| Hotline: 0983.970.780

Nông dân luôn... nghèo nhất

Thứ Năm 25/11/2010 , 10:16 (GMT+7)

Trong mỗi chu kỳ kinh doanh, mức lợi nhuận của thương lái và DN luôn lớn hơn nhiều so với lợi nhuận của nông dân.

Tại hội thảo đánh giá hợp tác nghiên cứu an ninh lương thực và chuỗi giá trị lúa gạo vào giữa tháng 10/2010 vừa qua, TS Võ Thị Thanh Lộc, trưởng nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) – Trường ĐH Cần Thơ đã phân tích chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL.

>> Chuỗi giá trị lúa gạo

Theo đó, chuỗi giá trị bắt đầu từ nguồn cung đầu vào (giống lúa, phân, thuốc) → nông dân, tổ hợp tác, câu lạc bộ → thu gom (thương lái) → nhà máy xay xát → nhà máy lau bóng → công ty (DN) → XK hoặc theo kênh bán vào siêu thị, bán sỉ/lẻ tiêu dùng nội địa.

Nhà nông lợi nhất?

Theo nhóm nghiên cứu MDI, tổng giá thành SX lúa của nông dân trong năm vừa qua (2009) là 3.650đ/kg (giá lúa qui ra gạo x 1,28 là 4.672đ/kg). Tính đầy đủ các khoản chi phí tính trên 1kg lúa: giống, phân, thuốc 1.548đ (chiếm 42,4%), lao động nhà 752đ (20,6%), lao động thuê 350đ (9,6%), khấu hao và dụng cụ 102đ (2,8%), chi phí lưu thông (mua đầu vào) 60đ (1,6%), chi phí “cò lúa”, ăn uống, xuống giống 120đ (3,3%), chi phí thủy lợi 90đ (2,5%), trả lãi vay đầu vào 102đ (2,8%), trả lãi vay ngân hàng 526đ (14,4%).

Từ đó tính kinh tế chuỗi giá trị gia tăng gạo theo kênh thị trường (đã qui ra giá gạo cho toàn bộ tác nhân tham gia), với thị trường gạo nội địa, lấy giá bán trừ tổng chi phí (chi phí đầu vào, chi phí tăng thêm) thì giá trị gia tăng thuần của nông dân thu được là 540đ/kg (chiếm 27%), thương lái 39đ/kg (2%), nhà máy xay xát 123đ/kg (6,3%), nhà máy lau bóng 50đ/kg (2,6%), DN (28,7%), buôn bán sỉ/lẻ 632đ/kg (32,6%).

Tuy nhiên nếu tính chuỗi giá trị gạo XK, giá trị gia tăng thuần của nông dân vẫn ở mức 340đ/kg (chiếm 36,5%), các tác nhân thương lái 280đ/kg (18,9%), nhà máy xay xát 186 đ/kg (12,3%), nhà máy lau bóng 50đ/kg (3,4%) và còn lại DN XK gạo là 422 đ/kg, chiếm 28,9%.

Trong 2 đối tượng nông dân và DN được xem là chiếm tỉ lệ giá trị gia tăng cao nhất nhì trong chuỗi, kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai đều có những mặt thuận lợi lẫn khó khăn. Nông dân làm lúa có lợi thế lớn nhất là kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác; điều kiện thủy lợi nội đồng, lựa chọn đầu vào dễ dàng, được vay vốn, cơ giới hóa, tiêu thụ dễ dàng qua thương lái và quản lý SX theo nông hộ. Nhưng cái khó của nông dân là đầu ra không ổn định.

Thương lái không mua đúng giá sàn do Nhà nước qui định. Dịch bệnh trong SX, chi phí đầu vào cao, không kiểm soát được chất lượng đầu vào, thiếu vốn SX, thiếu công nghệ, thiếu kho dự trữ, sân phơi… Còn đối với DN có kinh nghiệm kinh doanh, chủ động nguồn đầu vào, hậu cần tương đối tốt, được hỗ trợ của Chính phủ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); được ưu đãi vốn vay. Song DN không thể quản lý giá sàn đối với thương lái, luôn đối mặt với giá cả không ổn định, thiếu vốn, chất lượng gạo lẫn giống, bị cạnh tranh cao và thường bị động trong XK.

Trong một nghiên cứu khảo sát khác từ thực tế mua bán lúa gạo trong năm 2009, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ nêu cụ thể  trong chuỗi giá trị lúa gạo, từ sản xuất cho tới khi cặp mạn tàu, tính trên giá trị mỗi kg lúa, nông dân đạt lợi nhuận cao nhất tới 1.000 đồng, thương lái lãi 100 đồng, nhà máy xay xát lãi 50 đồng, nhà máy lau bóng lãi 100 đồng, DN cung ứng gạo thành phẩm (nếu không vay ngân hàng) lãi 100 đồng.

Nhưng nghèo nhất

Một thành viên trong nhóm nghiên cứu lý MDI cho biết: Nhìn trên dãy số trong chuỗi giá trị gạo XK cho thấy nông dân chiếm giá trị thuần cao nhất. Tuy nhiên số lượng lúa của mỗi hộ nông dân không nhiều, một vụ lúa kéo dài hơn 3 tháng. Trong khi DNXK tuy chiếm tỉ lệ giá trị gia tăng đứng thứ 2 trong chuỗi giá trị, nhưng DN kinh doanh tập trung số lượng gạo hàng hóa lớn, vòng xoay vốn kinh doanh ngắn, lợi nhuận chung thu được nhiều hơn.

Theo TS Võ Hùng Dũng, chu kỳ sản xuất của nông dân kéo dài tới 3 tháng, nông dân lại bị giới hạn bởi diện tích, năng suất, nên khoản lợi nhuận từ hạt lúa đem chia cho cả chu kỳ sản xuất là không nhiều, vì thế nông dân vẫn là người nghèo nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo. Trong khi đó, sản phẩm lúa gạo từ khi được đưa vào lưu thông (bán tại ruộng) cho tới khi cặp mạn tàu, hết 45 ngày.

GS.TS Peter Timmer, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Hội nhập toàn cầu Hoa Kỳ:

Người hưởng lợi nhất trong cuộc Cách mạng xanh trên thế giới 40 năm qua là người tiêu dùng chứ không phải người trồng lúa. Nông dân quy mô nhỏ không được hưởng lợi nhiều khi giá lúa gạo tăng cao. Nông dân không thể làm giàu được nhờ trồng lúa.

Tính ra chu kỳ kinh doanh của thương lái và DN cung ứng gạo thành phẩm, ngắn hơn nhiều so với chu kỳ sản xuất của nông dân, lượng lúa gạo mà họ mua bán lớn hơn rất nhiều so với sản lượng lúa gạo mỗi hộ nông dân làm ra. Do đó, trong mỗi chu kỳ kinh doanh, mức lợi nhuận của những thành phần này lớn hơn nhiều so với lợi nhuận của nông dân.

Sau cùng, TS Võ Hùng Dũng nhận định: Nông dân trồng lúa là những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Nguyên nhân: nông dân là người xa nhất với người tiêu dùng cuối cùng; Khó nắm bắt thông tin và sự thay đổi thị trường; Trình độ học vấn thấp, đông con; Thói quen sản xuất theo kinh nghiệm; Thiếu vốn, tài sản, khó tiếp cận được tín dụng; Chịu tác động mạnh nhất của yếu tố đầu vào; SX nông nghiệp lệ thuộc thời tiết, mưa bão; Thiếu hệ thống bảo hiểm rủi ro; Giao thông đi lại khó khăn; Chi phí giao dịch cao; Hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn yếu kém; Thiếu kênh cung cấp thông tin.

Có một điểm chung qua nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế đồng thuận rằng: Điểm yếu của ngành hàng lúa gạo nước ta chủ yếu là do SX nhỏ, manh mún, không có kế hoạch chung, bán qua nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi ngành hàng. Mặt khác, chất lượng lúa còn thấp không ổn định, thiếu lượng gạo đặc sản trong phân khúc thị trường. Bên cạnh đó giá VTNN cao, không ổn định và chưa kiểm soát được chất lượng. Thị trường có quá nhiều giống lúa; thủy lợi, giao thông nội đồng chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng tới điều tiết nước và cơ giới hóa nông nghiệp. Chính sách tiêu thụ còn nghiêng về ưu tiên cho DN quốc doanh; chưa quản lý chặc chẽ giá XK giữa DNNN và tư nhân.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất