| Hotline: 0983.970.780

Nông dân miền Tây sau 35 năm thống nhất đất nước

Thứ Ba 11/05/2010 , 15:15 (GMT+7)

Sau gần 35 năm hòa bình, thống nhất đất nước, sản lượng lúa miền Tây Nam Bộ tăng 4,15 lần trong khi lợi tức nông dân (ND) tăng từ 5 đến 7 lần. Nhưng đại bộ phận ND không có tích lũy, cho nên đến khi thu hoạch là phải lo bán ngay sản phẩm...

Năm 1975 cả ĐBSCL mới canh tác 2,039 triệu ha lúa, trong đó lúa cao sản mới chiếm 26,9%, tổng sản lượng lúa đạt 5,141 triệu tấn. Lợi tức bình quân đầu người ở nông thôn ước tính biến động từ 100 đến 200 USD mỗi năm. Năm 2009 diện tích canh tác lúa tăng lên 2,340 triệu ha trong đó 83,17% là lúa cao sản, đạt sản lượng 21,2 triệu tấn. Lợi tức đầu người tăng lên 500 đến 1.400 USD mỗi năm.

>> Quan trọng nhất là quản lý thị trường nhưng bị bỏ qua
>> Nâng cao giá trị lúa gạo VN: Bài toán chưa ai giải
>> Không nhất thiết chạy theo sản lượng
>> Điểm sản xuất lúa tối ưu nằm đâu?

Từ số liệu trên, sau gần 35 năm hòa bình, thống nhất đất nước, sản lượng lúa miền Tây Nam Bộ tăng 4,15 lần trong khi lợi tức nông dân (ND) tăng từ 5 đến 7 lần. Nhưng đại bộ phận ND không có tích lũy, cho nên đến khi thu hoạch là phải lo bán ngay sản phẩm để thanh toán nợ nần. Nhiều bà con ND có thể là đã thoát nghèo nhưng chưa giàu như những người thu mua nguyên liệu mà mình đã sản xuất ra. Đến bao giờ người ND mới có “của dư của để” không phải cầm cố giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất để vay mượn vốn sản xuất như hiện nay? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, mà Nghị quyết 26/NQ/TW (Khóa X) đã được ban hành nhằm mục đích đó.

Nhưng thực hiện NQ26 không phải là chuyện đơn giản. Chúng ta phải nắm được các nguyên nhân vì sao nông nghiệp của ta phát triển đáng tự hào như thế sau 35 năm đất nước hòa bình mà ND lại chưa giàu, nông thôn vẫn chưa khang trang đều khắp. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chúng ta có thể gom lại thành 2 nhóm nguyên nhân: khách quan và chủ quan đối với người ND.

KHÁCH QUAN 

Đầu ra tiêu thụ sản phẩm bấp bênh

Trong sản xuất, ND chúng ta khi chuẩn bị sản xuất, không biết ai sẽ mua và mua bao nhiêu? Tuy nhà nước có QĐ80 (doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng với từng ND bao tiêu sản phẩm) nhưng có mấy ai giữ đúng hợp đồng? Mạnh ai nấy bán, nấy mua. Chẳng những các công ty và doanh nghiệp tư nhân (DNTN), mà ngay cả những công ty lớn của nhà nước cũng mua nguyên liệu nông sản qua thương lái là chính chứ đâu mua trực tiếp của ND? Họ biết là nhà nước bảo trồng lúa giống này, không được trồng giống kia… nhưng nhà nước không mua. Do đó ND phải tự quyết định phải nuôi, trồng cây con giống gì, kỹ thuật như thế nào để dễ có cơ hội bán, tránh bị rủi ro nhất. Do đó mạnh ai nấy sản xuất, muôn màu muôn vẻ, mặc cho nhà nước khuyến cáo.

Đến lúc thu hoạch, thương lái đến tận ruộng, vườn, ao cá, vuông tôm mua sản phẩm của ND để sơ chế rồi bán lại cho doanh nghiệp, chất lượng không đồng đều, nguồn gốc không bảo đảm, làm thế nào để DN chế biến thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, giá trị cao? Nhất là mặt hàng lúa gạo, trên cùng một cánh đồng có nhiều giống lúa, thương lái mua về rồi trộn chung lại, sơ chế rồi bán cho DN, chứ có mấy thương lái dám đầu tư nhà kho riêng biệt cho từng giống lúa? Vì vậy đến nay Việt Nam vẫn chưa có gạo thương hiệu mạnh như Thái Lan.

Nhớ lại vào các năm 1995-96 khi Công ty American Rice Inc. (ARI) liên doanh với Vinafood tại Trà Nóc, Cần Thơ, họ công bố với ND Cần Thơ là ai trồng giống lúa IR64 thì đăng ký, nhân viên kỹ thuật của ARI xuống tận đồng ruộng xác nhận, đến lúc thu hoạch ARI đặt nhiều điểm thu mua lúa IR64 gần các vùng sản xuất để ND mang lúa ra bán, rồi sà lan của ARI chở lúa về phơi sấy đúng ẩm độ chuẩn, và xay ra, đóng bao với nhãn hiệu gạo ARI từ Việt Nam. Tôi nhớ lúc đó một vị lãnh đạo của Cần Thơ phát biểu “cùng một loại gạo IR64 mà DN mình chỉ bán được dưới 230 đô-la mà gạo công ty Mỹ bán trên 350 đô-la!”. Rất đúng, với nhãn hiệu ARI trên bao, công ty gạo Mỹ bán được giá như vậy với chính giống IR64 như mình, mà mình thì không xuất được vì trong bao gạo không những có IR64 mà còn có nhiều loại gạo khác trộn vào do kiểu DN làm ăn qua thương lái. Vì cách làm ăn như vậy, gạo Việt Nam do DN Việt Nam bán luôn luôn bị mua giá thấp hơn gạo nước khác.

Qui hoạch vùng sản xuất chưa hợp lý, duy ý chí, trong khi nông dân tự phát phá vỡ qui hoạch.

Chúng ta thấy tỉnh nào cũng có qui hoạch nông nghiệp, huyện nào cũng có như vậy, xuất phát từ những mong muốn tốt đẹp của những nghị quyết của đảng bộ. Một số qui hoạch này lại phụ thuộc vào qui hoạch của cấp trên hơn. Tôi từng tham gia nhiều buổi thông qua đề án qui hoạch nông nghiệp một số địa phương, thấy rõ rằng nhiều cán bộ qui hoạch không có “gan” trình bày rõ căn cứ khoa học đưa đến kết quả vùng nào thích hợp nhất cho cây lúa 2 vụ, lúa 3 vụ, nuôi cá, nuôi tôm, v.v. Họ phải nghe theo chỉ đạo của cơ quan chủ đầu tư, muốn bao nhiêu diện tích lúa thì vẽ theo bấy nhiêu. Điển hình gần đây nhất là việc qui hoạch vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau, cho xây dựng công trình tốn kém 18.200 tỉ đồng để trồng lúa 2 vụ, trong khi với sinh thái ngọt mặn này nông dân trồng 1 vụ lúa (mùa mưa) chuyển sang nuôi 1 vụ tôm (mùa nắng) thì sẽ lời gấp 4-5 lần 2 vụ lúa, vừa giữ được môi trường bền vững. Trong mùa nắng 2010, sự tranh chấp giữa tôm và lúa đã bộc lộ sự khuyết điểm của qui hoạch này.

CHỦ QUAN

Chưa triệt để tuân theo qui trình kỹ thuật khuyến cáo

Một lý do làm giảm lời là vì giá thành quá cao. Rất nhiều ND miền Tây tự hào là “lão nông tri điền” cho nên đã “chế” thêm những cách làm ngoài khuyến cáo của nhà khoa học. Thí dụ: sạ lúa quá dầy và bón quá nhiều phân đạm, tạo điều kiện cho sâu bệnh xâm nhập nhiều, phải lo phun thuốc nông dược quá nhiều. Kết quả là tốn tiền và tốn công nhiều trong khi năng suất giảm, tính ra làm được 1 kilô lúa phải tốn nhiều tiền hơn người theo đúng qui trình kỹ thuật. Trong năm 2009, một ND huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) làm 2 vụ lúa đạt 14,5 tấn/ha, chỉ tốn chi phí sản xuất 2.200 đồng/kg lúa trong khi một ND khác làm sai qui trình quá cao, trồng 3 vụ lúa chỉ đạt 12 tấn/ha, mà chi phí lên đến trên 3.400 đồng/kg lúa.

Nghi ngờ các hình thức hợp tác hóa, chỉ thích làm ăn riêng lẻ

Làm ăn riêng lẻ đã trở thành tập quán mới của bà con ND, nhất là khi phong trào hợp tác hóa trước năm 1981 bị bãi bỏ chuyển sang Khoán 100 và Khoán 10. Trong thời mở cửa giao thương quốc tế, nông nghiệp nước ta phải cạnh tranh với các nước khác, cho nên nước ta phải sản xuất hàng hóa có chất lượng cao an toàn vệ sinh, có khối lượng lớn mà phải cung cấp đúng theo thời điểm hợp đồng, và giá thành thấp. Dĩ nhiên không một ND cá thể nào ở nước ta có thể sản xuất được như thế. Bà con phải họp nhau lại mới sản xuất như vậy được. Thời buổi này làm ăn riêng lẻ thì phải chịu thua thiệt suốt đời.

Tự phát phá vỡ qui hoạch nông nghiệp vùng mình canh tác

Qui hoạch nông nghiệp có tính cách pháp lệnh của nhà nước, nhưng trong thực tế nhà nước không có chế tài gì đối với những ai phá vỡ qui hoạch. Do vậy chúng ta thường nghe và thấy ND ta “trồng rồi chặt” từ năm này sang năm khác, không những gây thiệt hại cho gia đình mình mà còn làm thiệt hại cho xã hội chung quanh, và cho cả các DN. Trường hợp mới nhất năm nay là những người trồng lúa trong vùng ngọt hóa Bán Đảo Cà Mau đã trồng xong vụ thứ 2, thì sang mùa khô đáng lẽ phải nghỉ trồng để cho những ND vùng kế cận lấy nước mặn vào nuôi tôm, thì ND lúa lại tự phát sạ lúa trồng thêm vụ thứ 3. Chính quyền can ngăn, họ không nghe. Đến khi lúa sắp trổ họ đòi giữ ngọt để lúa phát triển trong khi cả hệ thống đều thiếu nước ngọt. Và vì giữ ngọt để mong cứu 23.000 ha lúa nên 7.000 ha tôm phải bị thiệt hại nặng. Chính quyền địa phương bó tay. Dĩ nhiên vùng sinh thái này đáng lẽ không nên qui hoạch làm lúa 2 vụ như đã trình bày bên trên, để tránh trường hợp tranh chấp nước giữa con tôm và cây lúa.

Một thí dụ khác cũng rất thời sự về vấn đề phá vỡ qui hoạch vùng nông nghiệp. Nhà nước đã qui hoạch nhưng ND vẫn phá qui hoạch để chạy theo lợi nhuận, điển hình là cây mía và những cây ngoài qui hoạch mía ở Tây Ninh. Nhà nước trung ương kêu gọi nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, thì rất may có Công ty Bourbon của Pháp vào đầu tư 100% vốn xây dựng Nhà Máy Đường Bourbon hiện đại nhất Á châu, với tin tưởng vào diện tích mía được qui hoạch. Nhưng khi giá khoai mì tăng cao đột biến, giá mãng cầu cũng tăng, nông dân trong vùng qui hoạch mía đã tự động bỏ mía để trồng khoai mì và mãng cầu, thậm chí họ còn trồng cả cao su. Trong 10 năm nay từ diện tích trồng mía trên 16.000 ha đã giảm dưới 12.000 ha mà phần lớn là diện tích đất thấp dùng để trồng lúa. Chính quyền địa phương đành bó tay, đành để cho mía và lúa cùng sống chung trên cùng cách đồng, quản lý nước rất tốn kém, nhưng vẫn ảnh hưởng xấu đến cây mía. Tội nghiệp nhà đầu tư Pháp nói rằng Nhà nước kêu gọi vào đầu tư nhưng nguyên liệu nhà máy ngày càng thiếu như thế này mà nhà nước lại chậm can thiệp thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

***

Nắm được hai nhóm nguyên nhân cơ bản trên đây, chúng ta mới có thể thiết kế một chương trình liên hoàn sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng bắt đầu từ cụm DN có thị trường đầu ra. Địa phương sẽ qui hoạch vùng sản xuất ra nguyên liệu mà DN cần để chế biến. Kế đó là xác định cây giống, con giống và qui trình VietGAP kèm theo, đến tổ chức ND lại theo hình thức hợp tác hóa thích hợp, gắn liền tổ chức ND với cụm DN này, có nhà máy bảo quản và chế biến thành phẩm từ nguyên liệu do tổ chức ND sản xuất ra, đăng ký thương hiệu của thành phẩm, và đưa ra thị trường tiêu thụ trong nước hoặc ngoài nước. Làm được như vậy chúng ta sẽ khắc phục được hầu hết các nguyên nhân đã làm cho ND ta bấy lâu nay tuy sản xuất nhiều nhưng vẫn chưa giàu.

Tuy nhiên một vấn đề đang được đặt ra trong bối cảnh toàn cầu đang bị nhiều tác hại của sự biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong nông nghiệp các nhà khoa học về khí hậu đã xác định trồng lúa đang làm ô nhiễm không khí ở mức độ khá cao vì lượng rơm rạ phân hủy trong đất ruộng thải ra khí mêtan, và lượng phân đạm bón cho lúa bị bốc hơi qua nước ruộng và đất ruộng thải ra khí ôxít nitơ. Vì thế mà hiện nay một số nhà kinh tế đã đặt vấn đề “Việt Nam chỉ nên sản xuất lúa vừa đủ mà thôi để tránh gây BĐKH” và “Việt Nam không nhất thiết phải bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới”.

Qua những hoạt động khoa học tại 5 quốc gia tôi thấy rằng các nước châu Phi có thể tự nuôi họ nếu ND của họ được sử dụng kỹ thuật trồng lúa của ĐBSCL. Nhưng tại Việt Nam, nếu muốn ND trồng lúa bớt diện tích lúa lại như ND ở Nhật Bản, Mỹ, và Úc đang thực hiện thì rất khó, vì họ sẽ không biết phải làm gì ngoài trồng lúa! Chỉ có thể thực hiện được khi nhà nước và các DN tìm đầu ra cho những sản phẩm khác mà ND có thể sản xuất, thí dụ như các loại trái cây nhiệt đới độc đáo của nước ta.

Biết được thế, thực hiện sẽ còn cần nhiều sáng kiến và nghệ thuật của các nhà lãnh đạo các địa phương mới có thể biến Nghị quyết 26/NQ/TW thành hiện thực.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm