| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế

Thứ Sáu 28/12/2012 , 09:15 (GMT+7)

Năm 2012 là một năm khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp có thể tự hào về những kết quả đã đạt được.

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Rét lạnh kéo dài và bão bất thường ở miền Bắc, dịch bệnh trên gia súc gia cầm ở một số địa phương, dịch bệnh trên thủy sản lan rộng và gây thiệt hại lớn, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới giảm..., song ngành nông nghiệp vẫn có một năm “được mùa” với những kết quả tích cực.

Sáng nay, hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và PTNT diễn ra tại Hà Nội và 63 đầu cầu khắp cả nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo. Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.


Toàn cảnh hội nghị.

Tăng trưởng trong thế khó

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2012, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước ước tăng 3,4% so với năm 2011, trong đó nông nghiệp tăng 2,8%, lâm nghiệp 6,4%, thủy sản 4,5%. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành (GDP) đạt 2,7%.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo. Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.

Về trồng trọt, mặc dù thời thiết bất thuận, song với việc triển khai chỉ đạo sản xuất một cách đồng bộ, quyết liệt, nông dân cả nước đã thực hiện tốt khung thời vụ, phòng chống dịch bệnh kịp thời. Do đó, diện tích trồng lúa đạt hơn 7,7 triệu ha, tăng gần 100 nghìn ha so với năm 2011. Năng suất bình quân đạt 56,3 tấn/ha, sản lượng đạt 43,7 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so cùng kỳ. Với kết quả trên, năm 2012 lại là một năm đạt sản lượng lúa cao kỷ lục, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và XK gạo đạt hơn 8 triệu tấn gạo.


Năm 2012 là một năm đạt sản lượng lúa cao kỷ lục.

Chăn nuôi, tuy nằm trong những khó khăn chung của ngành khi sản xuất gặp nhiều khó khăn, thách thức đặc thù, song sản lượng thịt hơi cả năm cũng đạt 4,3 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2011.

Công tác tu bổ, nâng cấp đê điều, ứng phó và giảm nhẹ thiên tai được ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo. Bộ NN-PTNT cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rà soát và đánh giá hiện trạng đê điều, xây dựng phương án tu bổ để đảm bảo chủ động phòng chống lụt bão. Năm 2012, Chính phủ đã hỗ trợ cho các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Nam là 785 tỷ đồng, và 390 tỷ đồng cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để thực hiện chương trình nâng cấp đê sông, đê biển.

Thủy sản luôn là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp. Sản lương thủy sản đạt đến 5,7 triệu tấn, tăng 5,2%. Đặc biệt, hoạt động khai thác ngư trường khá thuận lợi, kết hợp với chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập cả tổ, đội sản xuất, nên ngư dân tích cực bám biển. Trong năm đã có hơn 1.500 tổ, đội sản xuất được thành lập, nâng tổng số tổ, đội trong cả nước lên con số 3.500 với 21.000 tàu cá và 136.000 lao động tham gia.

Kết quả sản xuất đạt khá, nên XK nông, lâm, thủy sản cũng tăng theo. Theo đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, tuy kinh tế thế giới, đặc biệt là những thị trường truyền thống của Việt Nam gặp khó, giá cả liên tục giảm, song tổng kim ngạch XK toàn ngành vẫn đạt đến 27,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2011. Thặng dư thương mại đạt gần 10 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.

“Năm 2012, ngành nông nghiệp cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển nông thôn, góp phần XĐGN và xây dựng NTM”, Thứ trưởng Thắng cho hay. Theo Thứ trưởng, sau 2 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, một khối lượng công việc khổng lồ đã được hoàn thành, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, ngành nông nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn, đó là công tác quản lý VSATTP và vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn còn nhiều bất cập. “Vẫn còn nông sản, thực phẩm chất lượng kém, độc hại được lưu hành và sử dụng gây bức xúc trong xã hội, giảm lòng tin củ người tiêu dùng và kìm hãm sự phát triển của một nền nông nghiệp an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt và phức tạp ở một số địa phương, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất còn chậm, công tác đối phó với thiên tai, dịch bệnh còn nhiều bất cập, gây thiệt hại lớn về người và tài sản...


Tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt và phức tạp ở một số địa phương.

Thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh sản xuất

Sản lượng nông, lâm, thủy sản đạt khá, nhưng giá trị chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành. Đây là những ý kiến đánh giá về hoạt động sản xuất và XK. Do đó, trong năm 2013, ngành nông nghiệp đặt nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng thị trường trong và ngoài nước, xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao...

Về trồng trọt, theo Thứ trưởng Thắng, cần giữ diện tích lúa khoảng 7,67 triệu ha, sản lượng 43,5 triệu tấn, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và XK khoảng 7 triệu tấn lương thực.

Trong chăn nuôi, mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2013 của ngành là 6,5-7%; sản lượng thịt hơi đạt 4,6 triệu tấn, 8,5 triệu quả trứng, 417 nghìn tấn sữa tươi và 13,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản được chú trọng. Năm 2012, nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực này tiếp tục được triển khai. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 9/2012, 3.645 hộ gia đình, cá nhân, 3 HTX và 32 DN được vay vốn hỗ trợ với tổng dư nợ gần 1.000 tỷ đồng, nhằm mua máy móc, thiết bị phục vụ chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, lâm, thủy sản.

Lĩnh vực thủy sản đặt mục tiêu lớn trong năm 2013 khi tổng sản lượng khai thác phấn đấu đạt gần 6 triệu tấn, khuyến khích hoạt động khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt. Ngoài ra, xây dựng lực lượng kiểm ngư cùng với phát triển lực lượng thanh tra thủy sản để thực thi các hoạt động hướng dẫn và giám sát thực hiện pháp luật trên biển, khuyến khích người dân tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.

Các công tác khác như đảm bảo VSATTP, xây dựng hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM kết hợp với XĐGN, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, trong nước thì dịch bệnh, thiên tai luôn đe dọa và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, song ngành nông nghiệp vẫn vượt khó đi lên và đạt được những kết quả cao. Đảng, Chính phủ ghi nhận và biểu dương những thành tích này.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Nông nghiệp vẫn là trụ cột của nền kinh tế"

Theo Phó Thủ tướng, năm 2012, nông nghiệp tiếp tục thể hiện là ngành trụ cột, nòng cốt của nền kinh tế với mức tăng trưởng khá. Trong chỉ số tăng trưởng chung của nền kinh tế là 5,03%, nông nghiệp đóng góp tới 2,7%, xuất siêu lớn với gần 10 tỷ USD, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Về lâu dài, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực có nhiều lợi thế cạnh tranh của nước ta.

Tuy nhiên, ông Hải cũng nhìn nhận, năm qua, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch và quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập dẫn tới mục tiêu tái cơ cấu còn khó khăn. Ngoài ra, tình trạng mất an toàn VSTP vẫn diễn biến phức tạp, giá trị sản xuất trong ngành tăng nhưng chưa xứng với tiềm năng...

Để tăng năng suất, chất lượng nông, lâm, thủy sản, tiến tới một nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần tiếp tục bám sát nghị quyết của Chính phủ về 9 nhóm giải pháp phát triển KT-XH, đồng thời làm tốt công tác quy hoạch sản xuất của ngành, tháo gỡ những khó khăn, thường xuyên nắm bắt thị trường để tạo ra thế mạnh trong từng lĩnh vực.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất. Đây là tiền đề, là chìa khóa thành công trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. “Tập trung vốn cho nông nghiêp – nông thôn cũng là một trong những mục tiêu cần chú trọng. Hiện Chính phủ đang chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 61 về đầu tư nông nghiệp, trong đó tập trung thu hút đầu tư toàn xã hội vào lĩnh vực này”, Phó Thủ tướng nói.
Song song với đó, ông Hải đề nghị cần tổ chức điều chỉnh tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, tập trung nâng cao vai trò các hiệp hội ngành nghề. Tiếp tục nâng cấp hạ tầng nông thôn, ứng phó với BĐKH và nâng cao tỷ lệ chế biến nông sản.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, năm 2012 là một năm khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp có thể tự hào về những kết quả đã đạt được, bằng chứng là ở đầu cầu 63 tỉnh, TP có sự góp mặt của hầu hết các lãnh đạo tỉnh. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp đến lĩnh vực nông nghiệp.


Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Chúng ta có thể tự hào về những kết quả đã đạt được"

“Tuy nhiên, chúng ta cần khách quan đánh giá những mặt chưa được để tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Những tồn tại trong năm 2012 là tốc độ tăng trưởng thấp, nhiều chỉ tiêu chưa đạt kết hoạch đề ra. Chất lượng ATVSTP vẫn là vấn đề bức xúc trong xã hội. Đây là trách nhiệm của chúng ta trước nhân dân, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết sức”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, dịch bệnh vẫn còn xảy ra nhiều trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản mà chưa có biện pháp khắc phục. Công tác quản lý vận hành các công trình hạ tầng nông thôn, nhất là thủy lợi, chưa đạt hiệu quả cao. Chương trình xây dựng NTM triển khai chậm, chưa đi vào chiều sâu và chưa như mong đợi.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng, nằm chủ yếu ở cơ cấu và tổ chức của ngành chưa hợp lý, từ tổ chức sản xuất đến tổ chức quản lý.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, bền vững, thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển, góp phần kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ngành thực hiện 9 giải pháp trọng tâm: Tổ chức triển khai tái cơ cấu ngành một cách hiệu quả; Tăng cường quản lý chất lượng VSATTP; đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức sản xuất, sắp xếp đổi mới DNNN, các nông lâm trường quốc doanh và triển khai Luật HTX....; chủ động tháo gỡ những vướng mắc trong chỉ đạo điều hành và quản lý Nhà nước.

“Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về chương trình này. Hoàn thành công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch. Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT. Song song với đó, cần chấn chỉnh hệ thống tổ chức của ngành; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành; làm tốt công tác thi đua khen thường và tuyên truyền”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những ý kiến tâm huyết

Sau phần báo cáo của Bộ NN-PTNT, đại diện các địa phương phát biểu qua cầu truyền hình trực tuyến. NNVN xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết.

Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên:

“Ưu tiên đầu tư nông nghiệp – nông thôn vùng miền núi”

Tôi cho rằng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và một số bộ, ngành liên quan cần có định hướng chung cho phát triển nông nghiệp – nông thôn vùng miền núi. Ví dụ như ở Điện Biên, thế mạnh là phát triển rừng thì ta nên đầu tư mạnh cho rừng, không nên quá chú trọng đầu tư cho thủy lợi, đê điều... Như vậy mới thiết thực.

Bên cạnh đó, nên điều chỉnh một số tiêu chí xây dựng NTM cho phù hợp với các tỉnh miền núi, đặc biệt là tiêu chí thu nhập, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề... Ngoài ra, cần bổ sung vốn cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ, một số đề tài cấp Bộ nên ưu tiên nghiên cứu và áp dụng và miền núi.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Côngnghiệp Cao su:

“Điều chỉnh quy hoạch diện tích cao su lên 1.000 ha”

Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su đang chờ Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để tập đoàn tiếp tục phát triển bền vững. Tuy nhiên, tôi được biết, theo quy hoạch diện tích cao su đã được phê duyệt, thì diện tích khoảng hơn 800 ha. Tuy nhiên, thực tế việc mở rộng diện tích cao su, nhất là vùng Tây Bắc, thì cả nước đã có tới hơn 900 ha. Như vậy, rõ ràng phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế, và xây dựng một hệ thống nhà máy chế biến rộng lớn.

Ngoài ra, Chính phủ nên bãi bỏ 3% thuế XK cao su, bởi hiện thị trường XK cao su trên thế giới đang cạnh tranh quyết liệt, đây là rào cản lớn. Nếu bỏ được sắc thuế này, ngành cao su của Việt Nam mới đủ sức cạnh tranh và vươn lên tầm thế giới.

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định:

“Tập trung dồn điền đổi thửa để HĐH sản xuất nông nghiệp”

Nam Định hiện đang tiến hành dồn điền đổi thửa gắn với việc quy hoạch xây dựng NTM. 70% số xã của tỉnh đã thực hiện xong công tác này. Chúng tôi thấy rằng, việc dồn điền đổi thửa tạo động lực cho nông dân đưa cơ giới vào sản xuất, tạo cánh đồng mẫu lớn và tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Vì thế, chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT trình lên Chính phủ đưa Nam Định vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đề nghị xây dựng tại đây khu công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp; Đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, sản xuất con giống phục vụ nhu cầu trong tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng; Tạo cơ chế cho cánh đồng mẫu lớn; Cho phép Nam định điều chỉnh diện tích đất lúa phù hợp hơn với thực tế địa phương.

Mặt khác, Nam Định đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng khiến đồng đất bị ngập mặn nặng nề. Đề nghị Chính phủ cải tạo hệ thống thủy lợi, xây dựng mới hệ thống đề điều. Theo quy hoạch cấp vốn năm 2013 kinh phí xây dựng đê điều là 130 tỷ thì phải hơn 20 năm nữa mới hoàn thành.

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk:

“Quản lý chặt chẽ đất ở nông, lâm trường”

Đăk Lăk là tỉnh có diện tích lớn đất rừng, chủ yếu thuộc sự quản lý của các nông, lâm trường trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay sự quản lý này rất lỏng lẻo. Đây chính là “điều kiện thuận lợi” cho một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm, chuyển đổi trái pháp luật tài nguyên đất nước. Vì thế, chúng tôi đề nghị cần nhanh chóng sắp xếp, quản lý đất đai một cách chặt chẽ ở các nông, lâm trường và công ty lâm nghiệp.

Ngoài ra, cần xác định rõ ràng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp, bởi hiện lĩnh vực này chưa biết hoạt động theo luật DN hay luật nào. Đồng thời, Bộ cần có phương án đánh giá, tổng điều tra đất rừng, đất nông, lâm nghiệp cũng như các loại rừng phòng hộ, đặc dụng, kinh tế... để quản lý và bảo vệ.

Xem thêm
10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất