| Hotline: 0983.970.780

Nông dân kéo cày thay trâu

Thứ Ba 31/01/2012 , 09:24 (GMT+7)

Trâu, bò không còn, thuê “trâu sắt” thì tốn tiền, bà con nông dân thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên tự đeo ách kéo cày, kéo bừa thay trâu.

Anh Nhâm đang tranh thủ kéo cày, bừa thay trâu

Trong khi người dân khắp nơi vẫn đang nô nức đi hội du xuân thì bà con nông dân thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã tất bật xuống đồng cuốc đất, kéo bừa chuẩn bị mạ cho vụ lúa xuân. Trâu, bò không còn, thuê “trâu sắt” thì tốn tiền, bà con tự đeo ách kéo cày, kéo bừa thay trâu.

Mặc dù thời tiết những ngày đầu xuân rét căm căm, song trên cánh đồng thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng đã nhấp nhô người dân đi làm đồng. Đang cùng con gái tranh thủ bừa vỡ mảnh ruộng để gieo mạ, anh Nguyễn Văn Nhâm, ở thôn Hồng Thái chia sẻ, từ ba năm nay, năm nào gia đình anh cũng tự cuốc đất, kéo bừa làm ruộng mạ do trâu bò lâu rồi không ai nuôi. Mặt khác, nếu thuê máy cày phải đợi đến cuối vụ mới trả, thợ máy cũng ngại không muốn làm mảnh ruộng lắt nhắt ngày công thấp.

 Chính vì vậy, sau tết cứ tầm mùng 5 đến mùng 8 là anh Nhâm cùng vợ và con lại tự đi cuốc đất rồi kéo bừa để tiết kiệm chi phí. Trong giá lạnh, đôi môi anh Nhâm và đứa con tím tái, bước chân họ mỗi lúc một ì ạch, chậm chạp hơn. Anh Nhâm nói, trước kia còn trâu, bò anh chỉ lướt qua vài đường bừa mảnh ruộng đã nhuyễn, nhưng nay dùng sức người hai bố con phải vật lộn ba buổi chiều mới xong mảnh ruộng bé tí. Đấy còn chưa kể hôm trước, cả nhà phải hì hục cuốc đất ròng rã hai ngày mới xong. “Nói chung mệt thì có mệt nhưng được cái ai cũng vui vẻ, về ăn cơm thấy ngon lại đỡ tốn tiền thuê máy”, anh Nhâm tếu táo.

Cách đó một quãng, đang xuống đồng cùng bà con, Bí thư chi bộ thôn Hồng Thái Đỗ Thị Hoài cho biết, thôn còn 96 mẫu ruộng của gần 400 hộ. Sở dĩ ruộng còn ít như vậy là do cách đây vài ba năm, KCN Phố Nối A đã thu hồi 1/3 diện tích cho các nhà máy, xí nghiệp thuê làm trụ sở nhà xưởng. Hầu hết người dân ở thôn Hồng Thái nói riêng và xã Lạc Hồng nói chung đều vừa làm nông dân kiêm cả công nhân.

Đầu xuân năm mới, khi các KCN chưa hoạt động bà tranh thủ ra đồng cấy lúa trồng khoai tránh bỏ phí đất đai dù mảnh ruộng chỉ như bàn tay. Làm ruộng xong thì vừa đến lúc đi làm, bà con lại trở thành công nhân tại các công ty trong KCN. “Lúc đầu, ai cũng nghĩ ruộng đồng bé lắt nhắt chẳng bõ làm chỉ tổ tốn công, mất sức. Nhưng qua một năm khoán cho người khác làm, phải đong ăn từng bữa mới thấy “miệng ăn núi lở” như thế nào. Với nhà nông, gì thì gì cũng phải tự túc được lương thực, chứ cứ đi đong gạo cả năm có mà đói rã họng. Vì thế, hộ nào ở thôn Hồng Thái giờ cũng làm ruộng để tự túc lương thực, rất ít người cho thuê hay bỏ ruộng", bà Hoài tâm sự.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Dồn lực tiêm vacxin phòng bệnh dại trên chó, mèo

Trước diễn biến bệnh dại trên người có chiều hướng gia tăng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra văn bản chỉ đạo đảm bảo tỷ lệ tiêm vacxin đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo.

Sapoche Mexico chịu được mặn 5 - 6‰, hiệu quả gấp 3 lần giống bản địa

TIỀN GIANG Ông Trần Văn Khả (ấp Đông Hòa, xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là nông dân tiên phong ở địa phương trồng giống sapoche Mexico cho hiệu quả kinh tế cao.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất