| Hotline: 0983.970.780

Nông sản sạch nhờ chế phẩm sinh học

Thứ Ba 10/01/2017 , 13:25 (GMT+7)

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả sản xuất là những lợi thế khi sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này tại Bắc Giang còn nhiều trở ngại.

09-15-39_20161107081332-img-2290
 

Trang trại gà công nghiệp của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, thôn Voi, xã Quỳnh Sơn (huyện Yên Dũng) mỗi lứa nuôi 1,8 vạn con (5 lứa/năm). Gà chỉ nhốt trong chuồng kín nên lượng chất thải rất lớn. Thế nhưng tại đây không có mùi xú uế như một số nơi chăn nuôi thông thường.

Anh Tuấn giải thích: “Đó là do tôi sử dụng chế phẩm sinh học. Chuồng trại gây ô nhiễm trước tiên sẽ ảnh hưởng đến mình nên ngay khi bắt tay vào nuôi gà, tôi áp dụng cách giảm mùi, tạo môi trường thoáng đãng”.

Được biết, tùy vào tình hình thời tiết, anh Tuấn dùng các chế phẩm khác nhau. Khi độ ẩm cao, chỉ cần rắc chế phẩm trực tiếp lên lớp trấu lót nền chuồng. Trời hanh khô, dùng bình phun giúp các vi khuẩn phân hủy nhanh chất thải. Nhờ vậy, hơn chục năm qua, đàn vật nuôi của gia đình anh Tuấn luôn khỏe mạnh, lớn nhanh, trừ chi phí thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Anh cho biết: “Giá chế phẩm khá cao, khoảng hơn 100 nghìn đồng/gói nhưng tính toán kỹ thì được lợi rất nhiều. Đó là những vi khuẩn có hại cho gà gần như bị tiêu diệt, gà ít bệnh sẽ giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa còn giảm công lao động bởi sau mỗi lứa phải dọn chuồng một lần. Có chế phẩm sinh học, nguồn chất thải trở thành phân bón chứa hàm lượng dinh dưỡng, được các nhà vườn tin dùng”. 

Ở lĩnh vực trồng trọt, người dân cũng thu được kết quả cao khi sử dụng chế phẩm sinh học. Đơn cử như mô hình sử dụng chế phẩm THANH HA KH.No.3 cho 500 cây bưởi Diễn tại xã Phi Mô (huyện Lạng Giang) giúp cây phục hồi nhanh khi bị bệnh sương mai, khô đầu lá, vàng lá, nghẹt rễ; đồng thời làm quả không bị nám, giúp đất tơi xốp. Hay mô hình ủ rơm rạ thành phân vi sinh tại các huyện Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa đã hạn chế tình trạng đốt rơm rạ vào cuối vụ, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hoặc cách sử dụng chế phẩm sinh học vào xử lý môi trường nước, nâng tỷ lệ cá sống...

09-15-39_20161107143010-img-3060
 

Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, việc sử dụng chế phẩm sinh học thời gian qua trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình còn gặp khó khăn. Nguyên nhân do nông dân chưa quen với cách thức sản xuất mới, ngại thay đổi. Điển hình trong chăn nuôi lợn, người dân vẫn có tâm lý “sạch mình, bẩn người” và vô tư xả chất thải ra môi trường.

Gia đình ông Trịnh Văn Toản, thôn Lực, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) nuôi hơn 20 con lợn mỗi lứa song hầm khí biogas quá tải lại chưa biết cách sử dụng chế phẩm sinh học nên chất thải không được xử lý toàn bộ. Chẳng còn cách nào khác, ông Toản đành phun nước rửa chuồng, xả thải ra cống rãnh gần nhà. Ngoài nguyên nhân trên còn do người chăn nuôi cho rằng sử dụng chế phẩm sinh học giá cao nên không đầu tư.

Trong chuyến kiểm tra một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng vừa qua, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, trồng trọt, chăn nuôi ngày càng phát triển theo hướng thâm canh, kéo theo chất thải lớn; phân bón, hóa chất cho cây trồng tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường không khí, đất, nước. Duy chỉ có chế phẩm sinh học là sản phẩm của công nghệ sinh học mới kích thích các vi khuẩn có lợi sẵn có trong môi trường hoạt động, giúp cây, con phát triển tốt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, các cấp, ngành cần quan tâm, thực hiện các biện pháp để nhân rộng mô hình này. 

Thực hiện chỉ đạo trên, năm 2017 Sở NN-PTNT, Sở KH-CN Bắc Giang sẽ tiếp tục dành kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất an toàn sinh học tại một số địa phương. Đi đôi với biện pháp trên, một số ý kiến cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để nông dân tiếp cận dễ dàng với biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Chính quyền, đoàn thể sở tại thường xuyên nhắc nhở, vận động người dân tích cực áp dụng các giải pháp làm giảm thiểu ô nhiễm...

 

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất