| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Việt đừng 'đóng bao' nữa

Thứ Sáu 09/10/2015 , 09:15 (GMT+7)

Khi nông sản thế giới “đóng gói”, thì nông sản Việt Nam vẫn còn “đóng bao”, nghĩa là trình độ SX, chế biến và hàm lượng áp dụng KHCN trong nông nghiệp của chúng ta còn quá thấp. TS Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội, ví von.

16-42-09_phung-duc-tien
TS Phùng Đức Tiến

Những thuận lợi... xa vời

Thưa ông, một câu hỏi mang tính "kinh điển" là, nông nghiệp Việt Nam thuận lợi và khó khăn gì khi gia nhập TPP?

Nhìn chung, nông nghiệp VN có nhiều thuận lợi là nguồn nhân lực, điều kiện khí hậu, đất đai. Đó là những cái mà nhiều nước không có, là lợi thế so sánh với các thành viên của TPP.

Khí hậu của Việt Nam thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi. Trong 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những ngành hàng lớn như lúa gạo, cà phê, cá tra/basa, cao su, hồ tiêu, đồ gỗ... Đây là những mặt hàng chúng ta có kim ngạch XK đạt hơn 1 tỷ USD/năm. Như vậy, ít nhất, ngoài những điều kiện thuận lợi về khách quan như trên đã nói, thì chúng ta đang có một nền tảng tốt để hội nhập.

Khi vào TPP thì gần như là một thị trường phẳng, ông chỉ làm cái gì mà người ta cần. Đối chiếu những điều kiện trên, thấy rằng chúng ta có nhiều lợi thế chứ không đơn thuần chỉ là khó khăn. Hơn nữa, chúng ta đã có những hợp tác thương mại với nhiều quốc gia qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong đó có 11 nước thành viên còn lại của TPP.

Một thuận lợi nữa phải được chỉ ra là, trong đề án tái cấu trúc nền kinh tế, thì tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt và đang tiến hành thực hiện với những kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Tuy nhiên, khi gia nhập TPP, chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn. SX của Việt Nam rất manh mún, từ SX manh mún ấy, cộng với giá đầu vào là vật tư, nguyên liệu cao, giá nông sản lại không thay đổi nhiều, nên hiệu quả kinh tế lẫn đầu tư còn thấp. Trong đó, có thể nói đến chất lượng sản phẩm của Việt Nam đạt các tiêu chuẩn để vào các thị trường khó tính như Mỹ và Nhật là chưa nhiều.

Một điều quan trọng nữa không thể không nhắc đến, đó là hiện nông nghiệp thế giới đã áp dụng các công nghệ cao trong canh tác, quy mô lớn. Nhưng ở nước ta, công nghệ cao còn hạn chế. Mình chủ yếu là ứng dụng công nghệ cao thôi, chứ công nghệ cao thì phải có vùng hạt nhân, vùng lan tỏa của SX, vùng ứng dụng... Nó giống như một hình tháp. Còn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của chúng ta mới chỉ dừng lại ở mô hình kiểu xôi đỗ.

SX của Việt Nam cũng chưa đi theo chuỗi và chưa vào được chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta mạnh ai nấy làm, ông làm giống thì chỉ làm giống, ông làm thương phẩm chỉ lo thương phẩm, ông chế biến thì đi thu mua để chế biến chứ chưa biết hợp tác với vùng nguyên liệu. Chúng ta chưa liên kết được với nhau theo một cái mạch kiểu từ ao nuôi đến bàn ăn, từ đồng ruộng đến bàn ăn, từ chuồng nuôi đến bàn ăn...

Nói một cách cụ thể hơn là sự liên kết giữa các nhà là chưa chặt chẽ. Gần đây có thêm nhà tài chính nữa, nhưng cũng chưa đâu vào đâu.

Mặc dù từ trước đến nay chúng ta vẫn nói rằng, trong sự liên kết, nhà nước tạo một môi trường pháp lý, khoa học phải đi tiên phong, DN các ông đua tài đi, cuối cùng là nông dân hưởng lợi. Nhưng đó mới chỉ đơn thuần là lý thuyết.

Như ông phân tích, có vẻ như thuận lợi của chúng ta quá vĩ mô, xa vời, còn khó khăn thì hiện hữu?

Đúng là như thế. Thách thức nghiêm trọng nhất đối với Việt Nam bao trùm cả những thách thức nêu trên là Việt Nam hiện có khoảng cách quá lớn về trình độ phát triển so với tất cả các nước thành viên TPP. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những khác biệt lớn với các đối tác trong TPP.

Về nông nghiệp, Việt Nam sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại SX, thúc đẩy ứng dụng KHCN, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trang trại, đồn điền lớn để giảm chi phí SX, dễ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như dễ ứng dụng các công nghệ sinh học vào lĩnh vực trồng trọt, canh tác, chăn nuôi, phù hợp với việc xây dựng các chiến lược về nông nghiệp.

Nền nông nghiệp “đóng bao”

Trước đây, ông đã từng là nhà nghiên cứu, lãnh đạo một viện nghiên cứu thuộc Bộ NN-PTNT, ông đánh giá trình độ KHCN trong nông nghiệp của Việt Nam hiện nay đang đứng ở đâu?

Nghiên cứu khoa học và ứng dụng KHCN trong nông nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả thấp. Mấy chục năm trước tổng kết là 30-35% giá trị gia tăng là khoa học đóng góp, nhưng đến giờ các nước họ đạt đến 60-70% rồi, mình vẫn dậm chân tại chỗ. Bây giờ nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác không thể không dựa vào khoa học được, chỉ có khoa học mới tạo được sự đột phá, thậm chí thành lực lượng SX trực tiếp, thì cái này chúng ta còn yếu.


SX nhỏ lẻ đang kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp thời hội nhập

Thứ 2 là công nghiệp chế biến, công nghệ sau thu hoạch của ta, sau bao năm, vẫn chỉ đạt 10-12% giá trị gia tăng. Mà chế biến nông sản càng sâu, thì giá trị gia tăng càng lớn. Nhiều năm nay, nông sản chế biến của chúng ta vẫn chỉ là “đóng bao”, trong khi thế giới người ta là “đóng gói” bao lâu nay rồi. Đóng bao là thể hiện trình độ công nghệ còn quá thấp, chỉ thu hoạch xong, sơ chế rồi bán.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, người đứng đầu đoàn đàm phán của Việt Nam gia nhập TPP, đã từng nói, khó khăn lớn nhất khi tham gia TPP là ngành chăn nuôi. Ông nghĩ sao?

“Trong khi thế giới họ huy động tối đa nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng KHCN, thì ở Việt Nam, chúng ta mới ở dạng được chuyển giao KHCN. Trước đây, chúng ta đầu tư 1,36% tổng chi ngân sách cho KHCN, nay mới chỉ nâng lên mức 1,52%, mà cũng thực sự chưa hiệu quả. Ở một số nước thành viên TPP, họ có thể huy động đến 70% nguồn vốn xã hội đầu tư cho việc phát triển KHCN, còn Việt Nam, tỷ lệ này quá thấp. Chúng tôi đi Đức, thăm 1 trong 6 trung tâm lớn nhất về nghiên cứu khoa học của họ, họ cho biết, 1 đồng đầu tư cho KHCN ở đây sẽ được lợi 6 đồng”, TS Phùng Đức Tiến.

Đúng là trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi gặp khó khăn lớn nhất khi gia nhập TPP.

Phải nói thế này, năng suất chăn nuôi của thế giới là rất lớn. Chỉ nói về con lợn, riêng năng suất sinh sản, họ đạt tỷ lệ 36-37 con/nái/năm, trong khi Việt Nam chưa đạt trên 20 con. Còn về lợn thịt, trọng lượng tăng trọng 850-900 gram/ngày/con thì chúng ta chưa đạt đến 800 gram...

Tiêu tốn thức ăn trên 1 kg tăng trọng của thế giới thì bằng 90% của Việt Nam, đấy là chưa nói đến toàn bộ hệ thống nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của chúng ta phải nhập. Mà nhập thì phải chi phí kho bãi, giá vốn, chi phí quản lý, tiếp thị... nên giá thức ăn chăn nuôi của ta vẫn cao hơn khu vực, chưa nói đến các nước tiên tiến, khoảng hơn 15%.

Hệ thống giống lâu nay được quản lý theo pháp lệnh giống thì lại lỏng lẻo. Cho nên tỷ trọng giống chuẩn vào SX chưa được cao. Giống đã vậy, thức ăn đã vậy, chăn nuôi lại theo lối nhỏ lẻ, dịch bệnh rình rập. Như vậy, giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, lại không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với mấy cấu thành đầu vào như vậy, chăn nuôi sẽ đứng trước khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp.

Cần tiếp những “Khoán 10, Chỉ thị 100” trong nông nghiệp

Thưa ông, chúng ta có những thế mạnh về nông nghiệp, nhưng có vẻ để phát huy tiềm năng, lợi thế ấy là quá khó?

Chúng ta vẫn chưa có mô hình chuẩn trong tất cả các lĩnh vực. Tôi nói ví dụ, các DNNN trước đây là mũi nhọn, đầu tàu cho kinh tế, nay đã cổ phần hóa thì chúng ta sẽ lấy gì làm mũi nhọn? Chưa có!

Hay như nông lâm trường, trước đây chúng ta có 7,5 triệu ha đất nông lâm trường, nay thống kê vẫn còn trên 4,5 triệu ha. Đây là diện tích lớn đang bị lãng phí.

Những năm bao cấp, với hơn 4 triệu ha đất lúa, Việt Nam vẫn thiếu đói. Nhưng nay chỉ còn 3,8 triệu ha, chúng ta đã vươn lên tốp đầu thế giới về XK gạo. Nói như vậy để thấy rằng, hàng triệu ha đất nông lâm trường hiện nay đang bị buông lỏng, nếu có biện pháp tháo gỡ kiểu Khoán 10, Chỉ thị 100 trong nông nghiệp ngày xưa, thì đây là một tiềm năng phát triển vô cùng lớn.

Còn nhiều khó khăn, song TPP chính là liều thuốc thử cho tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Đã là sân chơi chung, luật chung ai mạnh người ấy thắng. Và, Việt Nam phải bỏ tư duy SX nông nghiệp kiểu “đóng bao”, mà cần chuyển sang “đóng gói” mới hy vọng giành thắng lợi.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.