| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Quảng Trị nâng cao tay nghề

Thứ Tư 14/11/2012 , 11:14 (GMT+7)

2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa là thủ phủ cao su và hồ tiêu của huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nhờ được học nghề cạo mủ cao su, chăm sóc hồ tiêu nên nông dân có tay nghề cao, tăng thu nhập.

2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa là thủ phủ cao su và hồ tiêu của huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nhờ được học nghề cạo mủ cao su, chăm sóc hồ tiêu nên nông dân có tay nghề cao, tăng thu nhập.

Nâng cao kỹ thuật

Anh Lê Văn Thao, một nông dân ở thôn Quật Xá, xã Cam Nghĩa, cho biết trước đây rất lơ mơ về kỹ thuật trồng và khai thác mủ cao su, làm lụng hết năng lực nhưng kết quả không như mong đợi. Vườn cao su của hàng xóm hơn 5 tuổi có thể khai thác mủ, còn của nhà anh đến 7 tuổi mới khai thác được, khu nào đã khai thác thì cây cho mủ không nhiều. Đi tìm nguyên nhân thì biết do lâu nay làm không đúng bài bản, kỹ thuật. Vì vậy, anh Thao quyết tâm đi tìm thày học nghề trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su.

Lớp học kéo dài 2 tháng, mọi chi phí được huyện lo toàn bộ, học viên là các nông dân đến học được các thầy giáo là các kỹ sư nông nghiệp dạy cho từ lý thuyết đến thực hành. Đi dưới vườn cao su đang mùa khai thác mủ, anh Thao nói rằng nhờ được tham gia lớp học ở Trung tâm Dạy nghề tổng hợp của huyện Cam Lộ nên bây giờ anh rất vững tay nghề cạo mủ.

Hiện anh Thao là chủ sở hữu của vườn cao su 7 ha đang cho khai thác mủ. Anh còn mở lớp dạy kỹ thuật cho những người trong gia đình và cùng nhau khai thác mủ cho vườn cây của mình. So sánh với khi chưa được học nghề, anh Thao cho biết nhờ được học, cạo mủ đúng quy trình nên cùng thời gian hứng bát như trước đây nhưng cây cho mủ nhiều hơn. Mỗi ngày anh thu về từ việc bán mủ cao su gần 10 triệu đồng.


Nhờ được học nghề, nông dân Cam Lộ đã làm chủ kỹ thuật cạo mủ cao su

Với hồ tiêu, huyện Cam Lộ có hơn 300 ha, tập trung chủ yếu các xã Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa. Những năm trước, hồ tiêu vùng này luôn bị bệnh, năng suất thấp, dưới 1 tấn/ha. Không ngừng nâng cao giá trị hồ tiêu, huyện Cam Lộ bắt tay với Cty Thương mại Quảng Trị thực hiện đề án thí điểm phục hồi và trồng mới cây hồ tiêu giai đoạn 2011 - 2015 tại 3 xã trên.

Bà Trần Thị Cúc ở thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính khoe vừa được học nghề trồng và chăm sóc cây hồ tiêu. Cụ thể vườn của bà được đầu tư trồng mới khá đồng bộ bằng việc thay đổi cây giống và áp dụng TBKT mới trong việc trồng tiêu bằng trụ bê tông. Khi tham gia vào học nghề bà con được hỗ trợ về kinh phí, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu.

Cty Thương mại Quảng Trị đã đầu tư bình quân 500 triệu đồng/năm/xã, tổ chức hội thảo đầu bờ, chuyển giao TBKT, cải tạo giống, mua các loại chế phẩm sinh học, thuốc BVTV cũng như nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao trình độ trồng tiêu cho người dân Cam Lộ.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Ông Lê Minh Tâm, GĐ Trung tâm Dạy nghề tổng hợp huyện Cam Lộ cho biết một con số khá thuyết phục. Sau 2 năm tập trung đào tạo, đã có hơn 2.250 nông dân được học nghề trồng chăm sóc, cạo mủ cao su và chăm sóc hồ tiêu. Theo ông Tâm, trước đây hầu hết nông dân chưa được đào tạo kỹ thuật và rèn luyện tay nghề cạo mủ, trong khi nhiều vườn cao su chuẩn bị đưa vào khai thác.

"Đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn với việc làm tại chỗ ở địa phương như nghề cạo mủ cao su, chăm sóc hồ tiêu thì tỷ lệ có việc làm sau học nghề mới cao. Cha ông có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nghề gì cũng là nghề, miễn sao làm một nghề thật giỏi thì nông dân sẽ có được cuộc sống dễ chịu hơn", ông Trần Anh Tuấn.

Hiệu quả kinh tế của vườn cây phụ thuộc rất nhiều trình độ kỹ thuật cạo mủ của người lao động. Do đó việc tổ chức tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho nông dân trồng cao su, hồ tiêu là yêu cầu cấp thiết; đồng thời cũng là công tác đảm bảo về lâu dài cho sự phát triển diện tích cao su, hồ tiêu trên địa bàn.

Hiện tại, tổng diện tích cao su của huyện Cam Lộ là 3.600 ha và hồ tiêu đạt 300 ha, có thể tăng lên nữa trong thời gian tới. Riêng cao su đã có một nửa diện tích được đưa vào khai thác mủ.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, Trưởng BCĐ đề án 1956 của huyện cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã mở được 52 lớp học với hàng ngàn học viên được đào tạo nghề, nhiều nhất là nghề cạo mủ cao su, chăm sóc hồ tiêu...

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.