| Hotline: 0983.970.780

Nông dân thay đổi nhận thức về GAP

Thứ Hai 10/06/2013 , 11:15 (GMT+7)

Đó là nhận định của các đại biểu về dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành Trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng”,...

Đó là nhận định của các đại biểu về dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành Trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng” tại cuộc hội thảo chuyên đề cây trồng an toàn được tổ chức tuần qua tại Hà Nội.

Từ không biết gì đến biết tất cả

Dự án “Nâng cao năng lực quản lý ngành Trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng” do Cục Trồng trọt chủ trì, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) được triển khai thực hiện từ tháng 7/2010.

Mục tiêu của dự án là hướng đến các mô hình SX theo tiêu chuẩn GAP. GAP cơ bản được xây dựng dựa trên VietGAP, đáp ứng 26 điểm kiểm soát chính (trên tổng số 65 điểm kiểm soát của VietGAP), đảm bảo 2 tiêu chí cơ bản về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Hồ sơ GAP cơ bản gồm 2 loại sổ ghi chép: Nhật ký đồng ruộng với 3 biểu mẫu đơn giản, dễ hiểu để nông dân theo dõi, ghi chép hoạt động SX trên đồng ruộng; mua vật tư nông nghiệp và thu hoạch, bán sản phẩm. Nhật ký quản lý SX gồm 5 biểu mẫu: Quản lý điều kiện SX, quản lý hoạt động SX trên địa bàn, quản lý việc mua VTNN, quản lý việc cung cấp VTNN, quản lý hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền. Đối tượng ghi chép, theo dõi, tổng hợp số liệu và lưu giữ hồ sơ SX là cán bộ kỹ thuật, khuyến nông viên, chủ nhiệm HTX hoặc trưởng nhóm nông dân.


SX rau VietGAP an toàn thực phẩm cho cả nông dân và người tiêu dùng

Dự án gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần SX sản phẩm cây trồng an toàn được thực hiện với mục tiêu dài hạn là cải thiện năng lực hệ thống quản lý ngành trồng trọt thuộc lĩnh vực SX sản phẩm cây trồng an toàn và nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung; đặc biệt của nông dân và cán bộ hoạt động trong 100% nông dân đã thay đổi nhận thức về GAP.

Dự án được triển khai theo mô hình xây dựng các HTX: HTX Hà Tân và Hồng Hải, tỉnh Quảng Ninh; HTX Yên Phú, tỉnh Hưng Yên và HTX Hạ Vỹ, tỉnh Hà Nam với tổng số 114 hộ nông dân thí điểm và 5 cán bộ kỹ thuật chuyên trách.

Các HTX đều được xác định điều kiện SX, chất lượng đất trồng, nước tưới, nước sinh hoạt, môi trường... và được chứng nhận đủ điều kiện SX cây trồng an toàn. Nông dân được hỗ trợ và hướng dẫn về SX cây trồng an toàn: kỹ thuật làm phân hữu cơ, kỹ thuật SX một số loại rau chính, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, thu hoạch, sơ chế sản phẩm đúng cách… để SX được sản phẩm an toàn mà vẫn đảm bảo được năng suất cây trồng và tiết kiệm chi phí đầu vào.

Thực hiện GAP cơ bản, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lưu giữ hồ sơ, kiểm tra nội bộ; mua VTNN, bán sản phẩm, lập kế hoạch và tổ chức SX, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, xây dựng thương hiệu... là những kiến thức mới mà nông dân thí điểm được đào tạo thông qua các hoạt động của dự án. Kiểm tra, giám sát chất lượng đầu vào của SX thông qua việc quản lý việc mua, cung cấp/bán phân bón, thuốc BVTV, giống cho nông dân.

Sau 3 năm thực hiện dự án, nông dân vùng dự án đã cơ bản hiểu được GAP là gì, 98% nông dân thí điểm thường xuyên thực hiện ghi nhật ký đồng ruộng, lưu giữ hồ sơ SX theo biểu mẫu GAP cơ bản. 100% nông dân thí điểm mua và sử dụng phân bón, thuốc BVTV theo hướng dẫn. 7 HTX của 6 tỉnh đã được hỗ trợ phân tích mẫu đất, nước trên tổng diên tích trồng rau của HTX và được xác nhận đủ điều kiện SX cây trồng an toàn.

GAP cơ bản được triển khai tại mô hình thí điểm của 4 HTX tại tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Quảng Ninh.

Hướng đi đúng đắn

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng phần lớn các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá các mô hình của dự án đang cực kỳ thành công.

Lâu nay, một trong những hạn chế của việc thực hiện xây dựng các mô hình SX cây trồng an toàn là việc các văn bản pháp luật hướng dân chưa phù hợp. Đối với GAP cơ bản, các loại quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến SX cây trồng đảm bảo ATVSTP đã được ban hành khá đầy đủ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay: Những báo cáo tham luận tại hội thảo lần này sẽ là những chia sẻ kinh nghiệm vô cùng quý báu trong quá trình thực hiện SX cây trồng an toàn.

Đại đa số nông dân có bề dày kinh nghiệm trong SX cây trồng, có khả năng tiếp thu kỹ thuật mới. GAP cơ bản đơn giản, dễ hiểu phù hợp với trình độ SX nhỏ, lẻ. Áp dụng GAP cơ bản có thể SX được sản phẩm cây trồng an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm mà vẫn đạt được hiệu quả kinh tế cao do quản lý được chất lượng VTNN và tiết kiệm được đầu vào của SX.

Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đã giúp người SX thấy được mối nguy trong hoạt động SX hàng ngày, từ đó thay đổi nhận thức, từ bỏ hành vi, thói quen xấu trong SX, có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gìn giữ môi trường.

Thay đổi rõ rệt như ở xã Quỳnh Hải (tỉnh Thái Bình), một nơi đã nổi tiếng về trồng rau nhưng vẫn mang tính nhỏ lẻ và tự phát, không có sự kiểm soát về qui trình SX và chất lượng sản phẩm. Sau khi dự án triển khai, 610 hộ dân được cấp phát sổ nhật ký đồng ruộng, được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo. Đến nay, Quỳnh Hải là vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP rất an toàn.

Trong khuôn khổ Hội thảo, NNVN đã có cuộc trò chuyện ngắn với chuyên gia dự án, ông Numata, người Nhật Bản.

Ông đã từng tới những nước nào để nghiên cứu và làm dự án về cây trồng an toàn?

Tôi đã từng tới Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và giờ là Việt Nam. GAP là xu hướng toàn cầu, VietGAP được áp dụng theo tiêu chí của GAP Châu Á. Ở các nước Đông Nam Á thì có một số đặc điểm giống nhau nhưng tất nhiên, mỗi nước nằm ở một mức độ khác nhau về vấn đề cây trồng an toàn

Ở Nhật Bản, các cơ quan quản lý có phương thức gì để phổ biến GAP đến người tiêu dùng?

Chính phủ Nhật Bản có nhiều cách phổ biến GAP khác nhau. Chúng tôi dựa vào những đặc điểm của từng vùng, từng địa phương, mỗi vùng như vậy thì lại có một tiêu chuẩn GAP khác nhau.

Nông dân và người tiêu dùng từng vùng hiểu được những đặc tính về thổ nhưỡng, trồng trọt của vùng đó, qua đó, họ hiểu rõ những gì là đúng, phù hợp với họ. Như vậy, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được với người SX và người tiêu dùng hơn.

Sau thảm họa sóng thần ở Nhật Bản, thì thực phẩm, trong đó có cây trồng luôn bị hồ nghi nhiễm phóng xạ. Ông có thể nói qua, Nhật Bản đã làm thế nào để khiến người tiêu dùng tin vào rau, các loại hoa quả là những thực phẩm an toàn trong thời gian qua?

Chúng tôi cung cấp tất cả các thông tin, số liệu về các loại thực phẩm được đưa vào SX hay đưa ra thị trường. Có thể nói, ở Nhật Bản thì thông tin về thực phẩm là quan trọng nhất, người tiêu dùng có thể nhìn vào đó và lựa chọn, mọi thông tin đầy đủ và minh bạch là cách tạo niềm tin ở người tiêu dùng.

Trên thực tế, VN đang gặp khó khăn khi rau quả được đưa ra thị trường, người tiêu dùng không tin tưởng về mức độ an toàn của thực phẩm. Chắc ông cũng hiểu vấn đề này khi làm việc ở VN?

Tôi nghĩ, chúng ta phải tìm hiểu lý do tại sao người tiêu dùng không có niềm tin, từ đó, chúng ta mới giải quyết được thách thức này. Ý kiến của riêng tôi, thì chúng ta đang cung cấp thiếu thông tin cho người tiêu dùng.

Ví dụ như tôi và bạn nói chuyện “mặt đối mặt” thế này, chúng ta có hết mọi thông tin, mọi thắc mắc đều được giải quyết nhưng nếu không trực tiếp đối thoại thì chúng ta phải chủ động cung cấp thông tin khoa học, thiết thực và đầy đủ hơn cho người tiêu dùng.

“Đối thoại trực tiếp” có phải là cách thức hữu hiệu nhất tại Nhật Bản?

Không phải hữu hiệu nhất nhưng là một cách thức tốt vì nó giúp chúng tôi gần gũi, trực tiếp giải quyết mọi vấn đề. Cách khác mà chúng tôi đang làm rất tốt, đó là tuyên truyền để cung cấp thông tin, tôi vẫn nghĩ, đó là cách chúng ta cần làm.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Nguyễn

 

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất