| Hotline: 0983.970.780

Vẫn rực rỡ những hành khúc bất hủ

Thứ Năm 12/09/2013 , 10:33 (GMT+7)

Ngoa ngôn một chút, có thể khẳng định nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là ông vua thể loại hành khúc ở Việt Nam.

Ô Môn - Cần Thơ là vùng đất sản sinh ra nhiều bậc hào kiệt như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Châu Văn Liêm… và cũng là cái nôi nảy nở nhiều tài năng âm nhạc như Trần Kiết Tường, Đắc Nhẫn, Triều Dâng… Và khi nói đến những người con của Ô Môn - Cần Thơ không thể không nhắc đến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (sinh ngày 12/9/1921, mất năm 1989) với những hành khúc hay nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.


Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Nếu có dịp đặt chân về Ô Môn, chứng kiến sự bình yên của chằng chịt sông ngòi và sự cặm cụi chất phác của nông dân, thì bằng suy luận thông thường chắc chắn không ai lý giải được, vì sao cậu bé Lưu Hữu Phước ngày nào chỉ được cha dạy cho chơi đàn kìm bên rạch Bằng Lăng lại có thể tự mày mò học hỏi để theo đuổi và thành công ở thể loại hành khúc vốn chỉ quen thuộc với âm nhạc phương Tây. Có lẽ thế hệ sau ngầm hiểu với nhau một cách đơn giản rằng, chính phép cộng giữa tài năng thiên bẩm và tinh thần yêu nước đã giúp Lưu Hữu Phước viết nên những hành khúc sôi nổi và giục giã như “Lên đàng”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Tiến về Sài Gòn”…

Nhìn lại lộ trình sáng tạo miệt mài và tâm huyết của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thật không khó để nhận ra một điều thú vị: trong hành trang mà cậu học trò 16 tuổi Lưu Hữu Phước rời Cần Thơ lên Sài Gòn để theo học Trường trung học Trương Vĩnh Ký đã có bản thảo ca khúc đầu tay “Non sông gấm vóc”. Nghĩa là, sự nghiệm âm nhạc của Lưu Hữu Phước đã được nhen nhóm ngay từ khi còn ngồi ghế trường College nơi quê nhà.

Ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ 20, Lưu Hữu Phước đã kết giao tri kỷ với hai người bạn đồng môn Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ tạo thành nhóm Huỳnh Mai Lưu nổi tiếng. Chính giai đoạn, Lưu Hữu Phước đã hứng khởi viết nhiều ca khúc kêu gọi ý thức cội nguồn cho tuổi trẻ mà vượt trội là “Bạch Đằng giang” được sáng tác vào năm 1940. Vẫn mạch cảm xúc ấy, sau khi ra Hà Nội học Đại học Y Dược, Lưu Hữu Phước tiếp tục có thêm các tác phẩm trứ danh như “Ải Chi Lăng”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Hờn sông Gianh”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Hồn tử sĩ”…

Năm 1944, Lưu Hữu Phước tham gia Mặt trận Việt Minh và quyết định từ bỏ giấc mơ thầy thuốc để trở lại miền Nam tranh đấu. Quyết tâm ấy được ông thể hiện qua ba sáng tác công bố ngày rời Hà Nội là “Xếp bút nghiên”, “Mau về Nam” và “Gieo ánh sáng”. Và chẳng bao lâu sau, ngày Nam Kỳ khởi nghĩa 23-8-1945, Lưu Hữu Phước đã đứng chung với niềm vui của đồng bào mình bằng bài hát “Khúc khải hoàn”.

Năm 1946, Lưu Hữu Phước được điều động ra miền Bắc nhận nhiệm vụ mới. Dù đảm trách nhiều vai trò quản lý bận rộn, nhưng âm nhạc của ông cũng vang lên với nhiều đề tài khác nhau như “Thiếu nhi thế giới liên hoan”, “Cả cuộc đời về ta” hay “Nông dân vươn mình”. Sau 20 năm công tác ở Hà Nội, Lưu Hữu Phước quay về miền Nam giữ chức Bộ trưởng Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Âm nhạc trở thành thứ vũ khí sắc bén mà Lưu Hữu Phước đóng góp cho ngày đất nước thống nhất.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định, 10 năm từ 1965 đến 1975 là khoảng thời gian Lưu Hữu Phước sáng tác nhiều nhất và hay nhất, mà công chúng có thể kể “Dưới cờ Đảng vẻ vang”, “Giờ hành động”, “Bài hát giải phóng quân”, “Hành khúc giải phóng”, “Xuống đường”… Đặc biệt, bằng tâm tư của một tài năng lớn, Lưu Hữu Phước đã viết trước “Giải phóng miền Nam” và “Tiếng về Sài Gòn” để hai ca khúc này theo chân những đoàn quân hẳm hở đi đến ngày 30/4 đại thắng!

Về đề tài Bác Hồ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có hai ca khúc viết cách nhau 22 năm nhưng đều có sức lan tỏa vào đời sống nhân dân. Năm 1947, khi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ trên đất Bắc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác “Lãnh tụ ca” có phần lời viết chung với nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Năm 1969, khi ở miền Nam nghe tin Bác Hồ mất, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác “Tình Bác sáng đời ta” có phần lời viết chung với nhà thơ Diệp Minh Tuyền.

Tượng đài âm nhạc Lưu Hữu Phước được vun đắp bởi những hành khúc bất hủ, nên ít người biết rằng Lưu Hữu Phước thuở hai mươi viết nhiều ca khúc trữ tình. Bên cạnh vài bài tha thiết mong ngóng đôi lứa như “Trên sông Hương” hay “Ai nhớ ai”, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã gửi gắm một mối tình chia cách lỡ làng của mình qua bài hát “Hương giang dạ khúc”.

Có lẽ đến một lúc nào đó, công chúng không chỉ tôn vinh cố Giáo sư - Viện sĩ Lưu Hữu Phước bằng những hành khúc rộn ràng hùng tráng, mà còn nhớ về nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thời trai trẻ lãng mạn từng có phút giây xao xuyến một mỹ nhân cố đô khi viết “Hương giang dạ khúc” với giai điệu đắm đuối: “Làn hương thu mờ trong bóng chiều, vờn run ánh ngà, nhẹ đưa đưa xa… Làn hương ơi, làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong mơ…"

Ngoa ngôn một chút, có thể khẳng định Lưu Hữu Phước là ông vua thể loại hành khúc ở Việt Nam. Hành khúc của Lưu Hữu Phước không chỉ làm rường cột cho âm nhạc nước nhà, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến phong cách sáng tác của nhiều lớp nhạc sĩ kế cận. Thế nhưng, hãy lưu ý, Lưu Hữu Phước không chỉ có hành khúc. Ngoài những công trình khoa học chuyên sâu về âm nhạc dân tộc, Lưu Hữu Phước còn có nhiều vở ca kịch giàu biểu cảm như “Tục lụy”, “Phá mưu bù nhìn” hoặc “Diệt sói lang”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất