| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới từ sân khấu 'bước' xuống đời thường

Thứ Ba 15/10/2019 , 08:32 (GMT+7)

Không thể có nông thôn mới (NTM) nếu người dân sống ở đó vẫn mang tư duy cũ, tinh thần cũ.

08-34-30_dsc_2111
Trẻ con chơi đùa trước sân nhà văn hóa của một vùng ngoại thành.

Bởi thế 10 năm xây dựng NTM của Hà Nội là cuộc vận động thay đổi nhận thức của cả cán bộ lẫn người dân, từ chỗ hiểu xây dựng NTM là một dự án của Nhà nước sang xây bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu.

“Hòn đá tảng” trông chờ, ỷ lại bị bẩy đi, để từ đó khai thông dòng chảy nội lực trong dân, động viên họ tham gia tích cực bằng nhiều hình thức, hoạt động cụ thể như: Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương...

Có được sự chuyển biến này phần lớn là nhờ vào sự tuyên truyền bền bỉ, sáng tạo như các cuộc tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu về NTM trong khu dân. Rất nhiều bài thơ, bài hát, tiểu phẩm kịch, chèo có sức mạnh huy động, tập hợp còn hơn mọi văn bản, khẩu hiệu khô khan.

Xác định xây dựng gia đình văn hóa là hạt nhân của NTM, trước đây có cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh - Gia đình văn hóa” thì nay tiếp tục được phát triển mạnh mẽ hơn trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Việc biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu tại hội nghị tổng kết phong trào hàng năm và hội nghị đại biểu nhân dân ở xã, phường, thị trấn khiến cho các chủ hộ cảm thấy được trân trọng, càng lúc càng cố gắng hơn để giữ gìn. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhờ đó trung bình hàng năm đạt trên 85%.

Phong trào xây dựng làng văn hóa là nội dung chính trong xây dựng NTM ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Với yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; giúp nhau phát triển kinh tế; tạo lập cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xoá bỏ các hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh; hình thành môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của chính quyền các cấp, tôn trọng pháp luật...

Công tác xây dựng làng văn hóa được các huyện hết sức chú trọng. Hệ thống nhà văn hóa các thôn, làng được đầu tư trang thiết bị thiết yếu phục vụ tốt cho các hoạt động. Nhiều hủ tục trước đây như cưới xin, ma chay ăn uống cả 100 mâm trong nhiều ngày giờ bị dẹp bỏ. Nếu năm 2010, số ca hỏa táng của thành phố chỉ đạt tỷ lệ 18,5% thì đến năm 2018 đã tăng lên 60,09%, mục tiêu giai đoạn 2020- 2025 còn phải đạt trên 65%, ngoài tiết kiệm kinh phí, một phần quỹ đất còn đảm bảo môi trường.

Công tác đăng ký, bình xét, công nhận và trao tặng danh hiệu làng văn hóa được thực hiện theo quy chế. Ban Chỉ đạo Thành phố luôn yêu cầu các địa phương phải đảm bảo chất lượng trong quá trình bình xét công nhận: Tổ chức kiểm tra từng thôn làng theo tiêu chuẩn đã định; căn cứ vào thực tế, không đặt nặng mức hoàn thành chỉ tiêu cụ thể giao hàng năm vào đánh giá kết quả phong trào...

Tổ chức trao tặng, đón nhận các danh hiệu trở thành ngày hội văn hóa của các thôn làng được công nhận nhằm tôn vinh danh hiệu này, có tác dụng cổ vũ, động viên các thôn làng tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đã đạt được, đồng thời là mục tiêu hướng tới của những thôn làng đang trong quá trình phấn đấu.

Đến năm 2018, toàn thành phố Hà Nội có 1.524/2.538 (đạt 60%) làng đạt và giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” (tăng 7,9% so với năm 2010). Các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường đã thu hút số lượng lớn quần chúng, nhân dân tham gia.

Sớm sớm, chiều chiều người dân đến đọc sách, tập thể dục, chơi thể thao rất đông chứ không còn đìu hiu như trước. Nhiều nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa đã bắt đầu được đáp ứng mà tiêu biểu có thể kể đến là những nét đẹp như làng bích họa, làng hoa…

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.