| Hotline: 0983.970.780

Nông dân không lẻ loi

Thứ Tư 28/03/2012 , 10:50 (GMT+7)

Trong những năm qua, phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Ba Vì đã giúp nhiều nông dân trong huyện thoát nghèo và nhiều người trở nên giàu có.

Trong những năm qua, phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Ba Vì đã giúp nhiều nông dân trong huyện thoát nghèo và nhiều người trở nên giàu có.

Tỷ phú đồng rừng

Ở thôn Cẩm An, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, người dân vô cùng ngưỡng mộ gia đình ông Ngô Văn Tháp (46 tuổi). Từ 2 bàn tay trắng, năm 2004, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông quyết tâm làm giàu trên chính mảnh ruộng của gia đình. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông quyết định chọn khởi nghiệp từ 200 con vịt. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ông đã thất bại. Nhưng không nhụt chí, ông vẫn quyết vay tiền đầu tư vào chăn nuôi. Ngoài vịt, ông nuôi thêm các con vật khác như: lợn, ba ba, thỏ…

Từ năm 2009 đến nay, trang trại chăn nuôi của gia đình đã ngày một phát triển, hiện có 60 lợn sinh sản, 750 lợn thịt, 3.000 vịt đẻ và 7.000 con thỏ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Phát triển trạng trại, gia đình ông Pháp đã tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 17 lao động thời vụ. “Là hộ nuôi thỏ đầu tiên, đến nay tôi đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho hơn 30 hộ dân trong xã cùng nuôi thỏ và giúp cho 5 hộ nghèo thoát nghèo”, ông Pháp vui vẻ cho biết.

Tại xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng của gia đình ông Nguyễn Gia Sự (54 tuổi), thôn 3 cũng đem lại hiệu quả kinh tế không kém. Với diện tích khoảng 1ha, từ năm 2005 đến nay, gia đình ông đầu tư nuôi gà, ba ba thương phẩm và thủy sản. Riêng năm 2011, đàn gà thương phẩm của gia đình ông đạt 35.000 con, ba ba 1.200 con... tổng thu đạt hơn 3,1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,5 tỷ đồng. Ngoài làm giàu cho bản thân, ông còn tạo công ăn việc làm cho 24 lao động thường xuyên, 8 lao động thời vụ, giúp đỡ 5 hộ nghèo thoát nghèo. 

NTM đang là khát vọng của hàng triệu nông dân (Ảnh minh họa)

Bà Phan Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Bì, cho hay, với 31 tổ chức Cơ sở hội sinh hoạt ở 319 Chi hội thu hút trên 37.000 hội viên (chiếm trên 80% số hộ nông nghiệp toàn huyện), thực hiện phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, những năm qua, các cấp Hội đã vận động hội viên tích cực dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với khả năng từng hộ, thích ứng với từng vùng. Toàn huyện đã xây dựng được 248 mô hình kinh tế có hiệu quả như: mô hình chăn nuôi bò sữa, trồng cây ăn quả, nuôi gà thả vườn… Trong 3 năm (2009-2011), huyện Ba Vì có trên 32.600/59.700 lượt hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Tháo gỡ khó khăn, nhân rộng mô hình

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng hành trình làm giàu của nông dân vẫn gặp không ít khó khăn. Nông dân Ngô Văn Tháp cho hay, khó khăn nhất đối với các hộ mới bắt tay vào sản xuất đó là vốn. Bản thân gia đình ông lúc mới khởi nghiệp vốn liếng cũng chỉ là 2 bàn tay trắng, tích lũy dần mà lên.

Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ của TP Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, đơn cử như với chương trình bình ổn giá của TP, doanh nghiệp thì được hỗ trợ, còn người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm thì lại không được hỗ trợ gì. Bên cạnh vốn, ông Tháp còn mong muốn được trợ giúp về pháp lý để thuận lợi trong thực hiện các hợp đồng kinh tế, được tập huấn KHKT…

Còn ông Nguyễn Gia Sự xã Thuần Mỹ lại gặp khó khăn trong “lo” đầu ra cho sản phẩm. Hiện ba ba, gà, cá tại trang trại mỗi năm xuất chuồng hàng nghìn con vẫn do gia đình tự tìm mối tiêu thụ. Chính vì vậy, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, giá cá bấp bênh, không ổn định. “Đề nghị các cấp quan tâm khâu nối giúp người sản xuất với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất”, ông Sự mong mỏi.

Ông Hà Xuân Hưng, Bí thư Huyện ủy Ba Vì thừa nhận, hàng năm, huyện Ba Vì đều dành ngân sách 8-10tỷ đồng cho các chương trình đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất như: gieo sạ, cơ giới hóa, đầu tư cho các vùng sản xuất theo quy hoạch… Tuy nhiên, là huyện có đông đồng bào dân tộc, nhiều xã miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn thì nguồn ngân sách này là quá nhỏ bé. Do đó, những hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ nông dân chủ yếu mới dừng lại ở chuyển giao KHKT, phòng dịch. Các hỗ trợ khác như giống, vốn… đến từng hộ huyện chưa làm được.

Tại buổi kiểm tra thực tế mô hình Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Ba Vì mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng: Đầu tư cho nông dân chính là đầu tư cho phát triển xã hội. Nông dân có làm giàu trên chính mảnh đất của họ thì mới giảm áp lực lao động “đổ” về TP. Ngược lại, nông dân phát triển sản xuất cũng sẽ cung cấp cho TP nguồn nông sản dồi dào.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.