| Hotline: 0983.970.780

Nông dân với ngày độc lập

Thứ Bảy 29/08/2015 , 09:12 (GMT+7)

Nông dân là giai tầng thiết tha nhất với ngày Độc lập. Vì sao vậy? Bởi nông dân đã hy sinh con cháu mình, hy sinh bản thân mình, hy sinh nhà cửa ruộng vườn của mình để giành độc lập về cho đất nước.

Dĩ nhiên không chỉ mình nông dân có những hy sinh đó. Nhưng xin hãy nhìn lại, sau 40 năm, xin hãy nhìn tầng tầng lớp lớp những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước ta, những người lính nằm ở đó nhiều nhất là nông dân, là con em nông dân.

Nhưng độc lập phải đi kèm với tự do và hạnh phúc thì độc lập mới có ý nghĩa. Bác Hồ đã từng nói đại ý như vậy.

Ngay trong ngày Lễ Độc lập 2/9/1945, danh xưng của Việt Nam Tổ quốc ta đã được khẳng định: “Việt Nam dân chủ cộng hòa/Độc lập tự do hạnh phúc”. Chỉ 12 chữ mà gói tròn cả lý tưởng và mục tiêu phấn đấu của cả một dân tộc, một đất nước.

70 năm qua, chúng ta đã giành được độc lập, dĩ nhiên còn phải rất vất vả để giữ vững nền độc lập, giữ vững sự toàn vẹn của lãnh thổ, lãnh hải, nhưng đã ai tính được hết sự đóng góp vĩ đại của người nông dân chân lấm tay bùn trong công cuộc giành nền độc lập này?

Bản thân người nông dân cũng không thể tính hết những đóng góp của mình, vì có những phần tính được, cũng có những phần không tính cụ thể rành mạch được.

Nhưng đóng góp không phải để tính công, người nông dân biết vậy. Chỉ có điều, những đóng góp ấy Nhà nước phải biết cụ thể, chính quyền phải biết cụ thể. Để có cái nhìn thực sự thương yêu, thực sự trân trọng, và phải có những giải pháp thực sự vì nông dân.

Cứ qua kỳ thi PTTH và đại học mới rồi thì thấy, Bộ GD- ĐT thực ra đã có cái nhìn chưa đầy đủ trách nhiệm với hoàn cảnh những người nông dân có con cháu thi đại học. Nhất là với những nông dân ở vùng sâu vùng xa.

Với một phần mềm “cập nhật” rất chập cheng, cập nhật mãi… 2  ngày sau, trong khi thông tin cần được đưa tới người tiếp nhận phải qua từng giờ, hàng vạn hàng vạn gia đình nông dân đã bật khóc vì không biết xoay xở ra sao do thiếu thông tin vào đại học của con em mình.

Kết quả là nhiều thí sinh và gia đình đã nghẹn ngào uất ức vì con mình “nhỡ tàu” ở ngay nguyện vọng 1.

Bộ GD- ĐT đối xử với người nông dân và con em họ như vậy đã đúng chưa? Có độc lập rồi nhưng chưa thể có hạnh phúc chính từ những sự đối xử như vậy.

Nếu ai cũng chỉ vì quyền lợi của cá nhân mình, vì quyền lợi của “nhóm mình” mà hành xử, thì phần chịu thiệt thòi nhất tất yếu thuộc về người nông dân.

Không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, mà ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân cũng luôn chịu thiệt thòi. Có khi phần thiệt thòi ấy chỉ đến từ … thiếu thông tin.

Vì vậy, độc lập phải đi cùng tự do và dân chủ thì người dân mới thực sự có hạnh phúc. Chính Bác Hồ đã nghĩ như vậy, nói như vậy, và làm như vậy khi Người còn tại thế.

Học Bác Hồ là học từ lý tưởng vì dân vì nước, và đặc biệt là vì người nông dân.

Không phải ngẫu nhiên mà thời Bác Hồ, người nông dân luôn được coi là “chủ lực quân của Cách mạng”. Đội quân chủ lực cho Cách mạng và Đổi mới này không thể là đội quân "về sau cùng" trong hành trình đi tới hạnh phúc.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất