| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp vượt khó, quyết giữ mục tiêu tăng trưởng năm 2020

Thứ Năm 18/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Năm 2020, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác khôi phục sản xuất, xuất khẩu của ngành gỗ tại Tuyên Quang ngày 17/5/2020. Ảnh: Tùng Đinh

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác khôi phục sản xuất, xuất khẩu của ngành gỗ tại Tuyên Quang ngày 17/5/2020. Ảnh: Tùng Đinh

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta nói riêng.

Bên cạnh đó, hạn hán xảy ra ở cả 3 miền; xâm nhập mặn nghiêm trọng kéo dài từ cuối năm 2019 tại ĐBSCL, vượt lịch sử 2015 - 2016; dông, lốc, mưa đá ở trung du, miền núi phía Bắc, ĐBSH; bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vẫn còn những ảnh hưởng nặng nề...

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo nhiệm vụ toàn ngành nỗ lực cao nhất để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần biến ‘nguy’ thành ‘cơ’; linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế...

Đến nay, ngành nông nghiệp vẫn gặt hái những điểm sáng trong điều kiện tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Về trồng trọt, vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở ĐBSCL dù diễn ra trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mức độ gay gắt hơn và duy trì trong thời gian dài, vượt mức lịch sử năm 2015 - 2016...; song với việc dự báo sớm, Bộ NN-PTNT đã phối hợp các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp thời tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô.

Đồng thời, ngay từ tháng 9/2019, ngành đã hướng dẫn các địa phương xuống giống vụ Đông Xuân 2019 - 2020 sớm hơn so với thời vụ các năm từ 10 - 30 ngày.

Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; năm bứt phá hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành NN-PTNT là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9-3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 41 tỷ USD

Chính vì vậy, Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, toàn vùng ĐBSCL năng suất lúa đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha; sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn.

Tính chung cả nước, 6 tháng đầu năm, ước đạt 20,2 triệu tấn lúa, đạt 98,5% so với cùng kỳ, qua đó vừa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần cho xuất khẩu, với giá xuất khẩu tăng gần 13%, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 27,1%  so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 487 USD/tấn...

Ngoài ra, một số loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu, điều, chè đều có sản lượng tăng từ 2,5 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại cây ăn quả chính như xoài, chuối, thanh long, cam, bưởi, vải… cũng có sản lượng tăng từ 4 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Về thủy sản, sản xuất thủy sản đang phục hồi. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng ước đạt gần 3,83 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,7%; nuôi trồng đạt 1,94 triệu tấn, tăng 1,2%.

Do tác động của dịch Covid-19 nên xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đạt 2,8 tỷ USD, giảm 11,5%; trong đó xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất với mức 39%.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT đã tổ chức sự kiện kết nối "Sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm ca tra" mở đầu cho Phiên chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020. Tại đây nhiều doanh nghiệp phân phối và sản xuất đã ký kết kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, ước đến hết 6/2020, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 7,53 triệu m3, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động triển khai công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn.

Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, đã khiến các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm mạnh; có tới 80% người mua dừng hoặc huỷ đơn hàng; chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường.

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã kịp thời tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp khôi phục chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản sau bệnh dịch Covid-19” với mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 12 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (phải) kiểm tra công tác sản xuất, chuẩn bị tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều tại Bắc Giang ngày 26/4/2020. Ảnh: Lê Bền.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (phải) kiểm tra công tác sản xuất, chuẩn bị tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều tại Bắc Giang ngày 26/4/2020. Ảnh: Lê Bền.

Trong chăn nuôi, sau khi DTLCP được căn bản khống chế, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo nhanh chóng tổ chức tái đàn, khôi phục đàn và hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà và sẽ nhập hơn 10.000 con trong năm 2020, bảo đảm đủ giống cho giai đoạn 2021 - 2024; đối với lợn bố mẹ, đã nhập hơn 6.000 con và đăng ký nhập hơn 400.000 con...

Kết quả đến tháng 5/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào ngày 31/12/2018), tăng trưởng 5,78%/tháng; trong đó 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn tăng 68,35%. Dự kiến đến quý IV/2020 đảm bảo cơ bản nhu cầu lợn giống, lợn thương phẩm.

Nhằm đáp ứng nguồn cung thịt lợn tạm thời thiếu hụt, trong 5 tháng đầu năm 2020, theo chỉ đạo của Chính phủ, cả nước đã nhập khẩu trên 70 nghìn tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng lần đầu tiên cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước...

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo NN-PTNT đã có thư chức mừng gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí nói chung; Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí NN-PTNT nói riêng lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT trao bằng khen cho các nhà báo có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2019-2020. Ảnh: VG.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT trao bằng khen cho các nhà báo có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2019-2020. Ảnh: VG.

Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Bộ NN-PTNT ghi nhận và cảm ơn sự hợp tác, đồng hành và khích lệ của các cơ quan báo chí, truyền thông trong suốt thời gian qua để toàn ngành nông nghiệp tạo nên tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng các cơ quan thông tấn, báo chí; Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí NN-PTNT không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên để góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới Đất nước và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng hiện đại, văn minh, giàu đẹp.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã trao quyết định tặng thưởng bằng khen cho 21 cá nhân là các nhà báo đã có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2019 - 2020.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm