí đầu tư cho một vụ nuôi tôm, từ đó tăng lợi nhuận lên cao hơn.

Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế bằng con tôm sú, đầu tháng 6/2009, ông đã mạnh dạn kết hợp với trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu đầu tư nuôi một đối tượng mới là cá bống mú. Đến nay đàn cá của ông sau 6 tháng nuôi cũng đã phát triển rất tốt ( khoảng 2-3 con/kg ), hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận lớn cho ông. Tháng 10 vừa qua, ông đã đứng đầu vận động, tự quyên góp hàng chục triệu đồng cùng với bà con trong ấp sửa sang lại con đường nông thôn trong ấp, giúp người dân đi lại được thuận lợi.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.