Nhiều dự báo cũng như chuyển động thực tế trên thị trường quốc tế đang cho thấy xu hướng tăng giá của tất cả các loại phân bón, trong đó có của phân đạm trong thời gian tới là dễ xảy ra.
Trong nước, với nhu cầu hơn 2.6 triệu tấn/năm, phân đạm là loại phân bón duy nhất có thể chủ động sản xuất được từ hai nguồn nguyên liệu than và khí. Hiện tại chỉ có 2 nhà máy sản xuất phân đạm là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau từ khí thiên nhiên là còn duy trình hoạt động ổn định với tổng công suất 1.6 triệu tấn. Tuy nhiên đối với 2 nhà máy này, chính sách giá khí và nguồn cung khí áp dụng với các nhà máy sản xuất đạm trong nước dự kiến “căng như dây đàn” đang được dư luận quan tâm.
Nghịch lý buồn
Ngành đạm đang tồn tại không ít nghịch lý, nhức nhối nhất là tình trạng dư cung song vẫn phải nhập khẩu. Thị trường trong nước hiện có nhu cầu khoảng 2.6 triệu tấn/năm, tính riêng công suất của 4 nhà máy lớn nhất cả nước là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau ở phía Nam, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình ở phía Bắc đã xấp xỉ 2,8 triệu tấn.
Nắm 40% thị phần phân đạm, biến động của Đạm Cà Mau, theo nhận xét của ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, sẽ ngay lập tức ảnh hưởng lớn tới thị trường phân bón cả nước |
Trong khi, 2 nhà máy thuộc PVN dùng khí làm nguyên liệu đầu vào, đang hoạt động tối đa công suất (xấp xỉ 1,6 triệu tấn) và có lợi nhuận thì 2 nhà máy thuộc ViInachem đang là con nợ nghìn tỷ nằm trong danh sách các đại dự án thua lỗ của ngành Công thương. Một nguyên nhân chính là 2 nhà máy phía Bắc chạy bằng than, có chi phí đầu vào đắt đỏ, kém hiệu quả, giá thành sản xuất thường cao hơn giá bán trên thị trường 3.000-4.000 đồng/kg nên càng chạy càng lỗ. Đạm Ninh Bình có nhiều thời điểm đã đóng cửa ngừng sản xuất sau đó hoạt động phập phù và liên tục kêu cứu lên Chính phủ xin giải pháp cứu trợ.
Nghịch lý nảy sinh từ đây, dù công suất các nhà máy đang dư thừa nhưng do giá thành cao nên 2 nhà máy phía Bắc hoạt động èo uột, phân bón nhập khẩu, nhiều nhất là từ Trung Quốc tràn về. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cho thấy, năm 2017, cả nước nhập khẩu hơn 600.000 tấn ure, với kim ngạch gần 70 triệu USD, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc.
Dẫu vậy, với sự tham gia tích cực của 2 nhà máy đạm chạy bằng khí thuộc PVN, đặc biệt là Đạm Cà Mau với công suất nhà máy đạt trên 800.000 tấn/năm, thế cân bằng trên thị trường vẫn được giữ vững, giá bán phân bón đến tay người nông dân ổn định góp phần vào sự bền vững của nền nông nghiệp. Kể từ khi Đạm Cà Mau chính thức vận hành từ năm 2011 cho đến nay, PVCFC đã cung ứng ra thị trường trên 5 triệu tấn sản phẩm ure Cà Mau và hàng trăm nghìn tấn các sản phẩm phân bón cao cấp khác, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường trong nước. Từ khi có Đạm Cà Mau, thị trường phân bón khá ổn định, mỗi khi vụ mùa đến nông dân không còn nỗi lo sốt phân sốt giá, giảm đáng kể việc nông dân sử dụng phân bón giả, kém chất lượng.
Thế cân bằng sắp bị phá vỡ
Từ đầu năm 2018 đến nay, 2 nhà máy tỷ USD phía Bắc tiếp tục lỗ nặng, hoạt động cầm chừng, cả nước vẫn phải chi ra không ít ngoại tệ để nhập khẩu phân đạm. Thậm chí, lượng và kim ngạch còn tăng 2 con số. Theo Bộ Công Thương, nguồn cung phân bón trên thế giới bị ảnh hưởng bởi ngành phân bón Trung Quốc đang lâm vào tình trạng khủng hoảng. Điều này xuất phát từ chiến dịch sưởi ấm bằng khí đốt (nguyên liệu dùng sản xuất phân bón) trong mùa đông năm 2018 tại quốc gia này.
Giảm nguồn cung nguyên liệu đồng nghĩa với việc làm giảm nguồn cung phân bón, Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu để đáp ứng thị trường nội địa và đẩy giá phân bón tăng mạnh trên thị trường quốc tế. Dữ liệu của Agromonitor cho thấy, trong tháng 8/2018, giá ure hạt đục tại Trung Quốc và các thị trường thế giới đã tăng 20- hơn 30 USD/tấn.
Ở thời điểm thị trường khó khăn và biến đổi khí hậu nặng nề như hiện nay, nông dân đang rất cần nguồn cung phân bón ổn định để canh tác hiệu quả và đảm bảo cuộc sống |
Dữ liệu từ các tổ chức quốc tế cho thấy, diễn biến thị trường rất khó lường. Từ giữa năm 2016, giá than đá thế giới bất ngờ chuyển hướng tăng mạnh sau thời gian liên tục giảm. Tháng 3/2016 giá than ở Úc (giá than Úc và Trung Quốc tương đương nhau) chỉ dao động xung quanh mức 55 $/tấn nhưng đến tháng 11/2016 đã tăng mạnh lên mức 108 $/tấn, tăng 95% trong vòng 8 tháng. Bước sang đầu năm 2017, giá than dao động xung quanh mức 85$/tấn và không có biến động nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm cả lượng cung và cầu than đá bằng cách đóng cửa một số mỏ than và nhà máy nhiệt điện sử dụng than, cung cầu than đá còn nhiều biến động nên diễn biến giá than khó dự báo. Theo Worldbank, giá than tiếp tục dao động ở mức cao, quanh 100$/tấn. Việt Nam đang phải nhập khẩu than rất nhiều để đáp ứng nhu cầu trong nước. Lượng nhập khẩu đến năm 2025 lớn hơn 2 lần nhu cầu tiêu thụ hiện nay. Giá nguyên liệu nếu ở mức cao, 2 nhà máy đạm phía Bắc chắc chắn tiếp tục khó khăn và hoạt động cầm chừng.
Còn với 2 nhà máy đạm ở phía Nam, biến động giá khí cũng khá phức tạp. Fertecon dự báo, chi phí sản xuất Urea từ năm 2017 đến năm 2020 tăng do giá khí nguyên liệu đầu vào tăng ở hầu hết các khu vực. Giá khí của Nga sẽ tăng từ 2$/MMBtu năm 2017 lên 3,2$/MMBtu năm 2020, tương ứng với mức tăng 160%, giá khí ở Trung Đông cũng tăng, lên 1,6 $/MMBtu. Ngoài giá tăng, rủi ro về nguồn cung nguyên liệu đầu vào và đặc biệt rủi ro tỷ giá dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ _ Trung sẽ là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp phân bón.
Riêng với Đạm Cà Mau, thời điểm này câu chuyện giá khí và nguồn cung càng trở nên nóng bỏng khi chỉ còn 3 tháng nữa chính sách điều tiết giá khí đảm bảo ROE đạt 12% theo cam kết của PVN khi DN cổ phần hóa kết thúc. Kể từ năm 2014 đến nay, giá khí mà PVN bán cho DCM dao động khoảng 3 USD/tr BTU. Đây cũng là mức giá trung bình khi lập FS nghiên cứu khả thi dự án. Với chính sách giá như vậy, Đạm Cà Mau phát triển ổn định, duy trì giá bán phân đạm cạnh tranh, ổn định cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…
Nhưng nay theo dự thảo phương án mới, giá khí đang được trình Chính phủ xem xét lại cao hơn rất nhiều so với khi khi lập FS nghiên cứu khả thi dự án.
Ảnh: Anh Phong |
Giới phân tích tính toán rằng, với giá khí lên tới 7-8 USD/tr BTU, tức là cao gấp 2,5 lần mức giá giả định trong FS, tương tự gấp hơn 2 lần so với giá khí bình quân của các nhà máy sản xuất phân đạm hạt đục trong khu vực và trên thế giới, Đạm Cà Mau không thể duy trì giá bán phân bón như hiện tại, đồng thời cầm chắc nguy cơ thua lỗ.
Đó là chưa kể những thách thức lớn khác mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt như nguồn cung cấp khí hạn chế do việc phát triển dự án khí Lô B chậm hơn so với kế hoạch dẫn đến nguồn cung suy giảm nhanh so với tính toán ban đầu; nợ nước ngoài khi xây dựng dự án vẫn còn 200 triệu USD, có bảo lãnh của Chính phủ (nợ công), nhà máy chưa hết khấu hao, thị trường cạnh tranh gay gắt…
Nắm 40% thị phần phân đạm, biến động của Đạm Cà Mau, theo nhận xét của ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, sẽ ngay lập tức ảnh hưởng lớn tới thị trường phân bón cả nước, đẩy chi phí sản xuất của bà con nông dân tăng cao và tác động đến giá cả các mặt hang thiết yếu trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI…Ở thời điểm thị trường khó khăn và biến đổi khí hậu nặng nề như hiện nay, nông dân đang rất cần nguồn cung phân bón ổn định để canh tác hiệu quả và đảm bảo cuộc sống.
Như vậy, giá khí hợp lý và nguồn cung khí ổn định cho các nhà máy chính là những ẩn số đảm bảo cho việc duy trì ổn định thị trường phân bón đang có nhiều nghịch lý và diễn biến phức tạp hiện nay.