| Hotline: 0983.970.780

Nông dân không mặn mà với 'xí nghiệp ngoài trời' vì rủi ro lớn, hiệu quả thấp

Thứ Ba 02/10/2018 , 06:01 (GMT+7)

Vụ đông năm nay, Thanh Hóa phấn đấu đạt 50.000ha cây trồng và đạt tổng giá trị sản xuất 2.800 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, không khí sản xuất vụ đông chưa như kỳ vọng, có phần ảm đạm và đứng trước nhiều khó khăn.

Không còn cái tâm thế nhà nhà bước vào vụ đông với không khí hối hả. Thay vào đó, diện tích cây trồng vụ đông tại một số địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đang có xu hướng giảm, tiến độ chậm. Phải chăng nhà nông đã không còn mặn mà với vụ đông?

08-51-55_nhieu_nong_dn_xu_thnh_khong_con_mn_m_voi_vu_dong
Nhiều nông dân xứ Thanh không còn mặn mà với vụ đông

Thôn 1, xã Công Liêm (Nông Cống) những ngày cuối tháng 9. Lúa đã khô khén trong bồ gần nửa tháng nay nhưng gốc rạ vẫn còn nguyên, lác đác vài hộ mang cuốc thuổng ra đồng. Những hộ có lao động đã ngoại tứ tuần cố bám lấy đồng ruộng chỉ vì tiếc đất.

Dù chỉ có 2 lao động đã cao tuổi nhưng ngoài 2 sào đất 2 lúa, đất vườn, vụ đông 2018, vợ chồng bà Lê Thị Thọ, thôn 1 vẫn mượn thêm 1 sào (500 m2) để trồng bầu hồ lô. Theo lý giải của bà Thọ, sở dĩ vợ chồng bà mượn thêm đất là bởi tham công tiếc việc chứ thực ra, làm cây màu vụ đông cũng chẳng đem lại nguồn thu đáng kể nào.

“Vợ chồng tôi già cả rồi, có đi làm công nhân cũng chẳng ai nhận. Thấy người dân bỏ ruộng vụ đông nhiều quá, lại đang có trâu bò cày kéo, tham công tiếc việc tôi mượn thêm sào đất, lấy công làm lãi. Nếu tất tần tật đều thuê máy thì tốt nhất đừng làm. Có làm ra nhiều, đầu ra cũng èo uột, tính toán chi ly thì ngày công rẻ mạt lắm!”, bà Thọ rầu rĩ.

Còn theo ông Lê Văn Quy, một chủ hộ đang trồng ớt tại thôn 1 thì dù sao làm rau màu vụ đông cũng còn hơn làm lúa. Tuy nhiên, người dân ở đây từ vài năm nay quen với việc làm 1 - 2 vụ lúa/năm, đảm bảo lương thực. Còn khi đến vụ đông, dân làng bỏ đi làm thuê, làm mướn hết.

“Vùng này có đến 2 - 3 nhà máy may, lao động hút vào đấy hết, chí ít cũng kiếm được 4 - 5 triệu đồng/tháng, bằng làm cả 1 sào ớt ròng rã 4 tháng trời. Đàn ông, thanh niên thì đi làm ăn xa, vụ đông bỏ bẵng, bê trễ. Sở dĩ tôi còn làm 4 - 5 sào vụ đông là vì vợ chồng buôn bán lặt vặt, đất 2 lúa chuyển sang 2 vụ ớt, xem giữa là vụ ngô, tính ra thì còn hơn làm lúa”, ông Quy chia sẻ.

Theo thống kê của UBND xã Công Liêm, ngoài thực tế cơ cấu lao động chuyển dịch sang làm các ngành nghề khác thì việc giá lợn, trâu bò xuống dốc thời gian qua ảnh hưởng lớn đến hứng thú sản xuất vụ đông của người dân.

08-51-55_khong_khi_buoc_vo_vu_dong_ti_cong_liem_m_dm
Không khí bước vào vụ đông tại Công Liêm ảm đạm

“Làm vụ đông, ngoài việc tăng thu nhập trực tiếp từ các sản phẩm thì còn để lấy thức ăn cho gia súc gia cầm. Thế nhưng, đàn trâu bò từ vài năm nay giảm từ hơn 1.000 con xuống còn 700 con; lợn từ 1.700 con xuống còn hơn 600 con; gia cầm cũng giảm. Tuy giá sản phẩm chăn nuôi đã nhích lên trong thời gian gần đây nhưng nông dân cũng không buồn tái đàn vì sợ rủi ro.

 Vì thế, nhiều hộ đã chuyển sang làm những công việc khác có thu nhập cao và ổn định hơn. Hơn nữa, vài năm lại đây, ngoài chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh thì huyện, xã không có hỗ trợ nào đáng kể cũng là một phần nguyên nhân khiến vụ đông không còn hồ hởi như trước”, ông Hoàng Văn Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Công Liêm phân trần.

Theo lãnh đạo xã Công Liêm, những năm gần đây, diện tích trồng cây vụ đông liên tục giảm. Thời điểm cao nhất, Công Liêm có đến 260ha cây trồng vụ đông, nay chỉ còn vài trăm ha nhưng cũng không đạt chỉ tiêu. Vụ đông 2017, chỉ tiêu là 210ha nhưng chỉ đạt 198ha. Vụ đông 2018, trên giao chỉ tiêu thực hiện là 216ha, thời vụ triển khai từ 5/9 - 30/10 nhưng đến thời điểm này mới chỉ làm được trên dưới 20%.

Ông Mạnh Xuân Hồng, Giám đốc HTXNN Công Liêm cho biết thêm: “Làm nông nghiệp, đặc biệt là vụ đông chẳng khác gì xí nghiệp ngoài trời, rủi ro lớn nhưng hiệu quả lại không cao. Tiến độ đến nay chỉ mới được khoảng 20%, những hộ làm thì đã làm rồi. Số còn lại thì chẳng mặn mà gì. Chúng tôi cũng chỉ đạo quyết liệt nhưng năm nay ảm đạm quá, không biết có nổi 80% kế hoạch không? Sợ nhất là diện tích ớt đã liên kết với doanh nghiệp. Nếu nông dân không làm đủ diện tích thì chúng tôi cũng dở khóc, dở cười”.

Chúng tôi đến Thăng Long, xã được coi là có truyền thống làm vụ đông tốt nhất từ trước đến nay của huyện Nông Cống. Không khí vụ đông ở đây cũng không kém phần ảm đạm. Ông Đỗ Huy Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Long cho biết, diện tích cây màu vụ đông ở địa phương đang giảm rõ qua từng năm. Trước 2016, diện tích cây vụ đông ở địa phương luôn dẫn đầu huyện ở mức trên 360ha. Năm 2017 được giao chỉ tiêu 220ha nhưng chỉ thực hiện được 195ha. Năm nay, huyện giao chỉ tiêu 309ha nhưng đến thời điểm này cũng mới chỉ chuẩn bị trồng ớt cay, các cây màu khác chưa động tĩnh gì.

08-51-55_thm_gi_vu_dong_chu_yeu_l_lo_dong_phu
Tham gia vụ đông chủ yếu là lao động phụ

“Chúng tôi chỉ đạo quyết liệt để đạt chỉ tiêu huyện giao nhưng nói thật, nhiều yếu tố khách quan khiến người dân không mấy mặn mà với vụ đông. Trong khi đầu vào đắt đỏ, đầu ra không ổn định nên nông dân sao nhãng với đồng ruộng quá! Dù cố gắng nhưng cũng sợ không vượt quá 80% kế hoạch đề ra”, ông Thu cho biết.

Cán bộ ở những xã có truyền thống làm vụ đông lâu nay ở Nông Cống như Công Liêm, Thăng Long… đều lắc đầu ngán ngẩm về việc khó thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vụ đông huyện giao. Thế nhưng, trong báo cáo kết quả sản xuất vụ đông 2017 của UBND huyện Nông Cống vẫn thể hiện hoàn thành kế hoạch 100,2% kế hoạch (2.204/2.200ha); tổng giá trị 137 tỷ đồng (?).

Một cán bộ lâu năm trong ngành nông nghiệp huyện Nông Cống cho biết, có những thời điểm diện tích vụ đông toàn huyện đạt 3.000 - 4.000ha nhưng, hiện nay giảm đáng kể. Vụ đông 2018, trước những khó khăn huyện vẫn đặt ra chỉ tiêu kế hoạch là 2.700ha.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm