| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn chuyển mình với sự góp sức của vốn tín dụng: [Bài 2] Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 31/10/2019 , 09:11 (GMT+7)

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2015 và đang tiến hành xây dựng NTM nâng cao.

Quá trình xây dựng NTM của huyện luôn có sự đồng hành tin cậy từ Ngân hàng NN- PTNT Việt Nam (Agribank).
 

Phát triển trang trại, doanh nghiệp từ vốn vay

Ông Phạm Văn Ngữ, ở ấp Bạch Lâm, xã Gia Tân 2, Thống Nhất, Đồng Nai, là một chủ trang trại đang sở hữu khá nhiều đất nông nghiệp. Hiện ông có 6 khu đất với tổng diện tích hơn 70 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Thống Nhất và Xuân Lộc. Trong đó, khoảng 30 ha đang trồng rừng sản xuất, còn lại ông tổ chức nuôi bò, cá sấu, nai và trồng xoài.

14-29-56_nong_thon_chuyen_minh_-_bi_2
Đàn bò thịt trong trang trại của ông Phạm Văn Ngữ.

Hiện đàn bò của ông có hơn 400 con, gồm bò sinh sản và bò thương phẩm. Đàn cá sấu có tới 7.000 con gồm 1.000 con cá sấu bố mẹ và 6.000 cá sấu con. Đàn nai khoảng hơn 200 con, thời gian không xa, chăn nuôi sẽ cho gia đình ông doanh thu 6-7 tỷ đồng/năm.

Có được trang trại lớn như ngày hôm nay, ông Ngữ được sự trợ giúp rất lớn bởi nguồn vốn vay từ Agribank. Năm 1987, sau khi tích lũy được một khoản vốn liếng nhờ làm bột dong rồi sửa chữa, mua bán máy móc nông nghiệp, ông Ngữ bắt đầu mua đất để làm nông.

Lúc đầu, ông mua 5 ha, rồi tăng lên thành 10 ha. Sau một thời gian, ông bán chỗ đất đó và mua 100 ha ở một nơi khác. Từ đó, ông bắt đầu vay vốn từ Agribank để mua thêm đất, mở rộng quy mô trang trại. Có thời điểm, ông có tới gần 150 ha đất nông nghiệp, và dư nợ vay của Agribank lên tới trên 20 tỷ đồng.

Những năm gần đây, do cơ cấu lại trang trại và cần tiền để duy trì cơ sở bảo trợ xã hội Bạch Lâm (nuôi dưỡng 220 gồm người tâm thần, bệnh nhân nghèo không có nơi nương tựa, trẻ mồ côi …, với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng/năm), ông Ngữ đã bán bớt đất trang trại, nhất là những khu đất ở xa, lấy tiền mua đất ở gần nhà, tiếp tục làm nông nghiệp. Diện tích đất của ông giờ chỉ còn bằng một nửa so với trước đây, nhưng vẫn là một diện tích lớn với giá trị cao.

Agribank vẫn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ vốn vay cho ông với dư nợ hiện vào khoảng 10 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ đắc lực này, ông Ngữ hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, nguồn thu từ trang trại sẽ giúp ông tiếp tục duy trì cơ sở bảo trợ xã hội Bạch Lâm.

Ngoài việc hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của trang trại, nguồn vốn Agribank đã tiếp sức cho không ít doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Thống Nhất.

Một ví dụ điển hình là Cty TNHH Anh Quỳnh ở ấp Gia Yên, xã Gia Tân 3. Ông Phạm Hồng Đức, giám đốc công ty, cho biết, công ty chuyên chế biến nhân điều xuất khẩu với công suất 1.000 tấn nhân điều/năm, mỗi năm Anh Quỳnh phải thu mua 4.000 tấn điều thô. Để đảm bảo chất lượng, giá thành …, Anh Quỳnh chỉ mua điều thô Việt Nam. Vụ điều Việt Nam chỉ kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm.

Do đó, trước khi vào vụ, công ty đã phải chuẩn bị một khoản vốn lớn để thu mua. Và khoản vay 10 tỷ đồng từ Agribank đã góp phần quan trọng giúp cho Anh Quỳnh thu mua được một lượng điều thô không nhỏ ngay từ đầu vụ, dự trữ sẵn trong kho, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Nhờ đó, trong mấy năm qua, Anh Quỳnh luôn duy trì được sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 1.000 tấn.
 

Đóng góp lớn cho nông thôn mới

Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thống Nhất, cho biết huyện Thống Nhất đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. Đến năm 2019, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện đều đã đạt chuẩn NTM, trong đó, 50% số xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kế hoạch xây dựng NTM của huyện Thống Nhất trong năm 2020 là có 5 khu dân cư kiểu mẫu và 1 xã NTM kiểu mẫu.

Trong quá trình xây dựng NTM ở Thống Nhất, Agribank đã có những đóng góp rất tích cực. Trong giai đoạn 2010-2015, toàn huyện huy động được 11.400 tỷ đồng để xây dựng NTM, thì Agribank đóng góp 46%. Từ 2016 đến nay, huyện Thống Nhất đã huy động được hơn 9.100 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, nguồn vốn từ Agribank chiếm 44,5%.

Thống Nhất có diện tích đất sản xuất nông nghiệp không nhiều, chưa tới 11.000 ha đất canh tác. Với điều kiện đất đai chật hẹp như vậy, để phát triển kinh tế, người dân Thống Nhất đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, chủ yếu là heo (Thống Nhất từng là huyện có đàn heo lớn nhất nước). Nuôi heo cần nguồn vốn không nhỏ, do đó, sự hỗ trợ vốn vay từ Agribank là rất quan trọng.

Nếu như trước khi xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người ở Thống Nhất chỉ đạt 11,4 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2018 đã đạt hơn 61 triệu đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha, nếu tính cả chăn nuôi, lên tới trên 300 triệu đồng/năm. Thu nhập tăng cao, nông dân có điều kiện đóng góp để chỉnh trang đô thị, làm đường, sửa sang nhà cửa…

Agribank Chi nhánh huyện Thống Nhất còn đẩy mạnh cho vay sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, góp phần giúp cho 97,6% nhà cấp 4 trên địa bàn huyện đạt chuẩn theo tiêu chí nhà ở dân cư. Thời gian tới, huyện Thống Nhất đi vào xây dựng NTM theo chiều sâu, tập trung vào nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng sống. Vì vậy, vai trò của Agribank vẫn là "bà đỡ" thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất