| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp vẫn còn vai trò lớn với Thủ đô

Thứ Năm 07/12/2017 , 08:01 (GMT+7)

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện 22 dạng mô hình trên toàn bộ địa bàn các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng dù quá trình đô thị hóa của Thủ đô đang diễn ra hết sức mạnh mẽ nhưng nông nghiệp vẫn có vai trò quan trọng trong tạo công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân ngoại thành, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho toàn thành phố với hàng chục triệu dân…

Bà Vũ Thị Hương

Vai trò của khuyến nông Hà Nội thế nào trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, thưa bà?

Diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội sau khi hợp nhất rất lớn, chỉ riêng đất lúa thôi đã là hàng trăm ngàn ha mỗi vụ. Thủ đô đang đô thị hóa nhanh nhưng vẫn còn cả triệu nông dân. Bởi thế mà vai trò của nông nghiệp vẫn rất quan trọng.

Trách nhiệm của khuyến nông là chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo xu hướng không chạy đua về sản lượng mà là giá trị. Đối với lúa phải cấy những giống có chất lượng cao.

Trong khu vực đô thị và cận đô thị, nơi không còn nhiều đất nông nghiệp nữa thì nông dân có thể trồng hoa - một nghề ngoài đòi hỏi về vốn còn đòi hỏi cả kinh nghiệm. Chúng tôi đã thực hiện những mô hình trình diễn hoa lily, hoa hồng hay hoa lan để tận dụng những không gian chật hẹp còn sót lại trong khi thị trường tiêu thụ của chúng lại ngay ở đô thị.

Cụ thể hiệu quả của những mô hình khuyến nông trong năm qua ra sao?

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện 22 dạng mô hình trên toàn bộ địa bàn các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp.

Về trồng trọt, có mô hình trình diễn giống lúa mới với quy mô 370ha ở cả vụ. Vụ mùa năm nay mặc dù điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão nhiều, bệnh bạc lá phát sinh gây hại nặng nhưng hầu hết các giống lúa tham gia mô hình chỉ bị nhiễm nhẹ, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha. Mô hình trồng ngô biến đổi gen với quy mô 25ha triển khai trên địa bàn 2 huyện Đan Phượng, Ba Vì.

Các mô hình cơ giới hóa đưa vào ứng dụng trong các khâu của sản xuất lúa đều hoạt động tốt, hiệu quả cao: Máy gặt đập liên hợp 3 ha/10 tiếng/ngày mang lại lợi nhuận cho chủ máy bình quân 2 triệu đồng/ha, giảm chi phí cho người trồng lúa bình quân 3 triệu đồng/ha so với thuê gặt thủ công; Dây chuyền gieo mạ khay tự động 500 - 600 khay/giờ, cấy đủ cho 2ha lúa, máy cấy lúa 4 hàng 1 ha/ngày, máy cấy lúa 6 hàng 3,5 ha/ngày, bằng 30 - 80 người cấy thủ công/ngày giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí cho người trồng lúa từ 2 - 2,2 triệu đồng/ha so với cấy thủ công.

Mô hình chăn nuôi có nuôi bò, dê sinh sản. Thức ăn, chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc cho chúng khá đơn giản nhưng hiệu quả lại khá. Đàn bò quy mô 90 con có tỷ lệ sống 100%, tăng trọng trung bình đạt 6 - 7 kg/con/tháng, trọng lượng bình quân đạt 200 kg/con, chuẩn bị cho phối giống sắp tới. Đàn dê quy mô 175 con đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật với tỷ lệ tăng đàn trên 62%.

Một nét mới trong chăn nuôi năm nay là chúng tôi khuyến khích sự trở lại của những dòng máu thuần thay vì lai tạo như trước. Ví dụ như mô hình gà mía thuần thả vườn an toàn sinh học với quy mô 50.000 con, triển khai trên địa bàn 5 huyện, thị xã. Gà sinh trưởng và phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt 96%, trọng lượng bình quân đạt 2 - 2,2 kg/con, lông đẹp, mào cờ, da vàng, thịt thơm ngon hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên có giá bán trung bình 80 nghìn đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 30 nghìn đồng/con.

Trong bối cảnh nguồn nước các sông trên địa bàn thành phố đang bị ô nhiễm như hiện nay, khi nguồn cấp nước cho nuôi trồng thủy sản vẫn chung với nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp nên nguy cơ ô nhiễm rất cao. Nuôi trồng thủy sản bởi thế sẽ phải phát triển theo hướng áp dụng công nghệ sinh học hay công nghệ “sông trong ao” vì ít phải bổ sung thêm nước và vẫn tạo ra được thực phẩm an toàn.

Trong khuyến nông, việc đào tạo, tập huấn rất quan trọng. Làm cách nào để tránh được những lớp học buồn chán, tẻ nhạt thiên về lý thuyết?

Trong năm 2017 chúng tôi đã tổ chức được 191 lớp cho trên 13.300 nông dân, khuyến nông viên cơ sở tham dự. Một cải tiến mới của năm nay là đã có các lớp học hiện trường ngay ở mô hình chứ không chỉ trên hội trường. Bà con được hướng dẫn, chuyển giao ngay tại vườn, ao, chuồng sẽ giúp ghi nhớ tốt hơn thay vì chỉ nghe lý thuyết suông. Kỹ năng liên kết nhóm, liên kết với doanh nghiệp cũng được đưa vào nội dung tập huấn rất kỹ cho bà con để tránh tình trạng được mùa mất giá.

Không chỉ sát cánh với bà con về mặt kỹ thuật chúng tôi còn sát cánh với họ về mặt kinh tế, thị trường. Một sản phẩm đặc thù, riêng có của Hà Nội là quỹ khuyến nông với đối tượng cho vay hết sức đa dạng, đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất của nông dân, được giải ngân xuống tận cơ sở, hết sức an toàn và thuận lợi.

Quỹ hiện có số dư là 184,520 tỷ đồng, năm 2017 đã phê duyệt 198 phương án với số tiền duyệt cho vay là 63,38 tỷ đồng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung và an toàn.

Phương hướng hoạt động của khuyến nông Hà Nội trong thời gian tới ra sao?

Nông nghiệp của Hà Nội sẽ là tập trung, tiên tiến, hiện đại, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước ứng dụng công nghệ cao, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh cơ giới hoá để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, hàng hóa hội nhập với thị trường trong nước và thế giới.

14-38-11_dsc_8447
Mô hình nuôi dê ở ngoại thành Hà Nội

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cần phải có những thay đổi trong công tác khuyến nông. Hiện nay việc phát triển các mô hình vẫn khá khó khăn bởi theo định mức thì nuôi trồng thủy sản chỉ được hỗ trợ tối đa 70 triệu/hộ, chăn nuôi 50 triệu, trồng trọt 30 triệu…

Trong khi đó, cơ giới hóa đồng bộ từ máy cày, máy gặt đập liên hợp, sản xuất mạ khay, cấy máy, máy sấy cần đầu tư rất nhiều kinh phí, hay như mô hình ứng dụng công nghệ “sông trong ao” để nuôi trồng thủy sản cũng cần kinh phí khoảng từ 200 - 300 triệu đồng cho việc xây dựng, cải tạo ao nuôi, nông dân không thể chốc lát đầu tư được. Nếu mức hỗ trợ được nâng lên thì sẽ tạo điều kiện để nông dân đầu tư được đồng bộ từ giống, thức ăn, máy móc, thiết bị để đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Bởi vậy chúng tôi kiến nghị cho phép Trung tâm vận dụng các chính sách hiện hành để xây dựng một số mô hình thí điểm theo hướng tập trung và chuỗi khép kín như: mô hình cơ giới hóa đồng bộ, mô hình nuôi thủy sản tuần hoàn khép kín...

Sửa đổi, bổ sung quyết định số 2002/QĐ-UBND ngày 05/3/2013 của UBND TP Hà Nội về việc “Ban hành một số nội dung chi và mức hỗ trợ đối với hoạt động khuyến nông trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, các mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị hàng hóa, mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và các tài sản, trang thiết bị để phục vụ cho công tác khuyến nông trong thời kỳ mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và hội nhập; trả lương cho khuyến nông cấp xã theo bằng cấp, để thu hút được nguồn lực có trình độ tham gia công tác tại cơ sở, đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, về phương pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.