| Hotline: 0983.970.780

NSƯT Quốc Chiêm nhớ về thời hoàng kim

Thứ Sáu 23/11/2012 , 10:06 (GMT+7)

Dù anh đang đứng ở vai trò quản lý, thế nhưng khi nói về chèo, chia sẻ về một thời Hoàng tử Pơ Liêm, anh vẫn còn say mê lắm...

Dù anh đang đứng ở vai trò quản lý, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội, thế nhưng khi nói về chèo, chia sẻ về một thời Hoàng tử Pơ Liêm, anh vẫn còn say mê lắm: Thời đó (những năm 80) hầu như tỉnh nào cũng có "Nàng Sita" nhưng không ai vượt được Quốc Chiêm - Lâm Bằng.

“Đoàn nào cũng dùng rất nhiều loại hình dân ca, cải lương, kịch… nhưng không ai vượt nổi tụi tôi, kể cả Phương Quang, Trịnh Thanh Vy ở TP Hồ Chí Minh. Hồi đó đã không vượt nổi thì bây giờ lớp trẻ sao có thể?” (cười).


NSƯT Quốc Chiêm trong vở “Nàng Sita”

Nghệ sĩ trẻ giờ dở lắm hay sao mà anh bi quan vậy?

Nghệ sĩ bây giờ chạy theo cơ chế thị trường nhiều quá! Như tôi đã nói, trước đây chúng tôi phải cực kì phấn đấu mới có được vai diễn. Những vai liên quan đến lịch sử phải phải chú trọng nhiều thứ rất nhỏ, từ trang điểm, quần áo không chuẩn là khán giả chê mình rồi, họ bỏ tiền ra họ xót chứ.

Trước đây, nếu ngày đầu diễn không tốt, ngày hôm sau phải bỏ chỗ không tốt kia, chứ như bây giờ đến nhận xét chuyên môn nhiều đơn vị cũng bỏ.

Trước đây, khi được vào vai hoàng tử Pơ Liêm, anh đã mất bao nhiêu thời gian công sức?

Ngày xưa tập ghê lắm! Các thầy bắt bọn tôi phải tập 3 tháng đến 6 tháng. Mỗi buổi diễn luôn luôn phải sáng tạo, hôm nay diễn khác ngày mai, vẫn ngôn ngữ đó nhưng cách biểu cảm khác, thế mới gọi là diễn viên sân khấu.

Hỏng thì hỏng ngay, thắng là thắng ngay, chứ không đơn giản như mình quay một bộ phim rồi cứ thế chiếu đi chiếu lại. Ở đây, diễn viên diễn trực diện trên sân khấu nên không thể cứ để khán giả xem mãi một cách thể hiện đó được, “không ai tắm 2 lần trên một dòng sông” và người diễn viên phải diễn như vậy trên sân khấu.

NSND Lê Khanh cũng có chia sẻ: Lên sân khấu, muốn khán giả khóc hay cười là do chính nghệ sĩ…

Chính xác! Chỉ có Lê Khanh với Quốc Chiêm mới nói câu đó nha (cười). Giới trẻ bây giờ không có điều đó, vai diễn mờ mịt tối tăm, chả có cung bậc gì cả, cứ ầm ầm thôi. Diễn viên không hiểu được hết cung bậc tâm lí nhân vật thì sao diễn được.

Tôi còn nhớ tuổi thơ của mình là cả gia đình ngồi trước tivi đen trắng và khóc nức nở với vai diễn của anh và chị Lâm Bằng?

Hồi đấy khán giả các nơi mê quá còn đi theo đoàn mà. Cũng do ngày xưa thông tin đại chúng ít, tivi còn là đen trắng, không có gì giải trí ngoài sân khấu. Cạnh đó, thế hệ lúc bấy giờ lớn lên với đào kép, nên người ta thuộc tích chèo ấy, hay nói cách khác người ta được giáo dục thẩm mỹ rồi, còn bây giờ loạn thẩm mỹ.

Ngày ấy có thông tin anh và chị Lâm Bằng phải lòng nhau?

Lúc đó tôi có vợ rồi, năm 1983 tôi cưới vợ thì năm này cũng ra vở diễn. Năm 1984, tôi có con đầu lòng. Tôi và Lâm Bằng đóng đào kép thì quý nhau, vì không quý sao đóng được nhưng đúng là tôi rất quý Lâm Bằng, hai anh em vẫn chia sẻ với nhau những lúc vui buồn.

Phải nói Lâm Bằng rất giỏi và đẹp, lâu lắm mới kiếm được cô đào thương giỏi, lấy được nước mắt khán giả, dáng dấp rất công chúa. Hồi đấy, cứ công tử với tiểu thư là kết hợp tôi và Lâm Bằng. Trong nghệ thuật truyền thống có vai mẫu, mà vai mẫu chỉ người có sở trường đóng được dạng này thôi, không phải ai cũng đóng được đa dạng đâu. Sau này có Thu Huyền vào đào lẳng thôi, cô ấy cũng đóng được vai hề hay bà già, còn vào đào thương, công chúa là hỏng, không có chất.

Sau vở “Nàng Sita”, chúng tôi đóng chung trong “Ngọc Hân công chúa", "Thạch Sanh", "Biển khổ”. Khi diễn vở “Biển khổ”, chúng tôi diễn quá hay luôn! Khép lại vở diễn, chúng tôi ra chào khán giả mà nước mắt của tôi với Bằng vẫn còn cho đến lúc bước vào phía sau sân khấu. Phải để khán giả thưởng thức cái bi kịch của vở diễn khi tấm màn nhung khép lại, vẫn còn nước mắt của nhân vật và khán giả. Bây giờ làm gì có như thế! (cười).

Khán giả hâm mộ vậy, đời sống nghệ sĩ của anh không đến nỗi khó khăn chứ?

Đợt vào TP HCM diễn, ngày thứ nhất, thứ hai, khán giả có vẻ thờ ơ, nhưng đêm diễn thứ ba họ phải mang sổ gạo ra xếp hàng mua vé. Hồi đó, khán giả đi mua vé tháng này thì tháng sau mới đến lượt vào xem. Diễn viên chúng tôi đi làm cho Nhà hát nên cũng không kiếm được nhiều tiền, thỉnh thoảng được trưởng đoàn bồi dưỡng cho hơn những người khác một chút thôi.

Hồi đó nghèo lắm! Xe đạp không có mà đi, khán giả phải tặng. Họ tặng vàng bạc mình không lấy. Tôi nhớ lần đi biểu diễn "Nàng Sita" tại Campuchia 20 ngày, hai cô con gái ông Bí thư tỉnh có tặng tôi 1 hộp vàng, nhưng tôi không dám lấy. Họ tặng cho tôi bộ quần áo bò, nước hoa, tặng cả đồ cho vợ tôi nữa vào khoảng 100 riel (tiền Campuchia).

Tôi có đến 50 bà mẹ nuôi ở Hà Nội này. Bà nào cũng tranh chiêu đãi con trai đi ăn phở, ra khỏi cửa rạp mà tôi có dám đi với bà nào đâu, trốn về nhà mình ở khu tập thể ở Nguyễn Công Trứ, đun nước pha đường uống. Đói nhưng vẫn phải vậy! Nếu mình đi với bà mẹ nuôi này thì bà kia lại bảo “họ cướp thằng bé của mình”, nghĩ thế nên tôi không dám đi ăn với ai để khỏi mâu thuẫn.

Sinh ra tại miền quê của hát chèo - Thái Bình, từ nhỏ Quốc Chiêm đã nghe về tích chèo, giai điệu chèo, chúng ngấm vào máu thịt khi nào chẳng biết. Chỉ biết khi ở tuổi niên thiếu, cậu bé vẫn thường xuyên đứng tựa gốc cây ngoài đình xem đội hát chèo của xã ngày nào, giờ thành cây văn nghệ của trường với biệt tài ngâm thơ, hát chèo có tiếng.

Đang học phổ thông, Quốc Chiêm rủ 5 bạn trai cùng làng lên Hà Nội để thi tuyển vào Đoàn chèo, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chẳng biết thị xã Thái Bình tròn méo thế nào, ấy vậy mà cái đám mới lớn ấy cơm đùm, cơm nắm lên Hà Nội thi.

Chiêm đỗ, 5 bạn rớt, cậu được Đoàn chèo Hà Nội cử đi học 4 năm (từ 1975 -1979) tại Trường SKĐA. Về lại Đoàn công tác, những năm đầu cậu chỉ được đóng mấy vai kíp 3 trong khi kíp 1 mới là vai chính. Ba năm sau, Chiêm mới có một vai chính Lâm xà-lan trong vở chèo hiện đại nổi tiếng khi ấy “Người con gái trở về” (của Minh Vũ).

“Ngày ấy, để đóng kíp 1 là rất khó, vì đó là cơm áo gạo tiền của người ta, không diễn viên nào muốn nhường lại cho người trẻ. Đến các ông bầu cũng muốn đoàn của họ là kíp chính, như khán giả đến mua vé cũng chỉ vì thần tượng của họ. Như nghệ sĩ Cù Trọng Bang trong vở “Lưu Bình Dương Lễ” được khán giả hâm mộ đến mức mua vé chỉ để nghe ông ấy ngâm 1 câu trông “Lưu Bình Dương Lễ” là ra. Thậm chí, khán giả mua vé “thâm niên” luôn nên lớp trẻ như tôi không thể vào vai đó được", Quốc Chiêm chia sẻ.

Khó khăn là động lực khiến con người ta cố gắng, may mắn đến với Quốc Chiêm một năm sau đó (1983) anh được giao vai hoàng tử Pơ Liêm trong vở “Nàng Sita”, đóng ở kíp 2. Chiêm được vai này cũng nhờ cơn cớ “thầy già con hát trẻ” lớp trước đành nhường lớp sau. Biết mình có lợi thế là trẻ, gương mặt đẹp nhưng chưa có vai nào để khẳng định, nên khi được giao vai, anh cố gắng để không tuột mất cơ hội.

Quốc Chiêm bồi hồi nhớ: “Tôi cực kì trăn trở, nhờ bạn nhờ thầy giúp đỡ, thậm chí còn soi gương xem mình diễn thế nào, đi đứng ra sao. Tôi vào hoàng tử, một nhân vật từ lúc 16 tuổi đến hết cuộc đời. Một vở diễn nói về con người ta khi mất đi lòng tin thì mất đi tất cả".

Mê vai đến vậy nhưng anh rất tỉnh táo, không bị ngộ vai. Anh sợ bị chê như lần đóng vai Hề Tam trong vở “Tú Uyên Giáng Kiều”, được nhận xét: “Mày đóng vai này như một con khỉ. Muốn thành công, phải có những cái riêng của mình”. Chiêm khắc cốt ghi tâm điều ấy nên khi được giao vai mới buổi chiều thì đêm đến anh trằn trọc nghĩ: “Mình phải tiết chế ở đâu và lấy nước mắt khán giả ở đoạn nào, cung bậc nào”. Và chính vì cái khó của một thời, cái tâm của người nghệ sĩ, làng chèo mới có được một Hoàng tử Pơ Liêm, một Quốc Chiêm sáng giá cho đến gần 30 năm nay, vẫn chưa có ai vượt qua được.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất