| Hotline: 0983.970.780

Nóng ran chuyện Trifluralin

Thứ Ba 12/10/2010 , 10:54 (GMT+7)

XK thủy sản của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu bị phát hiện sản phẩm có hoạt chất Trifluralin vượt mức cho phép. Dù bị cấm sử dụng nhưng một số người vẫn lén lút dùng. Tệ hơn, khi phát hiện ra, cơ quan quản lý lại ngơ ngác không biết chất đó thế nào và nông dân dùng làm gì.

Nhiều người nuôi thủy sản vẫn sử dụng Trifluralin (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

XK thủy sản của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu các nước NK phát hiện sản phẩm có hoạt chất Trifluralin vượt mức cho phép. Hoạt chất này cũng đã được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục cấm sử dụng trong SXKD thủy sản. Vậy nhưng, một số người nuôi thiếu nhận thức, hiểu biết vẫn dùng. Tệ hại hơn, đến những người có trách nhiệm ở một số Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản  đến nay vẫn ngơ ngác vì không biết chất đó thế nào và nông dân dùng làm gì.

Đến lượt tôm “dính chàm”

Năm ngoái, Mỹ và EU đã cảnh báo một số lô hàng cá tra XK của Việt Nam có hoạt chất Trifluralin. Đầu năm nay, Nhật Bản cũng cảnh báo về 2 lô hàng cá tra Việt Nam có dư lượng Trifluralin vượt mức cho phép của nước này. Trước tình hình đó, ngày 25/3/2010, Bộ NN-PTNT đã ra quyết định số 733/QĐ-BNN-QLCL về việc áp dụng chế độ kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng Trifluralin đối với 100% lô hàng cá tra, basa của các DN trước khi XK vào Nhật Bản.

Tiếp đó, đến ngày 2/4/2010, Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 20/2010/TT- BNNPTNT bổ sung hoạt chất Trifluralin vào Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009. Và từ tháng 5/2010, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã đưa Trifluralin vào chỉ tiêu phân tích mẫu thủy sản nuôi thuộc Chương trình Kiểm soát Dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.

Với những văn bản và động thái nói trên, vấn đề dư lượng Trifluralin trong cá tra XK đã tạm thời lắng xuống. Nhưng nó lại chuyển hướng sang tôm đông lạnh XK. Mới đây, Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã cảnh báo về việc tôm Việt Nam xuất sang nước này có dư lượng Trifluralin. Cụ thể, vào tuần thứ 2 của tháng 9/2010, lần đầu tiên một lô tôm nhập từ Việt Nam đã bị cảnh báo nhiễm dư lượng Trifluralin vượt mức cho phép trên hệ thống cảnh báo nhập khẩu của Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Với cảnh báo này, nhiều khả năng, sản phẩm tôm NK từ Việt Nam sẽ bị các cơ quan chức năng Nhật Bản nâng cao mức kiểm soát, có thể lên tới 100%. Nếu xảy ra trường hợp này, việc XK tôm nói riêng và sản phẩm thủy sản nói chung của Việt Nam vào Nhật Bản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Bởi theo VASEP, hiện Việt Nam đang là nước XK tôm số 1 vào Nhật Bản với 39.000-43.000 tấn/năm (chiếm 21% lượng tôm NK của Nhật Bản).

Chưa có kế hoạch...kiểm soát! 

+ Trifluralin là một loại thuốc cỏ tiền nảy mầm được đăng ký sử dụng lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 1963 với bằng phát minh  sáng chế của nhà sản xuất Eli Lilly. Các sản phẩm thương mại của Trifluralin có nhiều tên khác nhau như: Agriflan, Agriflan 24, Crisalin, Digermin, Eloncolan, Ipersan, Ipifluor, L 36352, Lilly 36,352, Nitran, Nitran K, Olitref, Su Seguro Carpidor, Sinflouran, Synfloran,TR-10, Trefanocide, Treflan, Treflan EC, Treflan-R, Treficon, Trifloran, Trifluraline, Triflurex, Triflurex 48EC, Trikepin, Trim, Tristar ... Trong nuôi trồng thủy sản, Trifluralin được sử dụng đầu tiên trong lãnh vực sản xuất giống tôm sú nhằm phòng trị bệnh nấm sợi trên ấu trùng tôm, sau đó được sử dụng rộng rãi trong việc xử lý nước và diệt các loại ký sinh trùng gây bệnh trong nuôi cá, đặc biệt là ương cá tra giống.

+ Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho rằng sử dụng Trifluralin có thể làm tăng rủi ro mắc bệnh ung thư bạch huyết (non-Hodgkin lymphoma). Do đó, nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế sử dụng. Hầu hết các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản quy định dư lượng của Trifluralin không được vượt quá 10µg/kg trong thịt và 1µg/kg trong cá.

(Nguồn: PGS.TS Trương Quốc Phú, Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ)

Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, ngay sau khi nhận được cảnh báo từ Nhật Bản, VASEP đã thông báo rộng rãi ngay tới các DN thành viên, để các DN chủ động tự cứu mình bằng cách lấy các mẫu sản phẩm tôm đông lạnh đem đi kiểm tra ngay tức khắc để biết có nhiễm dư lượng Trifluralin vượt mức cho phép của các thị trường NK hay không, qua đó có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là quản lý Trifluralin ngay từ khâu nuôi trồng thủy sản, mà cụ thể là nuôi cá tra, tôm sú lại chưa được quan tâm đúng mức. Ông Trần Thiện Hải cho rằng mặc dù Bộ NN-PTNT đã đưa Trifluralin vào danh mục các chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản từ nửa năm nay, nhưng do công tác tuyên truyền về vấn đề này chưa được quan tâm, chưa phổ biến rộng rãi tới người nuôi thủy sản ở các địa phương, do đó, nhiều người nuôi tôm vẫn đang sử dụng chất này trong nuôi tôm sú, cá tra.

Về điều này, theo một số Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thuộc một số tỉnh ven biển Nam Bộ, do Trifluralin chưa có trong danh mục các chất cấm của Chương trình Quốc gia về ATVSTP, nên cho đến giờ, các cơ quan chức năng ở các tỉnh vẫn mới chỉ tập trung quan tâm kiểm soát những chất cấm đã phổ biến từ trước, còn Trifluralin thì … chưa có kế hoạch. Thậm chí, có một điều khá lạ là chất Trifluralin đã được sử dụng ở nước ta từ năm 2002 đến giờ, nhưng khi chúng tôi hỏi những người có trách nhiệm ở một số Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản thuộc một số tỉnh ven biển Nam bộ, về việc kiểm soát chất này, thì họ đã tỏ ra ngơ ngác vì không biết chất đó nông dân dùng làm gì (?).

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm