| Hotline: 0983.970.780

Nông dân rủ nhau đi biển

Thứ Sáu 17/08/2012 , 08:53 (GMT+7)

Thanh niên nhiều vùng nông thôn ở Bình Định đã lũ lượt kéo nhau “đầu quân” làm việc trên các tàu cá kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

Là dân thuần nông, nhưng diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao quyền sử dụng lâu dài quá ít, không đủ tạo kế mưu sinh cho cả gia đình. Trong khi đó, nhu cầu lao động trên biển đang sốt, thanh niên nhiều vùng nông thôn ở Bình Định lũ lượt kéo nhau “đầu quân” làm việc trên các tàu cá kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

>> Yên tâm bám biển
>> Biển và làng nghề
>> Ngư dân miền Tây vươn khơi bảo vệ chủ quyền
>> Sức trẻ trên biển cả
>> Đội tàu “khủng” của một ngư dân
>> Phải hiện đại tàu cá
>> Đóng tàu lớn vươn khơi
>> Tiếp sức ngư dân
>> Giữ ngư trường cho con cháu
>> Ngư dân không đơn độc
>> Ngư dân không nao núng

Rời cày đi biển

Tuy Cát Minh được gọi là xã miền biển của huyện Phù Cát (Bình Định), thế nhưng trong 7 thôn, chỉ có dân cư ở 2 thôn Đức Phổ 1 và Đức Phổ 2 mới có tàu đi biển và làm nghề muối, cư dân của 5 thôn còn lại theo nghề nông. Gọi là dân thuần nông nhưng diện tích đất nông nghiệp họ được sở hữu rất ít, nên chẳng thể bảo đảm được cuộc sống gia đình.

 “Cát Minh có gần 17.000 dân, nhưng chỉ có 550 ha đất nông nghiệp. Năm 1997, thực hiện giao quyền sử dụng đất nông nghiệp lâu dài cho dân, toàn bộ đất SXNN trên địa bàn đều quy đổi thành ruộng hạng 3, và mỗi nhân khẩu được giao chỉ có 405m2. Từ đó đến nay, những gia đình có con cái lập gia đình mới, phát sinh thêm nhân khẩu nhưng vẫn không được chia thêm, bởi đất ruộng đâu có “đẻ” thêm được. Do đó, ngoài những hộ tham gia nghề biển đều có cuộc sống khấm khá, những hộ thuần nông hầu hết đều có cuộc sống chật vật”, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cát Minh, cho biết.

Cũng theo ông Sơn, mặc dù chỉ có 2 thôn làm nghề biển nhưng lực lượng tàu cá của xã Cát Minh khá hùng hậu, gần 270 chiếc. Trước đây, tàu cá ở Cát Minh hầu hết là tàu có công suất nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ, thế nhưng trong mấy năm gần đây, với mong muốn có thu nhập cao nên hầu hết các chủ tàu đồng loạt đầu tư nâng cao công suất để có điều kiện tham gia ngư trường xa. Hiện nay, chiếc tàu nhỏ nhất ở Cát Minh là 60CV, chiếc lớn nhất 120 CV.

Nghề đánh bắt chủ yếu của ngư dân Cát Minh là câu mực tại các ngư trường trên vùng biển Đông. Mỗi chiếc tàu cần ít nhất 6 thuyền viên, như vậy lực lượng lao động trên tàu cá ở Cát Minh cần thường xuyên hơn 1.600 người. Đây là cơ hội để nông dân trong độ tuổi lao động ở các vùng thuần nông trong xã tham gia nghề biển kiếm thêm thu nhập.


Ngư dân làm mực ngay trong đêm để ngày mai phơi nắng ngay trên tàu

Ông Lê Đình Khánh, Chủ nhiệm HTXNN Cát Minh cho biết thêm: “Ban đầu, chỉ dăm ba thanh niên ở các vùng đất thuần nông có bạn bè ở 2 thôn nằm sát đầm Đề Gi chuyên nghề đi biển rủ rê tham gia đi bạn cho một số tàu cá. Lúc ấy, họ tham gia nghề biển chủ yếu chỉ vì muốn tìm “cảm giác mạnh” của cuộc mưu sinh trên muôn trùng sóng nước. Thế nhưng sau chuyến biển đầu tiên, khoản tiền họ được chia nhiều ngoài sức tưởng tượng đã hấp dẫn họ thật sự. Thu nhập trong 1 con trăng (1 tháng) bằng thu nhập cả năm làm ruộng. Thế là họ đánh tiếng, rủ thêm người trong họ hàng, rồi đến người trong làng tham gia đi biển ngày càng đông dần".

Với giá lúa 5.000đ/kg như hiện nay, làm ruộng chỉ có từ lỗ ít đến lỗ nặng. May mà nhờ có lao động tham gia nghề biển, mấy năm nay cuộc sống của những hộ thuần nông ở các thôn Gia Lạc, Gia Thạnh, Trung Chánh, Trung An, Xuân An được ổn định hơn.

1 tháng làm, 1 năm ăn

Theo thống kê của ngành chức năng xã Cát Minh, địa phương này có tổng dân số gần 1.700 nhân khẩu thì chiếm 1/3 trong đó là trong lứa tuổi lao động (từ 18-45 tuổi), phần đông là người dân ở những thôn làm nông nghiệp. Hiện nay, hầu hết trong con số nói trên đã tham gia nghề biển.

Khi chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Khanh (48 tuổi) ở thôn Gia Lạc, 1 nông dân chính hiệu giờ đang trở thành lao động chuyên nghiệp trên biển thì chỉ vợ và các con ông ở nhà. Bà Ái (vợ ông Khanh) vui vẻ tiếp chuyện: “Sắp tới mùa mưa bão rồi nên chiếc tàu ông chồng tui đi bạn luôn tranh thủ thời gian ra khơi. Sau chuyến biển, tàu cập bờ bán mực xong là sắm tổn ra khơi ngay nên ít khi ổng được về thăm nhà. Ổng đi biển càng dày mẹ con tui ở nhà càng vui, bởi mọi chi phí trong nhà từ chuyện cơm mắm, chi phí con cái ăn học đến ơn nghĩa hàng xóm đều trông mong vào khoản thu từ mỗi chuyến biển của ổng. Cả gia đình 6 nhân khẩu mà chỉ có 3 sào ruộng thì có làm tối mặt tối mũi cũng không đủ ăn. Nhờ mấy năm nay ổng đi biển, gia đình tui mới được thong thả. Ổng đi biển thì ruộng nương ở nhà tui làm. Làm ruộng kiếm gạo, tiền ổng đi biển mang về để dành phòng mùa mưa bão không đi được thì lấy ra chi phí cho gia đình”.

Rồi bà Ái tính toán, làm ruộng bây giờ, năng suất đạt cao nhất cũng chỉ 300kg lúa/sào, với giá bán hiện nay là 5.000đ/kg lúa thì bán mặt cho đất bán lưng cho trời suốt ròng rã 4 tháng, mỗi sào lúa chỉ thu được 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, những khoản đầu tư thì rất nhiều.

“Mỗi sào ruộng phải đầu tư 6kg giống, hết 90.000đ. Trong quá trình canh tác phải bón đủ loại phân: 8kg phân urê hết 80.000đ; 500kg phân chuồng hết 150.000đ; 8kg phân kali hết 120.000đ nữa; công làm đất hết 80.000đ/sào; công sạ lúa 360.000đ/sào; nộp phí nạo vét kênh mương nội đồng 20.000đ/sào; đầu tư thuốc BVTV gồm bơm thuốc cỏ hết 14.000đ/sào và các loại sâu bệnh khác hết 20.000đ/sào và công thuê bơm thuốc BVTV 4 lần/vụ hết 45.000đ nữa. Cuối vụ, công thu hoạch mất thêm 360.000đ/sào (3 công). Tính rạch ròi thì huề vốn. Nếu gặp thời tiết bất thuận, vừa sạ giống xuống bị mưa lũ làm trôi giống, hoặc sâu bệnh phát sinh nhiều thì nông dân tụi tui lỗ nặng”, bà Ái vừa bấm ngón tay vừa tính toán chi li.

“Hiện những nông dân trong độ tuổi lao động ở địa phương đều tham gia nghề biển nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của các tàu đánh bắt, các chủ tàu phải đi kiếm thêm người đi bạn ở những xã lân cận”, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cát Minh.

Trong khi đó, thu nhập của những lao động tham gia nghề biển rất cao. Chủ tịch UBND xã Cát Minh Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Hiện nay, những người tham gia đi bạn cho các tàu cá trước mỗi chuyến biển được các chủ tàu ứng trước 3 triệu đồng cho vợ con ở nhà tiêu pha. Sau mỗi chuyến biển, tiền lời tiếp tục chia. Với tình hình đánh bắt hiệu quả như hiện nay thì mỗi thuyền viên ít nhất được chia 10 triệu đồng/tháng/người. Tháng nào trúng mánh được chia 12 triệu đồng/tháng/người. Thu nhập 1 tháng làm biển đủ cho cả gia đình ăn cả năm. Do đó, hiện những lao động địa phương dù cao tuổi nhưng còn sức khỏe đều tham gia đi biển".

"Thú thiệt, nhờ biển mà cuộc sống của dân thuần nông ở địa phương ai nấy đều có cuộc sống ổn định. Thậm chí những hộ làm diêm nghiệp hiện cũng đang tham gia nghề biển vì thu nhập từ muối lúc này quá bấp bênh”, ông Sơn nói thêm.

Ông Sơn còn cho biết thêm, những nông dân ở xã Cát Minh đi theo tàu làm nghề lưới vây rút chì của các chủ tàu ở xã Mỹ An (Phù Mỹ) còn có thu nhập cao hơn. Bởi ngoài được ăn đồng chia đều sau mỗi chuyến biển, với tay nghề câu mực có sẵn, họ tranh thủ ban đêm thả rường (lưỡi câu mực chuyên dụng), số mực câu được mỗi đêm là thu nhập riêng của mỗi người. Với giá bán 150.000đ/kg mực đã phơi 1-2 nắng hiện nay, sau 1 tháng trên biển, khi cập bờ mỗi lao động còn kiếm thêm vài triệu đồng nữa.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.