| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn, phía bên kia bờ sông lở

Thứ Hai 15/08/2011 , 13:01 (GMT+7)

Như một con sông có hai bờ, thành thị là bờ bồi đắp toàn phù sa, màu mỡ, tinh túy; còn nông thôn như bị xói lở dần những giá trị truyền thống...

Như một con sông có hai bờ, thành thị là bờ bồi đắp toàn phù sa, màu mỡ, tinh túy; còn nông thôn như bị xói lở dần những giá trị truyền thống, bị tấp vào những "rác" của cuộc sống văn minh…

Lở làng

1. Sự lở đầu tiên theo đúng nghĩa đen. Đê tả hữu ngòi Giành -  con ngòi chảy từ huyện Yên Lập xuống sông Hồng mới được Nhà nước đầu tư cả trăm tỉ đồng ngày đêm bị vài chục tàu hút cát xâu xé nhất là đoạn qua xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê- Phú Thọ.

Ngày trước lòng ngòi chỉ rộng 20-30 mét, giờ có đoạn ruễnh ra tới 200-300 mét, sâu dăm bảy mét, có chỗ dòng chảy cạp sát chân đê. Cứ mỗi mét vuông bãi thượng lưu lở dưới hạ lưu bị bồi cao lên, ngập úng hàng trăm mét vuông. Mới rồi, đoàn trắc địa đo đạc bản đồ địa chính để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, đo ruộng hôm nay xong, nửa tháng sau chỉ đất cho dân nhận trên thực địa, đất đó đã rơi xuống ngòi từ lúc nào.

Hàng tre ven ngòi giờ ở giữa lòng. Dọc ngòi có nhiều bến bãi dã chiến, trên xe tải ghé đít vào, dưới thuyền bơm cát lên, rất tiện. Đến nay, ước tính hơn 3 ha bãi của Tiên Lương bị mất trắng trợn, 7 ngôi mộ phải di chuyển không cũng mất cốt giữa dòng. Nhiều hộ dân mất một phần ruộng từ khu ngòi Giành lên Trại Quýt. Dân kêu xã. Xã kêu huyện. Huyện kêu tỉnh. Kêu mãi, công an huyện rồi công an môi trường tỉnh cũng về. 19 chiếc thuyền bị bắt sống, xích, hàn lại với nhau. Hôm trước hàn, hôm sau chủ lại cho người tháo ra, hoạt động tiếp. Bắt tháo máy nổ về huyện giữ, họ bỏ không thèm đến chuộc mà sắm máy mới, khai thác tiếp.

Có thuyền bị bắt quả tang trên đường giải về UBND xã, dọc ngòi bị đánh đắm, công an chịu không làm sao trục vớt được. Chờ lực lượng chức năng bỏ cuộc, hôm sau chủ thuyền lấy tre đóng một bè lớn, tời kéo thuyền lên tiếp tục hành trình hút cát. Tất cả đều không có giấy phép. Hàng loạt xã ở ven dòng sông Lô thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang oằn mình khi mất hàng chục ha đất canh tác vì nạn hút cát. Các tàu ở đây, cái không phép, cái chỉ có phép thăm dò nhưng đã vươn vòi ngày đêm sục sạo bờ bãi. Xung đột, máu đổ, lòng dân căm phẫn nhưng cơ quan cấp trên cứ lẳng lặng làm ngơ. Dân bảo các sếp "có phần" rồi, hàng tháng xuống lĩnh thì còn làm chặt sao được nữa?

Hôm tôi đến anh Trần Văn Quyền, cán bộ địa chính xã Tiên Lương, cùng vợ con mướt mồ hôi đẩy chiếc xe bò chở vừng thu non từ bãi về. Quả vừng mới nhú, chẳng có hạt, cho trâu bò ăn không đắt. Không chỉ có vừng của anh Quyền mà hoa màu, lạc đỗ của nhiều người dân Tiên Lương cũng phải dỡ non như vậy. Anh bảo: “Trộm mèo, trộm chó người ta còn bắt được đằng này là hút cát. Cần gì lập chuyên án, mọi thứ sờ sờ ra đấy. Vấn đề là chỉ bắt hay không bắt. Đường nát, đất mất, đê nguy cơ lở. Thật tình chúng tôi tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước bao nhiêu thì lại không thể tin vào mắt mình bấy nhiêu”.

Thời gian trước, hộ ông Nguyễn Văn Bền ở khu 3 xót ruột trước cảnh mất ruộng, ba bố con ra giữ đất, xô đẩy với chủ thuyền bị xử phạt thua đã là một tấm gương tày liếp khiến dân làng khiếp sợ. Anh Nguyễn Minh Thanh, Trưởng khu 3, khu bị mất nhiều đất ở Tiên Lương với trên 30 hộ than cảnh mình bị… ăn chửi suốt bởi dân bảo bầu cán bộ lên làm gì để đất đai không giữ được cho họ.

2. Sứt môi hở rốn ở làng

Những người lành lặn, lên đàng ra đi

Câu ca đó giờ phổ biến ở các làng quê. Phó Chủ nhiệm HTX Bá Đoạt (Long Xuyên, Bình Giang, Hải Dương), ông Nguyễn Văn Minh bảo: “70-80% con em nông thôn thường học hành chẳng nên đầu nên đũa, chỉ đi may hay làm công ty hai xô (xách vôi, xách vữa), công ty hai vai (vác đất). Những đứa học hành đỗ đạt lại càng không chịu ở quê mà phải bươn lên thành phố, thị xã, dù có làm trái ngành, trái nghề. Chỉ có dạng ấm ớ, sứt môi, hở rốn mới chịu ở làng. Như ở Ngô Xá (Cẩm Khê, Phú Thọ) có 35% hộ nghèo, trên 30 hộ đói giáp hạt, 60% nhà lá trong đó 20% nhà lá kém, tường đất, mỗi năm có 3.000 lao động ly hương, chủ yếu theo nghề nặng nhọc và ô sin.

Anh Nguyễn Cường Để ở khu 9 xã Ngô Xá (Cẩm Khê, Phú Thọ) mất tích cả hai đứa con gái cũng bởi lớ ngớ lên phố làm ôsin. Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Hoa khi đang học lớp 3 đã bị bố dẫn đi khai tăng tuổi để đi làm. Cô chị đi được 20 ngày, không có tin tức gì, nóng ruột cô em đi tìm. Từ 2007 đến nay cả hai mất tích luôn.

 Mới đây, khi anh Để đang cuốc đất trồng sắn trên đồi, công an tới báo có tin của chính quyền bên Trung Quốc về trường hợp cháu Hồng đang lưu lạc ở đó. Nó đã có chồng hay chưa, ở nơi tử tế hay nhà thổ nhơ nhớp? Giờ sắn trong vườn đã mọc cao tới bụng cũng chẳng có tin gì khiến anh Để ruột gan cồn cào.

3. Làm ruộng giờ chỉ toàn người già với trẻ con. Các hội thảo đầu bờ, lớp học khuyến nông toàn người đầu hai thứ tóc hoặc đã bạc trắng, tai nặng nghe câu được câu chăng, mắt mờ chẳng nhận ra mặt chữ, tay run chẳng điều khiển nổi cái bút theo đúng ý mình. Học xong về, đâu lại vào đấy. HTX cứ gọi loa là phun thuốc tuỳ ý chẳng cần biết mật độ bệnh tật có đáng phun hay không, phun vào thời điểm nào, lứa nào có tác dụng. Họ quãi phân mà chẳng cần biết màu lá lúa thừa chất hay thiếu vi lượng. Họ quen trồng những cây dễ làm như lúa, khoai, ngô, đậu, ngại cái mới. Họ nuôi những vật nuôi theo cách của cả trăm năm trước ông bà họ thường làm.

Nông thôn bây giờ toàn người già

+ “Làng quê giờ chia hai phái, giàu nghèo. Đám hiếu, đám hỉ, cán bộ còn có tiền, còn đi được. Nông dân được mời đấy nhưng hết gà, vịt, hết thóc gạo để bán, không có đồng xu dính túi đành sượng mặt mà vờ ốm đau cáo bận”, một người dân ở Cẩm Khê.

+ “Đi họp trên tỉnh thì quê ngồi riêng, phố ngồi riêng vì quen, vì ngại. Nhóm ở phố, cán bộ phường uống chai rượu cả vài tạ thóc, ăn đặc sản bằng cả tháng lương còn nhóm ở quê, mỗi lần họp lại tranh thủ cuốc bộ đi lùng áo giảm giá vỉa hè 35.000đ/cái”, ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Chủ tịch xã Ngô Xá.

Chương trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp với nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết các hộ dân nông thôn năm 2010 của Việt Nam đã phải tham gia nhiều hoạt động để có thu nhập hơn, đồng nghĩa với cuộc sống của họ phải vật lộn trong khó khăn, đánh đổi nhiều thứ và làng quê bây giờ đang “rỗng” người khỏe mạnh, có tri thức.

Nghiên cứu gia Finn Tarp của Đan Mạch nhận định đây chính là nguy cơ vì khi phải ôm đồm nhiều việc quá, người nông dân sẽ không thể tập trung vào việc chính của họ. Nông dân mất đi cơ hội làm gia tăng quy mô kinh thế, cơ hội tiếp thu KHKT để sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, lợi nhuận bằng nghề nông.

Còn ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) tổng kết ở làng quê hiện nay chênh lệch thu nhập càng ngày càng tăng. Thống kê năm 2008, mỗi hộ nông dân thu nhập 52,7 triệu đồng/năm, năm 2010 là 80,9 triệu đồng/năm trong đó sự chênh lệch vùng miền thấy quá rõ, đội sổ thu nhập là Quảng Nam với trung bình 42 triệu đồng/hộ/năm, sau đó là Lai Châu 46 triệu đồng/hộ/năm và cao nhất thuộc về tỉnh Long An với 114 triệu đồng/hộ/năm. Mức thu nhập này nếu chia cho mỗi gia đình nông dân có trung bình 5-6 người thì nửa năm thu nhập của một người dân nông thôn chưa bằng một tháng thu nhập của người thành phố. 

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất