| Hotline: 0983.970.780

Nông dân lên tiếng chuyện máy GĐLH "hồn Trung Hoa, da nội địa!"

Thứ Ba 21/09/2010 , 10:36 (GMT+7)

>> Phản hồi vụ ''Máy gặt đập liên hợp: Hồn Trung Hoa, da nội địa!''
>> Máy gặt đập liên hợp: ''Hồn Trung Hoa, da nội địa''!

Ông Nguyễn Nhật Oai, ở ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang): Không quá tinh vi, tại sao kỹ sư VN không làm được?

Tôi có 5 ha chuyên sản xuất lúa giống, mỗi khi đến vụ thường đau đầu tìm nhân công cắt lúa. Chính vì lẽ đó, năm 2008 tôi bỏ tiền ra gần 300 triệu đồng mua chiếc máy GĐLH của Trung Quốc về chạy cho ruộng nhà. Ở vụ đầu máy chạy ngon lắm, đến vụ thứ hai mỗi khi ra đồng là cứ hư liên tục. Chưa kể máy đi làm dịch vụ bị sự cố phải nghe chủ ruộng mắng. Bỏ ra một lượng tiền lớn mà máy hỏng hóc hoài khó có thể thu hồi vốn.

 Có lúc máy Trung Quốc đi vào ruộng lún chạy không nổi phải nằm đồng 3-5 ngày. Lúc đó tôi không có tiền nên chọn mua máy Trung Quốc, bây giờ có kinh nghiệm và có vốn nên đã bán máy Trung Quốc chuyển sang mua máy Nhật. Tuy giá máy Nhật cao gấp 1,5 lần so với máy Trung Quốc nhưng sử dụng an tâm tuyệt đối. Còn máy Việt Nam sản xuất nhiều thiết bị và phụ tùng chưa hoàn hảo nên nông dân ít chọn. Tôi nghĩ việc chế tạo máy GĐLH cũng không phải là quá tinh vi mà VN mình không làm được. Tại sao các kỹ sư VN mình lại không làm mà để cho máy nước ngoài tràn ngập, đến lúc sửa chữa lại khó khăn do không có phụ tùng.

Ông Trần Văn Đức, ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp): "Tiền nào của ấy"

Tôi là người Việt mong được xài hàng Việt Nam. Nếu máy móc cơ khí của Việt Nam phát triển chắc chắn sẽ thắng máy ngoại do thị trường nông thôn, nông nghiệp của ta rất lớn. Tôi thấy VN mình có rất nhiều người giỏi, người tài mà báo chí vừa qua từng ca ngợi như GS Ngô Bảo Châu, sao chiếc máy GĐLH lại không ai quan tâm để chế tạo cho ngon lành mà cứ để cho các Hai Lúa cứ mày mò.

Nói về máy GĐLH của Trung Quốc thì tính năng còn kém lắm, chưa phù hợp với đồng ruộng ĐBSCL. Máy to lớn, cồng kềnh đi vào nền đất yếu thường gặp sự cố. Bây giờ người ta lại chuyển sang chuộng máy của Nhật hơn, tuy giá trên 500 triệu đồng/máy nhưng bền, dễ thu hồi vốn. Mua máy Trung Quốc giá có mềm hơn so với máy Nhật nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng hồi hộp. Máy móc của Trung Quốc vào Việt Nam rầm rộ nhất ở các năm 2002 đến 2009, nhưng qua thời gian người tiêu dùng đã khẳng định “tiền nào của nấy”.

Tôi cũng nghe nói nhà khoa học của VN mình không thiếu nhưng lương thấp quá nên không sống nổi phải đi làm việc khác. Tại sao nhà nước không phụ thêm tiền cho các ổng để các ổng xuống cùng bọn tui nghiên cứu, chế tạo thì thế nào cũng thắng.

Anh Lê Thanh Long, ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên (An Giang): Phụ thuộc vào nước ngoài rất khổ

Tôi đang canh tác 82 ha đất lúa, đứng nhất nhì huyện. Đến ngày mùa tìm thuê công lao động không có. Gần đây có máy GĐLH, nhưng cũng phải cắt lúa nửa tháng trời mới xong. Đầu năm 2010 tôi đã chọn mua một cái máy GĐLH của Nhật sản xuất bán tại Long Xuyên. Còn nói đến máy GĐLH của Việt Nam hầu như chỉ sản xuất được cái vỏ, phụ kiện còn lại là của Trung Quốc đem về tân trang lại.

Mong sao những cơ sở sản xuất máy GĐLH trong nước được đầu tư đúng tầm để có thể phát triển và tồn tại được. Mong các kỹ sư tốt nghiệp các trường kỹ nghệ như Bách khoa Hà Nội, Bách Khoa Đà Nẵng, Bách khoa TPHCM xáp vô giúp nông dân cải tiến và chế tạo cho ngon lành, chứ còn phụ thuộc vào nước ngoài rất khổ vì tui biết giá mua phụ tùng của nước ngoài rất đắt đỏ lại phải chờ đợi trong lúc thời vụ thu hoạch lại rất ngắn.

Ông Cao Văn Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN Kênh 9 Hòn Đất (Kiên Giang): Chả lẽ nước mình thiếu người SX máy nông nghiệp

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kênh 9, xã Bình Giang, Hòn Đất, Kiên Giang hoạt động đa ngành nghề, trong đó có dịch vụ máy GĐLH. Hiện nay chúng tôi đang có 2 máy GĐLH để chuyên làm dịch vụ và đều là máy Trung Quốc. Khi chúng tôi mua máy, thị trường máy loại này do Việt Nam tự chế tạo còn rất ít. Hiện nay, do nhu cầu mở rộng sản xuất, chúng tôi đang cần đầu tư thêm ít nhất 2 máy nữa, nhưng còn đang đắn đo chưa biết chọn loại nào. Nếu so về chất lượng giữa máy Việt Nam và Trung Quốc thì chất lượng tương đương. Chính vì vậy, mới có chuyện một số nơi mua máy Trung Quốc về dán nhãn mác của Việt Nam để bán.

Tôi cũng từng nghe nhà nước đầu tư cho công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn sao mấy máy nông nghiệp cứ phải nhập của nước ngoài, chả lẽ VN mình thiếu người chế ra mấy cái máy đó?

Ông Đỗ Anh Tuấn, nông dân ấp Kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp (Kiên Giang): Máy nằm đồng một ngày là thiệt hại rất lớn

Là nông dân đã từng sử dụng nhiều máy nông nghiệp, tôi thấy Việt Nam mình còn rất hạn chế về phụ tùng thay thế. Máy GĐLH do các cơ sở trong nước sản xuất, chất lượng đã được nâng lên rất nhiều. Hiện nay, mình chỉ còn lệ thuộc phần động cơ nổ, bộ phận chuyển động, còn lại đều là “made in Việt Nam” 100%. Nếu tính trên tổng thể máy thì phần nội địa hóa đã đạt 60-70%. Tuy nhiên, do là chế thủ công nên khi gặp hư hỏng rất khó mua được phụ tùng thay thế. Ngay cả cơ sở sản xuất máy cũng không có nguồn sẵn để cung cấp.

Do gieo sạ tập trung nên lịch thời vụ ngày càng rút ngắn lại, máy chỉ cần nằm đồng một ngày là thiệt hại rất lớn nên người dân còn ngán ngại máy Việt Nam. Đây vẫn là trở ngại lớn nhất mà các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ ở khu vực ĐBSCL đang gặp phải. Tôi được biết, hiện một số cơ sở đang có kế hoạch chuẩn bị đầu tư để sản xuất hàng theo hướng công nghiệp, chất lượng và mẫu mã đồng đều. Hy vọng, một vài năm nữa chúng ta sẽ khắc phục được nhược điểm này, nông dân sẽ tiếp cận được với nguồn máy rẻ hơn và có chất lượng hơn. 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm