| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp gắn với chế biến mới có thể làm giàu

Thứ Sáu 01/08/2014 , 20:52 (GMT+7)

Trong 2 ngày 31/7 - 1/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và  đoàn công tác BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Thanh Hóa. Cùng đi có các đồng chí Cao Đức Phát, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương; đại diện các bộ ngành Trung ương khác.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh cho biết, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỉnh Thanh Hóa luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,3% (2010 – 2014).

Năm 2014, quy mô nền kinh tế của tỉnh ước đạt 31.210 tỷ đồng (gấp 1,5 lần năm 2010); GDP bình quân đầu người 1.320 USD; tỷ trọng nông, lâm, thủy sản 18,4%; công nghiệp – xây dựng 42% và dịch vụ 39,6%.

Việc thu hút đầu tư được quan tâm hàng đầu với nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện, cụ thể trong 4 năm toàn tỉnh huy động vốn đầu tư ước 210.000 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so với 4 năm đầu của giai đoạn 2006 – 2010; có 4.227 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên 10.800 đơn vị và 943 HXT hoạt động có hiệu quả, đóng góp thiết thực vào công cuộc CNH – HĐH trên địa bàn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Trong những năm qua Thanh Hóa đã dành nhiều sự quan tâm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống bà con nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Bộ nhất trí cao với những phương hướng Thanh Hóa đề ra sắp tới, nhưng Thanh Hóa cần phải tập trung tái cơ cấu ngành NN gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, lựa chọn các sản phẩm chủ lực thành hàng hóa, kể cả khu vực miền núi để hướng tới xuất khẩu. Trước mắt chuyển mạnh mặt hàng lúa gạo, bởi lúa vẫn là cây chủ lực của Thanh Hóa, phải nâng cao được giá trị sản phẩm lúa bán ra từ 5.000 – 6.000 đ/kg  lên 7.000 – 10.000 đ/kg mới tăng thu cho nông dân được. Bộ cũng đồng tình việc phát triển bò sữa ở các huyện phía Tây và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, áp dụng KHKT. Đề nghị Thanh Hóa quan tâm, tạo điều kiện tối đa, ưu đãi cao hơn, mạnh hơn cho ngành công nghiệp chế biến nhằm giải quyết bài toán đầu ra cho nông dân.

Các lĩnh vực như khoa học – công nghệ, văn hóa – xã hội, AN – QP được tỉnh quan tâm, đầu tư đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện.

Đặc biệt, sau gần 4 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Thanh Hóa được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Toàn tỉnh huy động trên 46.900 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, có 19 xã đạt chuẩn NTM (tính đến cuối 2013); bình quân toàn tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã, tăng 5,85 tiêu chí so với năm 2010.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - ông Mai Văn Ninh nhấn mạnh: “Ngoài thúc đẩy phát triển KT – XH, từ năm 2013 đến nay bước ngoặt của Thanh Hóa chính là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý. Không có chuyện chạy chức, chạy quyền hay gian lận trong thi công chức, bên cạnh đó chúng tôi cũng xây dựng đề án lựa chọn những cán bộ trẻ, có triển vọng cử đi đào tạo ở nước ngoài. Hiện có 26 người đang học thạc sỹ, tiến sỹ tại các nước; đã đưa 1.500 người có trình độ đại học chính quy về công tác tại xã, phường, thị trấn”.

Tuy đạt được những kết quả rất đáng khích lệ nhưng Bí thư tỉnh ủy Mai Văn Ninh cũng trăn trở: “Chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số lĩnh vực, ngành và địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ thấp. Không những thế, trách nhiệm của người đúng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao dẫn đến việc thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng cũng hạn chế rất nhiều”.

Đứng trước những thách thức trên, từ nay đến hết nhiệm kỳ, Thanh Hóa tập trung nhân lực, vật lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên một số chỉ tiêu lớn như tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 – 2015; cơ cấu các ngành nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ; GDP bình quân đầu người… có thể khó đạt được.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra 9 đề xuất kiến nghị tới Tổng bí thư.

Trong đó, đáng chú ý là việc xin điều chỉnh quy hoạch KKT Nghi Sơn từ 18.000 lên khoảng 60.000 ha; mở rộng quy mô KCN Lam Sơn – Sao Vàng từ 200 lên 2.000 ha và được hưởng các cơ chế ưu đãi như KKT Nghi Sơn; đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí giúp tỉnh hoàn thành các công trình phục vụ năm du lịch Quốc gia 2015…

Ý kiến phát biểu của hầu hết đại biểu đều cho rằng, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có vị trí địa lý mang tính chiến lược của vùng với sự hội tụ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không; có nguồn nhân lực dồi dào; đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Tôi tin đến 2017 Thanh Hóa sẽ lọt vào top 10 tỉnh dẫn đầu về phát triển công nghiệp, xuất khẩu… Quan trọng là địa phương phải quy hoạch KT – XH, ngành, sản phẩm một cách cụ thể, tránh chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau”, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng bộ Công thương nhấn mạnh.

Kết luận tại buổi làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả Thanh Hóa đạt được trong 4 năm vừa qua. Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng nhiều chỉ tiêu của tỉnh vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 11% (cao hơn bình quân chung cả nước 6%). Tinh thần quyết tâm của Thanh Hóa cũng rất đáng ghi nhận với sự vào cuộc ráo riết, quyết liệt từ cá nhân đến tập thể, từ tỉnh đến huyện, xã.

“Tuy nhiên Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách cũng còn thiếu nhiều; số hộ nghèo lớn…nên địa phương không được chủ quan. Sắp tới Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh cần tập trung hoàn thành cho được những chỉ tiêu của nhiệm kỳ này. Đồng thời, tập trung chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, hướng tới đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII; bàn phương hướng cho nhiệm kỳ 5 năm tới; quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ chính trị, phát triển nhanh nhưng phải bền vững, rộng nhưng theo chiều sâu, kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và phát triển NN gắn với chế biến thì mới có thể làm giàu” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến dâng hương tại nhà tưởng niệm mẹ Việt Nam anh hùng, TP Thanh Hóa; đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và kiểm tra tiến độ xây dựng, sản xuất tại Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia), đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo địa phương này.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Điểm danh' những mỏ lộ thiên cần tăng cường phòng chống mưa bão

QUẢNG NINH Các đơn vị của TKV đang rà soát kế hoạch phòng chống mưa bão năm 2024, xác định vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.