| Hotline: 0983.970.780

"Nóng" nạn khai thác vàng trái phép ở Kon Tum

Thứ Sáu 28/12/2012 , 10:36 (GMT+7)

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần mở các đợt truy quét nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) trong thời gian qua vẫn không suy giảm.

Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần mở các đợt truy quét nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) trong thời gian qua vẫn không suy giảm, thậm chí hiện nay các đối tượng khai thác vàng trái phép đã sử dụng nhiều biện pháp tinh vi để qua mặt chính quyền địa phương.

Vì lợi ích trước mắt mà nhiều hộ dân đã tiếp tay và bao che để cho “vàng tặc” hoạt động bằng các hình thức như: hợp đồng thuê đào ao nuôi cá, hợp đồng thuê san lấp ruộng, mua bán, chuyển nhượng đất SX... nhưng thực chất là để khai thác vàng. Việc khai thác vàng trái phép không chỉ khiến tài nguyên thiên nhiên bị thất thoát, ô nhiễm môi trường, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, làm thất thu ngân sách Nhà nước mà còn gây bức xúc, giảm lòng tin trong nhiều người dân…

Cùng với Pô Kô, xã Tân Cảnh luôn được xem là điểm nóng của việc khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Đăk Tô. Người dân ở đây đồn rằng, trên địa bàn xã đã có không ít gia đình bỗng nhiên trở nên khá giả, giàu có là nhờ vào việc khai thác vàng trái phép, thậm chí cá biệt có một số người còn trúng cả vài ba kg vàng nên có tiền xây nhà lầu, mua xe ô tô để chở gia đình chơi. Thông tin xã Tân Cảnh có nhiều người trúng vàng đã lan truyền nhanh trong giới khai thác vàng và được “vàng tặc” khắp nơi nhòm ngó.


Những đám ruộng màu mỡ bị tàn phá do khai thác vàng

Một người dân ở đây cho biết: Từ năm 2003 đến năm 2008, khi Nhà nước cho phép Cty Cổ phần Đăk Ri Peng khai thác mỏ vàng tại thôn Đăk Ri Peng II thì tình hình trật tự tương đối ổn định. Sau khi hết thời hạn được phép khai thác, nhiều “vàng tặc” đã đổ xô vào khu vực này khai thác lại phần sái của Cty Cổ phần Đăk Ri Peng thải ra nên không đáng là bao, vì thế các “vàng tặc” đã chuyển sang hoạt động tại một số thôn, làng lân cận khác với vỏ bọc san lấp ruộng, đào ao nuôi cá… cho dân.

Để kiểm chứng thông tin, trong vai một người đi bẫy chim, từ UBND xã Tân Cảnh chúng tôi vượt qua cầu treo Đăk Ri Dốp, ngược về thôn Đăk Ri Peng II chừng 2 km rồi rẽ vào con đường đất ngoằn ngoèo tiến sâu vào rừng cao su chừng hơn 3 km chúng tôi mới đến được khu vực khai thác đã từng cấp phép cho Cty Cổ phần Đăk Ri Peng trước đây. Đứng từ trên cao nhìn xuống, hố vàng sâu hoắm, nham nhở đã được khai thác trước đó đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa san lấp trả mặt bằng như ban đầu. Cách đó không xa, một lán trại của những người đào đãi vàng lén lút vừa được dựng lên tạm bợ với 1 máy nổ gắn vòi rồng dài khoảng 100 m đang hoạt động trong lòng hố. Thấy chúng tôi xuất hiện với ánh mắt tò mò, một người đàn ông chừng 60 tuổi nói giọng Bắc cầm cuốc trên tay cho biết: "Chúng tôi khai thác ở đây chỉ thuộc dạng “cò con” nên không tích lũy được bao nhiêu, thậm chí có khi còn bị lỗ. Khu vực này trước đây đã được Nhà nước cấp phép khai thác nên đã bị quần nát, giờ vàng ít còn lắm chú ơi".

Trên đường trở ra, hỏi thăm vài công nhân của Nông trường Cao su Tân Cảnh, họ cho biết, hiện nay trên địa bàn xã đang diễn ra tình trạng người dân bán đất nông nghiệp lấy tiền tiêu xài rồi sau đó mặc sức để “vàng tặc” đưa máy móc vào khai thác.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tiếp cận khu vực “vàng tặc” đang khai thác là đất nông nghiệp của ông A Xoan. Trước mắt chúng tôi là chiếc máy đào Komatsu đang hoạt động hết công suất. Nó liên tục đào bới, đưa đất lên máng xối lọc vàng và bơm nước lên nên đất, đá nằm ngổn ngang. Thửa ruộng bằng phẳng ngày nào giờ đã bị băm nát, đào bới đất đá nằm lổm chổm. Thửa ruộng như đang rên xiết bởi sự tàn phá của "vàng tặc", không những thế nhiều thửa ruộng nằm kề cũng bị bùn đất làm ảnh hưởng theo.

Khi vừa đưa máy ảnh lên chụp thì ngay lập tức phía sau lưng tôi có 3 người thanh niên xuất hiện. Thấy bất ổn, chúng tôi nhanh chóng giấu máy ảnh và tự giới thiệu là cán bộ Phòng TN - MT huyện đi khảo sát quy hoạch và nhanh chóng lên xe máy “rút êm”. Những đám ruộng lân cận A Xoan cũng bị đất đá vùi lấp. Trên đường về, vô tình chúng tôi phát hiện ruộng lúa của A Vik cũng bán cho “vàng tặc” và cũng đã bị băm nát một cách không thương tiếc…

Ông A Yêu, trưởng thôn Đăk Ri Peng II, cho biết: Những người dân tự ý bán đất để khai thác vàng đều không báo cáo với thôn và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì đến nay đã có ít nhất 7 hộ để máy đào, máy xúc vào hoạt động trên ruộng, rẫy của mình với danh nghĩa là đào ao nuôi cá, san lấp mặt bằng nhưng thực chất là để khai thác vàng trái phép. Trong đó, có một số hộ dân ở thôn Đăk Ri Peng nhưng có ruộng, rẫy lại thuộc xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) nên việc ngăn chặn, xử lý gặp khó khăn. Sự việc trên, thôn cũng đã báo cáo với xã để có hướng xử lý, tuy nhiên xã Tân Cảnh và xã Đăk Kan cũng phối hợp tổ chức truy quét nhưng sau đó đâu lại vào đấy, vì khi lực lượng truy quét vừa rút thì bọn chúng hoạt động trở lại. Việc người dân bán đất để khai thác vàng không chỉ diễn ra ở Đăk Ri Peng II mà còn xảy ra ở một số thôn, làng khác.

Ông Ngô Văn Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Tô, cho biết: Việc khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác vàng không chỉ xảy ra trên địa bàn xã Tân Cảnh mà còn diễn ra ở một số địa phương khác trong huyện. Mặc dù UBND huyện triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như chỉ đạo Phòng TN - MT cùng các xã, thị trấn tăng cường truy quét, báo cáo tình hình hằng tuần cho UBND huyện để kịp thời chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, vận động, truy quét, xử phạt, tịch thu các phương tiện khai thác nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được.

Như vậy, với lý do san lấp mặt bằng, đào ao nuôi cá… nên tình trạng khai thác vàng trái ở huyện Đăk Tô đang có chiều hướng phức tạp. Đặc biệt, ruộng rẫy sau khi khai thác, lớp đất màu mỡ đã bị nước trôi cùng dòng nước đãi vàng đục ngầu và chỉ còn trơ lại lớp đất đá cằn cỗi. Việc lén lút bán đất để khai thác vàng bà con chẳng nhận được bao nhiêu tiền và sẽ tiêu xài hết trong thời gian ngắn, trong khi ruộng, vườn giúp bà con duy trì cuộc sống ổn định lâu dài nhưng sau khi khai thác vàng nó đã biến thành bãi đất hoang hoá khiến người dân dễ rơi vào cảnh trắng tay khi không có đất SX.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất