| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp 6 tháng cuối năm: 'Khó nhưng có thể' chứ không phải 'có thể nhưng khó'

Thứ Tư 05/07/2023 , 17:59 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị phải tập trung vào các giải pháp với phương châm không được nói 'có thể nhưng khó' mà phải là 'khó nhưng có thể'.

Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 5/7, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Trần Thanh Nam và Nguyễn Quốc Trị. Tham gia dự hội nghị còn có đại diện của Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT.

Sau khi nghe Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT Lê Văn Thành và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt báo cáo tình hình hoạt động của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai công việc 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã phát biểu chỉ đạo về phần thảo luận của hội nghị.

Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đối với ngành đang đan xen như hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh các phát biểu thảo luận phải đi sâu vào giải pháp: “Hôm nay chúng ta không nói về kết quả hay khó khăn nữa vì khó khăn là điều luôn đồng hành với chúng ta, trong công việc và trong cuộc sống”.

Cũng theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, để thực hiện được các mục tiêu từ nay đến cuối năm, toàn ngành cần tiếp cận theo hướng tìm giải pháp chứ không biện minh, nói “khó nhưng có thể” chứ không nói “có thể nhưng khó”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần tập trung vào giải pháp, không nêu khó khăn, kết quả nữa. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần tập trung vào giải pháp, không nêu khó khăn, kết quả nữa. Ảnh: Tùng Đinh.

Tập trung vào giải pháp

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 nhưng cũng là cột mốc non nửa nhiệm kỳ 5 năm, có ý nghĩa thúc đẩy hoàn thành kế hoạch 5 năm, tiếp tục thực hiện tốt nhất các nghị quyết, chiến lược đã ban hành.

“Các nghị quyết và Chiến lược thể hiện đã rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành; với cách tiếp cận “Chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền”; đưa ra các quan điểm mới, toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, mục tiêu lớn nhất là thu nhập, đời sống của người nông dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đưa ra một số gợi ý đối với các cơ quan chuyên môn để thảo luận. Ví dụ như các giải pháp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và có tính lan tỏa.

Với lĩnh vực trồng trọt là yêu cầu xác định giải pháp xây dựng thương hiệu một số nông sản chính, có tính cạnh tranh cao, còn chăn nuôi là giải pháp để làm chủ công nghệ giống, thức ăn, chế biến… đối với các ngành hàng quan trọng như lợn, gia cầm, bò sữa…

Trong khi đó, lâm nghiệp nhận được sự gợi ý về tư duy tích hợp đa giá trị nhìn từ hệ sinh thái rừng, đề xuất giải pháp trong thời gian tới, với thủy sản là phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản tuần hoàn gắn với chế biến, tái chế phụ phẩm từ Bộ trưởng.

Liên quan vấn đề phát triển thị trường, Bộ trưởng cho rằng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần tập trung vào một số giải pháp chiến lược như với thị trường trong nước cần các giải pháp logistic gắn với đổi mới hệ thống phân phối nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Với xuất khẩu, cần giải pháp ổn định thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Trong đó tập trung vào chiến lược mở rộng, đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản đa giá trị.

Về khuyến nông, Bộ trưởng cho rằng, phát triển hệ thống khuyến nông đến cấp xã, khuyến nông cộng đồng, khuyến nông điện tử có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp.

Các đơn vị trình bày những vấn đề do Bộ trưởng gợi ý. Ảnh: Tùng Đinh.

Các đơn vị trình bày những vấn đề do Bộ trưởng gợi ý. Ảnh: Tùng Đinh.

Còn khoảng 170 ngày nữa

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị về các giải pháp đối với một số lĩnh vực, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, 170 là ước tính số ngày còn lại trong năm 2023. Trừ đi những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, những ngày nghỉ lễ, chúng ta chỉ còn khoảng trên dưới 120 ngày làm việc.

“Trên dưới 120 ngày cho những nỗ lực, cố gắng để công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đạt được các chỉ tiêu đề ra cho một năm 2023 nhiều khó khăn, nhiều thách thức”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh thêm, khoảng thời gian này cho thấy mỗi cán bộ, công chức cần có kế hoạch làm việc hợp lý, phân phối, sắp xếp thời gian hiệu quả, để mỗi ngày trôi qua không bị lãng phí.

Với các nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu công tác chỉ đạo và xây dựng văn bản, hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng các chương trình, đề án, văn bản và thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2024.

Về thị trường, quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước. Cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tăng cường xuất khẩu nông sản đa giá trị. Tận dụng các FTAs. Hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu.

Tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước thông qua các kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tương tác.

“Gần đây, tỉnh Bắc Giang của Việt Nam chủ động kết nối nhiều hình thức đa dạng, mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, để xúc tiến tiêu thụ vải thiều.

Đây là một gợi ý để không chỉ bà con nông dân Bắc Giang, mà nhiều địa phương khác của Việt Nam, có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương, của quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Theo đó, các kênh bán hàng, các hình thức thương mại điện tử, giới thiệu, quảng bá nông sản tương tác đa chiều trên mạng xã hội, không phải là mục tiêu cuối cùng, mà là “chiếc cầu” để người nông dân chủ động nâng cấp, cập nhật, mở những con đường khác để nông sản ra thị trường, chứ không chỉ là những phương cách truyền thống, quen thuộc lâu nay.

Liên quan vấn đề sản xuất, Bộ trưởng yêu cầu theo dõi sát tình hình thời tiết để kịp định hướng thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, chủ động công tác ứng phó, xây dựng các phương án kiểm soát rủi ro thiên tai.

Bên cạnh đó, kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng đàn gia súc, theo dõi diễn biến cung cầu mặt hàng thịt lợn, tránh đột biến về giá cả.

Lĩnh vực thủy sản phải thực hiện Kế hoạch hành động nói không với IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC. Còn lâm nghiệp cần đề xuất các giải pháp đáp ứng, bảo đảm các yêu cầu mới về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, gắn với việc tuân thủ cam kết chống phá rừng.

“Sau hơn 170 ngày nữa, chúng ta sẽ lại gặp nhau tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh rằng không khí của hội nghị hôm đó, tâm trạng của mỗi đại biểu tham dự hhội nghị hôm đó sẽ do mỗi người chúng ta nỗ lực ra sao, đóng góp thế nào vào các mục tiêu, chỉ tiêu của ngành cho năm 2023.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Chia sẻ cụ thể hơn về các vấn đề của ngành, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến điểm ra một số tồn tại trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhưng cũng cho rằng cần có môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc và Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án thí điểm để giải quyết vấn đề này.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhắc đến các chương trình giống nông sản và đề nghị các đơn vị liên quan phải làm khẩn trương, đi cùng với đó là phối hợp để ứng dụng các công nghệ sinh học vào nghiên cứu giống.

Về thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị liên quan triển khai các đề án đã được thông qua, có cơ chế, chính sách cụ thể. Trong vấn đề kiểm ngư, Thứ trưởng cho rằng các địa phương đã có những chuyển biến nhất định, số vụ việc khai thác IUU giảm đáng kể nhưng quá trình kiểm tra, thanh tra vẫn phải kỹ càng.

Liên quan lĩnh vực chăn nuôi, Thứ trưởng cũng gợi ý bám theo các đề án chiến lược, còn lĩnh vực thú y cần quan tâm đến tiến độ công nhận vacxin dịch tả lơn châu Phi.

Với những nỗ lực của các đơn vị trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như thủy sản, gỗ… Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng ngành nông nghiệp sẽ đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao việc một số  sản phẩm xuất khẩu đạt kết quả cao trong 6 tháng đầu năm, nguyên nhân là do chỉ đạo, tổ chức sản xuất bám sát theo lịch thời vụ, gắn mới mã số vùng trồng, vùng nuôi.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh đến khả năng điều chỉnh các vụ sản xuất lúa trong thời gian tới để vừa đảm bảo được năng suất vừa đối phó được với xâm nhập mặn, nhất là vào giai đoạn cuối năm.

Liên quan vấn đề thị trường xuất khẩu, mặc dù rau quả và gạo có nhiều khởi sắc nhưng các ngành chủ lực là gỗ và thủy sản đang bị chững lại, đặc biệt là tôm.

Do đó, Thứ trưởng đã kết nối với các tham tán của Việt Nam tại Hoa Kỳ, châu Âu để liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu, mở cửa thị trường cho con tôm.

Bên cạnh đó là mở rộng quy mô xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản… Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan sẵn sàng các thủ tục để có thể sẵn sàng kết nối với phía bạn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị

Chia sẻ về lâm nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói đang gặp phải nhiều khó khăn về thời tiết và sự sụt giảm trong việc thu phí dịch vụ môi trường rừng.

Liên quan vấn đề này, giá trị xuất khẩu lâm sản đang gặp khó khăn nên Thứ trưởng yêu cầu Cục Lâm nghiệp bám sát kịch bản đã xây dựng để điều hành và giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, yêu cầu giảm 10% số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp mỗi năm tính từ 2020 của Quốc hội cũng được Thứ trưởng lưu ý với các cơ quan liên quan. Trước hết là Cục Kiểm lâm lấy số liệu của năm 2020 để gióng chiếu, lên kế hoạch cụ thể.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng đưa ra một số chỉ đạo đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực được phân công quản lý như về xử lý văn bản, cải cách hành chính hay thi đua khen thưởng.

Xem thêm
Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.