Nông thôn mới từ thôn và mỗi hộ dân
Được cán bộ “đi từ ngõ, gõ cửa từng nhà” nên người dân tại các bản làng ở Hà Giang đã hiểu được làm nông thôn mới là vì lợi ích của mỗi thôn, bản, của mỗi hộ dân. Có con đường bê tông kiên cố, người dân bản có thể cưỡi xe máy bon bon vượt qua từng con dốc mà trước đây ngày mưa chỉ có thể đi bộ. Có trường học kiên cố, ngày mưa cô, trò không phải tìm chỗ trốn dột... Nông thôn ở Hà Giang đang dần bừng sáng.
Hoàng Văn Huynh làm Trưởng thôn Hoàng Văn Thụ, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang từ năm 2017. Dù chưa đầy 30 tuổi, nhưng sự nhiệt tình năng nổ hết mình vì việc xóm, việc làng của Huynh đã giúp tiếng nói của anh khiến cái bụng của người dân trong thôn được thuyết phục.
Năm 2019, thôn Hoàng Văn Thụ được nhà nước và các tổ chức xã hội hỗ trợ 47 tấn xi măng nhưng thiếu tiền và vật liệu xây dựng. Sau khi hỏi ý kiến của các thành viên trong ban lãnh đạo thôn; xin ý kiến các vị cao tuổi Huynh đến từng nhà vận động và được người dân đồng tình ủng hộ. Bởi thế, trong vòng hơn 1 tháng, thôn đã huy động được gần 26 triệu đồng mua cát, sỏi phục vụ thi công tuyến đường.
Anh Hoàng Văn Huynh chia sẻ, sau gần 20 ngày thi công liên tục, tuyến đường dài 1 km của thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường đã tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như giao lưu buôn bán trở nên dễ dàng, đời sống của người dân cũng được cải thiện hơn trước.
Thôn Đồng Nhẩu, xã Thu Tà, huyện Xín Mần có 35 hộ dân thì có tới 16 hộ nghèo và cận nghèo. Thế nhưng khi thôn có chủ trương vận động mỗi hộ đóng góp 400 nghìn đồng để xây dựng nhà văn hóa thì ai cũng đồng tình. Bởi người dân đều hiểu, nhà văn hóa cũ dựng tạm bằng ván gỗ, mái lợp bằng fipro xi măng đã quá xuống cấp.
Anh Lù Đức Văn, Trưởng thôn Đồng Nhẩu cho biết, theo dự toán, giá trị xây dựng nhà văn hóa thôn khoảng 120 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu, còn lại huy động nguồn lực trong nhân dân. Trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nên các khoản từ thu tiền, thanh quyết toán, thi công, chất lượng công trình... dân đều tham gia. Vì vậy việc xây dựng nhà văn hóa thôn được thuận lợi, tạo lòng tin trong dân.
Lòng dân đồng thuận, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang cũng thuận lợi hơn. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến hơn 234.000 m2 đất, làm được 152 km đường bê tông nông thôn; xây dựng được 1.191 công trình nhà tắm, xây dựng được 44 phòng học và 25 nhà văn hóa...
Làng quê đổi mới
Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh Hà Giang 38/177 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu trong năm 2020 sẽ có thêm 7 xã đạt chuẩn. Công cuộc xây dựng nông thôn mới tại 7 xã được lựa chọn về đích trong năm 2020 cũng có nhiều khởi khắc. Hiện nay các xã đều đạt từ 14 tiểu chí trở lên.
Năm 2018, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đạt chuẩn nông thôn mới sau 7 năm nỗ lực thực hiện. Xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã đã đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến trên 20.165m2 đất; thực hiện bê tông hóa đường trục thôn, xóm, nội đồng 23,33 km, kiên cố hóa kênh mương được gần 5 km, xây mới 3 nhà văn hóa... Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 28,16 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,87%.
Ông Lý Tà Đành, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ cho biết, từ ngày làm nông mới bộ mặt làng quê anh khang trang sạch đẹp hơn. Vì thế việc xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng của thôn cũng thêm khởi sắc. Bà con trong thôn ai cũng ý thức vệ sinh đường làng ngõ xóm thông thoáng, khuôn viên nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Hiện nay trung bình mỗi tháng, thôn Nặm Đăm đón gần 1.000 lượt khách đến lưu trú tại các homestay trong thôn. Cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn.
Ngày 3/8, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hà Giang hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình nông thôn mới của thành phố là trên 317,9 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước và vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn tín dụng ưu đãi trên 279 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp 17,8 tỷ đồng, vốn đóng góp của người dân trên 19,7 tỷ đồng. Nhân dân đã hiến 114.988 m2 đất và đóng góp 155.368 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Đến nay thu nhập bình quân của người dân 3 xã Phương Độ, Phương Thiện, Ngọc Đường của thành phố đạt 35,74 triệu đồng/người/năm, tăng 12,56 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,36%, giảm 3,4% so với năm 2010; giá trị thu nhập trên 1 ha/năm đạt 100 triệu đồng, tăng 33,3 triệu so với năm 2010.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, xong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Hà Giang vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Như nguồn lực huy động trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Hiện nay nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới tại các huyện, xã chủ yếu trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa thực sự đi vào đời sống nhân dân; công tác giám sát, chỉ đạo nâng cao chất lượng công trình, đặc biệt đường giao thông công trình cấp nước, kênh mương thủy lợi chưa được thường xuyên và sâu sát, dẫn đến chất lượng công trình ở một số nơi còn thấp...