| Hotline: 0983.970.780

Nông dân háo hức ra đồng, xuống biển đầu năm

Thứ Năm 18/02/2021 , 08:17 (GMT+7)

Sau Tết, nhiều nông dân, ngư dân, diêm dân ở các tỉnh phía Nam đã tất bật vào vụ sản xuất với mong ước một năm mới nhiều thuận lợi, mùa màng bội thu...

Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu từ mùng 2 đến mùng 4 Tết Nguyên đán, bà con diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại hối hả ra đồng, thăm nom chuẩn bị thu hoạch vụ muối mới.

Vụ muối đầu năm nay, toàn tỉnh sản xuất gần 680 ha, thời điểm này nhiều diêm dân đang tranh thủ nắng to, gió lớn để ra đồng sản xuất, ai cũng kỳ vọng vào năm mới sẽ “nắng thuận, gió hòa” để có những mùa vụ thu hoạch muối bội thu.

Đa số bà con diêm dân đều kéo ra cánh đồng muối từ mùng 2 và đến mùng 4 tết để thăm đồng đầu năm. Ảnh: AV.

Đa số bà con diêm dân đều kéo ra cánh đồng muối từ mùng 2 và đến mùng 4 tết để thăm đồng đầu năm. Ảnh: AV.

Ông Huỳnh Văn Thuyết, diêm dân xã An Ngãi phấn khởi tâm sự: “Từ 6 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Sửu, tôi đã chuẩn bị bông, nước, bánh kẹo mứt và hương để ra ruộng muối cúng và thăm đồng đầu năm.

Năm vừa qua bà con diêm dân chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hy vọng sang năm mới này, nghề muối sẽ làm ăn thuận lợi, bà con được mạnh khỏe và thu được những vụ muối thắng lợi”.

Theo ông Thuyết, phong tục ra đồng cúng đầu năm của diêm dân luôn được duy trì và tùy vào từng gia đình để chọn ngày ra đồng bắt đầu công việc. Tuy nhiên, đa số bà con diêm dân sẽ kéo ra đồng từ mùng 2 và đến mùng 4 tết.

Cứ vào sáng mùng 2 Tết, ngư dân ở Làng chài Phước Hải lại đưa thuyền thúng ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: AV.

Cứ vào sáng mùng 2 Tết, ngư dân ở Làng chài Phước Hải lại đưa thuyền thúng ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: AV.

Tương tự, hàng năm ở làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ) cũng thành thông lệ, cứ vào sáng mùng 2 Tết, ngư dân ở địa phương lại đưa thuyền thúng ra khơi đánh bắt hải sản. Mở đầu cho chuyến biển đầu năm mới, ai cũng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa khai thác mới bội thu.

Những ngư dân kì cựu ở đây cho biết, nghề thuyền thúng đánh bắt hải sản thường hoạt động cách bờ khoảng 5 hải lý trở vào, hải sản thu được chủ yếu là ghẹ, ốc và các loại cá nhỏ.

Mặc dù lượng hải sản đánh bắt không nhiều nhưng từ cận Tết đến nay nhờ giá hải sản tươi sống tăng cao nên ngư dân rất phấn khởi. Sau mỗi chuyến đi biển, trung bình mỗi người đi thúng thu nhập từ 1-2 triệu đồng, cao gấp đôi so với ngày thường, đó là khoản tiền lớn đối với các ngư dân làm nghề thuyền thúng ở làng chài Phước Hải.

Ghi nhận tại bờ biển thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ ngay từ sáng sớm mùng 2 Tết Nguyên đán, không khí kéo lưới, mua bán hải sản đã diễn ra rất nhộn nhịp. Những chiếc ghe của ngư dân hành nghề lưới nổi và nghề câu mực sau một đêm đánh bắt đưa vào bờ những giỏ cá và mực tươi rói.

Chị Nguyễn Thị Đặng, ngư dân thị trấn Phước Hải cho biết, xuất hành từ 1 giờ khuya đến khoảng 7 giờ sáng thì quay về, sau nhiều giờ ra khơi, ghe của chị đánh bắt được khoảng 20 kg hải sản, thu về khoảng 3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Nin, một cựu ngư dân ở xã thuần ngư Phước Tỉnh chia sẻ, tùy theo từng tàu cá chọn ngày tốt để 'mở biển' với tinh thần rất hào hứng và hy vọng thuyền về sớm cá đầy khoang. Ảnh: MS.

Ông Nguyễn Nin, một cựu ngư dân ở xã thuần ngư Phước Tỉnh chia sẻ, tùy theo từng tàu cá chọn ngày tốt để “mở biển” với tinh thần rất hào hứng và hy vọng thuyền về sớm cá đầy khoang. Ảnh: MS.

Cùng với ngư dân thị trấn Phước Hải, ngư dân tại TP.Vũng Tàu, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), xã Bình Châu (Xuyên Mộc)… cũng sẵn sàng các ngư cụ, nhu yếu phẩm cần thiết để chuẩn bị chuyến ra khơi đầu năm.

Ông Nguyễn Nin, một cựu ngư dân ở xã thuần ngư Phước Tỉnh chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, ngày Tết tàu thuyền về cập bến và sớm lo chuẩn bị các khâu hậu cần tốt nhất cho những chuyến vươn khơi đầu năm. Sau Tết, tùy theo từng tàu cá chọn ngày tốt để “mở biển” với tinh thần rất hào hứng và hy vọng thuyền về sớm cá đầy khoang…!”.

Theo ông Nin, mặc dù đã “nghỉ hưu” nghề biển nhiều năm, nhưng vào mỗi dịp đầu năm mới, nhìn trên bến tàu thuyền chuẩn bị nhổ neo “mở biển” khiến ông cũng thấy tinh thần phấn chấn và lại muốn vươn khơi cùng bà con ngư dân.

Vì thế, có những lúc sức khỏe tốt, thời tiết thuận, ông lại quá giang bám biển cùng các tàu cá quen cho đỡ nhớ nghề và có bao nhiêu kinh nghiệm ông đều chia sẻ tận tâm với mọi người.   

Tại xã An Nhứt, huyện Long Điền, vựa lúa lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khí thế sản xuất cũng đang rộn ràng chẳng kém ngay trong những ngày đầu năm mới. Mặc dù công việc đồng áng còn nhiều vất vả, nhưng trên khuôn mặt của những người nông dân luôn rạng rỡ và tràn đầy hi vọng về một năm mới sản xuất nhiều may mắn, thắng lợi, được mùa, được giá.

Sau Tết bà con nông dân ra vườn ruộng sớm và luôn hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu. Ảnh: VA.

Sau Tết bà con nông dân ra vườn ruộng sớm và luôn hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu. Ảnh: VA.

Từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Bính, nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền đã ra thăm ruộng để kiểm tra lúa, be bờ, đắp đất, dặm lúa, nhổ cỏ, bón phân.

Ông chia sẻ: “Đây là thời điểm quan trọng nhất trong năm, lúa Đông Xuân đang bước vào thời kỳ sinh trưởng nên bà con nông dân chúng tôi dù vui xuân cũng không quên công việc.

Cuối năm hay đầu năm cũng vậy, khi sạ lúa xong thì mình phải theo dõi xem có sâu rầy gì không để xịt thuốc ngừa bệnh cho lúa tốt”.

Theo ông Bính, năm nay dù thời tiết nắng ráo nhưng bị bọ trĩ, phải xịt hai, ba lần mới mong giảm bớt. Vụ lúa Đông Xuân năm nay bà con nông dân đều sử dụng các giống mới có năng suất và chất lượng vượt trội, hy vọng giúp bà con nông dân sẽ có một mùa vụ bội thu.

Anh Nguyễn Thanh Phước, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hầu như không có ngày nghỉ Tết vì mít đã đến ngày thu hoạch. Ảnh: MS.

Anh Nguyễn Thanh Phước, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hầu như không có ngày nghỉ Tết vì mít đã đến ngày thu hoạch. Ảnh: MS.

Còn với anh Nguyễn Thanh Phước, chủ vườn mít hơn 3 ha tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hầu như không có ngày nghỉ Tết. Những ngày khắp nơi vui xuân thì anh vẫn bám vườn vì mít chín rộ đã sát ngày thu hoạch.

Mùng 5 Tết, anh Phước đã bắt đầu thu hoạch lứa mít đầu tiên trong năm mới, được gần 2 tấn, bán với giá bình quân 26.000 đồng/kg. “Tuy giá mít đầu năm không được cao nhưng xem đây là “lộc xuân” trong ngày đầu năm mới nên gia đình tôi rất phấn khởi. Hy vọng trong năm mới sẽ có nhiều thuận lợi, thu hoạch mít được mùa, được giá hơn năm cũ”.  

Những ngày đầy năm, không khí xuân và hương vị Tết vẫn còn phảng phất lan tỏa nhưng đối với người nông dân, ra đồng đầu năm cũng quan trọng như ngày xuất hành, mở hàng buôn bán.

Người nông dân ai cũng đều kỳ vọng vào một năm mới 2021 an lành, dịch bệnh Covid -19 tiêu tan sạch sẽ, thời tiết được mưa thuận gió hòa, sản xuất an toàn, mùa màng bội thu, giá cả ổn định…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất