| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 09/06/2010 , 08:48 (GMT+7)

08:48 - 09/06/2010

Nông dân miền Bắc chưa có “nghề làm ruộng”

Nói nông dân miền Bắc, là vì người viết bài này chưa có điều kiện khảo sát vấn đề đó ở các tỉnh phía Nam. Hiện tại, rõ ràng là làm ruộng đang mang lại cho người nông dân mức thu nhập rất thấp, thậm chí nói như nhiều nông dân là “chỉ hơn người ăn đong là mua được ít thóc giá rẻ, sau khi trừ đi mọi chi phí”...

Ảnh minh họa
Nói nông dân miền Bắc, là vì người viết bài này chưa có điều kiện khảo sát vấn đề đó ở các tỉnh phía Nam. Xét về mặt kinh tế, thì làm ruộng chỉ được coi là một nghề khi nó mang lại cho người làm ruộng mức thu nhập tương đương với các nghề khác, như nghề xây, nghề hàn hay nghề may… Nhưng hiện tại, rõ ràng là làm ruộng đang mang lại cho người nông dân mức thu nhập rất thấp, thậm chí nói như nhiều nông dân là “chỉ hơn người ăn đong là mua được ít thóc giá rẻ, sau khi trừ đi mọi chi phí”.

Sở dĩ có tình trạng trên, là do nông dân miền Bắc, từ miền xuôi tới miền ngược, hiện vẫn chỉ làm ruộng theo cách truyền thống, đời nọ sang đời kia, cha mẹ truyền cho con, con truyền cho cháu…Có khác chăng là nhiều giống lúa cũ được thay bằng giống lúa mới, một vài khâu như làm đất, tuốt lúa, bơm nước được máy móc làm thay. Nhưng giống lúa mới lại có nhiều sâu bệnh mới, phải sử dụng thuốc BVTV rất nhiều, khiến đất đai bị nhiễm độc (thời trước, hầu như không phải dùng đến thuốc BVTV, sử sách có nói đến việc mùa màng bị “hoàng trùng”- tức là sâu bệnh hay châu chấu phá hoại, nhưng hiếm lắm, hàng trăm năm mới xẩy ra một vài lần). Còn máy móc chỉ đỡ đần cho người làm ruộng một chút sức lực, mặt khác nó lại làm tăng chi phí. Nghĩa là, vẫn nói một cách rất…nông dân, là “nhàn chân tay thì nhàn miệng”.

Làm ruộng chỉ trở thành một nghề khi người làm ruộng có đủ 3 điều.

Một là phải có sự hiểu biết đầy đủ, tường tận về ruộng đất mà mình đang sử dụng, cũng như có sự hiểu biết đầy đủ, tường tận, có kỹ thuật canh tác, kỹ thuật thâm canh cao về những giống lúa, giống cây mình trồng, quy luật phát sinh của sâu bệnh cũng như rành rẽ về thời tiết, sẵn sàng tiếp cận, làm chủ những tiến bộ KHKT mới nhất trong nông nghiệp để ứng dụng trong sản xuất.

Thứ hai, là phải có đầy đủ thông tin về thị trường không chỉ trong nước mà còn cả ở ngoài nước, ví như trường hợp một nông dân nuôi cá rô đồng, ở một xã sâu xa nhất của huyện Hải Hậu (Nam Định) nhưng ông nắm rất rõ mọi biến động về giá cả loại cá này từng ngày, từng giờ ở các thành phố, thị xã trên cả nước. Lượng thông tin này giúp ông đưa sản phẩm của mình đến những nơi cần đưa nhất, và vì thế ông luôn thu được lợi nhuận cao nhất.

Và thứ ba, là phải có tính chuyên nghiệp cao, phải có tư duy của người sản xuất hàng hoá.

Muốn có được ba điều kiện đó, thì người nông dân phải là người có học, phải được đào tạo một cách bài bản.

Chúng ta đang ra sức phấn đấu để “CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn”, nhưng chúng ta lại chưa chú ý đào tạo người nông dân, chủ thể của CNH- HĐH. Hàng trăm làng quê bây giờ đang bị “rỗng”, bởi thanh niên, thanh nữ và trung niên, lớp người có sức lao động và có thể tiếp thu được những điều kiện trên, đã bỏ đi tứ xứ làm thuê hết, ở làng chỉ còn toàn người già và trẻ em, vừa không có văn hoá vừa mù tịt thông tin, họ làm ruộng được chăng hay chớ, thậm chí chẳng thiết tha gì với thửa ruộng và chủ yếu trông vào tiền của những người đi làm ăn xa mang về trang trải cho cuộc sống.

Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại thì phải có một lớp nông dân hiện đại. Nhưng với tình trạng nông thôn hiện nay, thì để làm ruộng trở thành một nghề, xem ra còn là một con đường rất xa.

Bình luận mới nhất