| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn Tuy Lộc đổi mới

Thứ Ba 10/09/2019 , 13:15 (GMT+7)

Tuy Lộc là xã miền núi xa xôi của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) từng là vùng đất nghèo khó. Nhưng nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề, Tuy Lộc nay đã trù phú, đời sống người dân ấm no, chuẩn bị cán đích nông thôn mới (NTM).

Vài trăm nghìn cũng khó

Nói về những năm tháng chưa xa, ông Tạ Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc bảo, địa phương phát triển kinh tế, chuẩn bị về đích NTM như hiện nay đúng như một kỳ tích.

Đời sống người dân tại làng nghề mộc Dư Ba ngày một khấm khá.

Tuy Lộc vốn là xã miền núi, người dân quanh năm chỉ biết bám lấy ruộng đồng, hai sương một nắng. Bởi vậy, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, thu nhập bình quân đầu người trung bình toàn xã chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của địa phương ở mức 18%, bởi người dân thiếu tư liệu sản xuất, thiếu một cú hích thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ông Thắng tâm sự, khi mà đời sống của người dân còn khó khăn, làm gì cũng khó, từ những việc nhỏ nhất. Trước đây, khi địa phương muốn làm đường hay công trình gì, cần sự ủng hộ, đóng góp của người dân đều hết sức chật vật. “Nói thật với anh, chúng tôi đi vận động ủng hộ, mỗi hộ vài trăm nghìn cũng khó chứ đừng nói tiền triệu. Nhưng gần đây, nhờ phát triển các làng nghề, đời sống người dân cũng như bộ mặt nông thôn đã khởi sắc”, ông Thắng kể.

Tại Tuy Lộc có hai làng nghề truyền thống lâu đời là làm mộc ở thôn Dư Ba và sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm. Vì là nghề truyền thống, trước đây người dân chỉ sản xuất thủ công, manh mún. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người dân đổ đi các nơi học tập, đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tỉnh Phú Thọ cũng quan tâm đầu tư dự án, phát triển kinh tế, giúp hai làng nghề này thực sự thay da đổi thịt.

Theo ước tính, mỗi năm, giá trị kinh tế từ hai làng nghề này khoảng 45 tỷ đồng (riêng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm 35 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người tại Tuy Lộc cũng tăng lên, đạt trên 33 triệu đồng/người/năm. Dự kiến, cuối năm 2019, Tuy Lộc sẽ đạt chuẩn NTM.
 

Xã nghèo chuyển mình

Làng nghề mộc Dư Ba hiện nay có hàng trăm hộ đầu tư sản xuất, đủ loại mặt hàng xuất đi khắp các tỉnh. Từ đơn thuần đục, chạm trổ bằng tay, tới nay nhiều hộ đã sắm cả dàn máy phay cắt bằng vi tính (CNC) để sản xuất. Sản phẩm đáp ứng tất cả các nhu cầu, dù là khắt khe nhất của khách hàng.

Ông Đoàn Hùng Thiện, chủ một xưởng mộc tại Dư Ba cho biết, làng mộc truyền thống nay đã hiện đại lắm rồi. Trước đây, để thiết kế mẫu sản phẩm, người làng mộc phải đi khắp nơi học, giờ thì ngồi nhà “cạch, cạch” trên vi tính một loáng là xong. Tuy vậy, việc đầu tư vài trăm triệu một bộ máy CNC không phải hộ nào cũng dám làm.

Từ khi áp dụng công nghệ, sản lượng nghề mộc Dư Ba tăng lên nhanh chóng, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Không chỉ đem lại lợi nhuận cho các chủ xưởng, lương nhân công cũng tăng lên. Mỗi tháng, một thợ chính được trả từ 9 - 12 triệu đồng, thợ phụ khoảng 6 triệu đồng.

Còn tại làng nghề Thủy Trầm, hiện có khoảng 40 gia đình nuôi cá chép đỏ nói riêng, cá giống nói chung. Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Phú Thọ phê duyệt dự án đầu tư cho Thủy Trầm 44 tỷ đồng, chủ yếu là giúp người dân nâng cấp kênh mương thủy lợi, giao thông vùng nuôi trồng. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng giúp người dân làm giấy chứng nhận thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm.

11-00-27_3
Một góc làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm.

Anh Trần Văn Tiến, thôn Thủy Trầm cho biết, từ nghề nuôi cá chép đỏ cúng ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch), nay gia đình mở rộng sản xuất đủ loại con giống. Mỗi năm, thu nhập 200 - 300 triệu đồng nên anh Tiến đã xây được nhà cửa khang trang, sắm ô tô tải để chở hàng. Ông Bùi Văn Chữ, trưởng làng nghề Thủy Trầm tâm sự, giờ làng nghề sôi động quanh năm chứ không riêng gì dịp cuối năm. Đời sống người dân khấm khá, thu nhập bình quân 36 triệu đồng/người/năm.

Trở lại câu chuyện xây dựng NTM, ông Tạ Đức Thắng bảo, từ việc vận động vài trăm nghìn cũng khó, mấy năm rồi có nhà xung phong đóng góp 18 triệu, rồi 24 triệu ủng hộ làm đường giao thông. Đó là minh chứng xác thực nhất cho bức tranh kinh tế xã miền núi Tuy Lộc.

Đến nay, toàn huyện Cẩm Khê đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đang chờ tỉnh Phú Thọ xem xét công nhận. Đánh giá chung, dù là huyện trung du, miền núi, Cẩm Khê vẫn đang nỗ lực tìm mọi cách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân để đổi mới bộ mặt nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm