| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 04/09/2014 , 08:57 (GMT+7)

08:57 - 04/09/2014

Nông dân lớn, doanh nghiệp lớn

Cách đây nhiều năm, một số doanh nhân đã cảnh báo: “Nước ta có rất nhiều người làm ruộng, nhưng chúng ta hoàn toàn không có nghề làm ruộng”. 

Nói như vậy, là vì theo những doanh nhân trên, khi làm ruộng đã trở thành nghề, thì thu nhập của người làm nghề nông cũng phải tương đương với thu nhập của những người làm bất kỳ một nghề nào khác.

Lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực. Theo công bố của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp - Nông thôn hồi tháng 10/2013, thu nhập của người trồng lúa ở ĐBSCL chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng.

Trong khi một anh thợ xây có tay nghề bậc II đã có thể có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Là một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng dường như càng xuất nhiều thì hiệu quả kinh tế và thu nhập của người trồng lúa càng giảm. Vì sao như vậy?

Vì chúng ta thiếu 2 thứ. Đó là nông dân lớn và doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn không phải là những doanh nghiệp xuất nhiều gạo với giá rẻ như cho, để rồi sau đó quay lại bóc lột nông dân, mà là những doanh nghiệp biết nâng cao giá trị của hạt gạo, dù vào những thị trường khó tính nhất, giá cao, nhưng vẫn “Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”. Còn nông dân lớn?

Những “cánh đồng mẫu lớn” năm bảy chục, một trăm ha không giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Tuy có nâng cao thu nhập cho những hộ dân tham gia một vài chục phần trăm, nhưng đó vẫn chưa phải là một vùng chuyên canh lớn.

Tổng sản lượng lương thực làm ra trên những cánh đồng như vậy không đáng bao nhiêu, và năng suất còn bấp bênh, bởi đó vẫn là kiểu làm ruộng truyền thống với kỹ thuật canh tác lạc hậu. Chúng hoàn toàn không tạo ra được những “hộ nông dân lớn” theo đúng nghĩa.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với một tập đoàn của Hàn Quốc để thực hiện một dự án: Dùng 10.000 ha đất lúa của tỉnh, san bằng, cấy cùng một loại lúa để tạo ra một vùng chuyên canh lớn.

Theo dự án này, toàn bộ bờ thửa giữa các thửa ruộng sẽ phá bỏ, chỉ còn để bờ bao (bờ đê) phía ngoài (thửa đất của mỗi hộ sẽ được cắm mốc âm bằng đá, hoàn toàn không bị lẫn).

Diện tích dư ra đó sẽ dùng để xây dựng hệ thống thủy lợi và làm đường nội đồng đủ lớn để vận chuyển vật tư và vận chuyển lúa từ đồng về khi thu hoạch bằng cơ giới. Các thửa ruộng sẽ được san bằng bởi máy san bằng tia laser. Giá trị của mỗi máy san là 600 triệu đồng.

Giá san 1 ha đất là 8 triệu đồng (ngành Nông nghiệp đang đề xuất hỗ trợ 50% cho nông dân). Dự án trên được thực hiện bởi vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Nếu dự án được thực hiện, thì đây sẽ là một vùng chuyên canh lớn, một “hộ nông dân lớn” đầu tiên trên cả nước. Và đó thực sự là một tín hiệu đáng mừng.

Hy vọng rằng đầu sẽ xuôi, và đuôi sẽ lọt.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm