Nằm trên quốc lộ 37 nối Sơn La với các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La được biết đến là một trong bốn địa phương có cánh đồng trồng lúa Mường Tấc nổi tiếng: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Uyên, tứ Tấc" với diện tích, sản lượng và chất lượng hàng đầu tại các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Vườn cam VietGAP |
Không chỉ có vậy, Phù Yên hiện nay còn nổi tiếng với cam, quýt, bưởi... an toàn, với vị thơm ngon đậm đà, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019.
Nhằm tăng năng xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tận dụng và phát huy các điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, trong những năm trở lại đây, ngoài các loại cây truyền thống ra, tập thể lãnh đạo và bà con nhân dân huyện đã mạnh dạn đưa một số loại cây có múi, giá trị cao vào cơ cấu cây trồng. Trong số các loại cây đang phát huy được tiềm năng, đem lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương phải kể đến các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi...
Được trồng thí điểm cách đây khoảng 10 năm, đến nay, diện tích trồng các loại cây có múi trong huyện đã lên đến hơn 450 ha. Các loại giống được trồng chủ yếu ở đây là cam Vinh, cam đường Canh, bưởi......
Với điều kiện khí hậu tiểu vùng thuận lợi, đất đai màu mỡ, giàu dinh dưỡng, nhiều hộ dân quê ở vùng chuyên canh cam Hưng Yên có kỹ thuật thâm canh cao, áp dụng các qui trình sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm tiêu chuẩn VietGAP đã tạo nên các sản phẩm có chất lượng cao, có hình thức vượt trội so với sản phẩm cùng loại được trồng tại địa phương khác.
Một mô hình trồng cam VietGAP ở Mường Tấc |
Cam Canh được trồng ở Phù Yên cho quả to, đều, vỏ mỏng màu vàng đậm bắt mắt, vị ngọt sâu. Tương tự cam Canh, giống cam Vinh không chỉ có vị ngọt đậm mà còn ít vị chua thanh mát.
Mặc dù có một số lợi thế về chất lượng, mẫu mã và cũng như đã được đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên, do việc đưa các loại cây này vào trồng và thu hoạch tại địa phương mới được vài năm trở lại đây nên thương hiệu cam Phù Yên chưa được biết đến rộng rãi.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm cho người trồng, tránh sự ép giá của tư thương, UBND huyện Phù Yên đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện cũng như trực tiếp cùng với người nông dân tổ chức các hoạt động như: Lễ hội Cam Phù Yên; thành lập các HTX trồng cam theo mô hình VietGAP, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, các hoạt động giới thiệu đến người tiêu dùng...
Vườn cam kết hợp với nuôi gia cầm nâng cao thu nhập |
Kết quả những năm qua, nhờ việc chọn chủng loại cây trồng phù hợp kết hợp với sự sát sao trong chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của lãnh đạo chính quyền địa phương đã giúp hộ nông dân ở đây có mức thu nhập cao (nhiều hộ thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm).
Bí thư Huyện ủy Phù Yên Lương Thị Như Hoa cho hay: “Mong muốn, qua phương tiện thông tin đại chúng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương sẽ được giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng. Đặc biệt, với đặc sản ngon nức tiếng tiếng "Cơm nếp dẻo, cá nướng thơm" các loại gạo cùng với thương hiệu "Cam Phù Yên" được sản xuất theo tiêu chuẩn VSATTP sẽ là các nông sản chất lượng, an toàn để người dân trên cả nước lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.
Ảnh: Lê Tấn |
Theo UBND huyện Phù Yên, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt; hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả; thực hiện tốt công tác dự báo phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý phân bón, quản lý giống cây trồng, quản lý đất sử dụng trong nông nghiệp; tập trung phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tiếp tục duy trì các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, đảm bảo sản phẩm nông sản Phù Yên đạt yêu cầu ATTP phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019.
Sản lượng cây ăn quả đạt trên 9.500 tấn Đến nay, Phù Yên đã gieo trồng cây có hạt đạt 17.853 ha, sản lượng ước đạt 69.846 tấn, bằng 77,27% kế hoạch; diện tích cây có bột đạt 3.510 ha, sản lượng ước đạt 39.400 tấn; rau, đậu đỗ các loại đạt 1.048 ha, sản lượng 9.536 tấn; chăm sóc 2.276 ha cây ăn quả, đạt 122,56% kế hoạch, sản lượng 9.104 tấn; chăm sóc, thu hái 311 ha diện tích chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi ước đạt 950 tấn; chăm sóc và mở rộng diện tích cây chanh leo gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm 129,17 ha. |